Trách nhiệm thuộc về ai?

ANTĐ - Anh Đặng Vũ Tâm (30 tuổi, kỹ sư xây dựng, Từ Liêm, Hà Nội) theo dõi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

- Anh thấy các vấn đề được Bộ trưởng giải trình hôm nay thế nào?

- Rất cụ thể, các kiến nghị của Bộ Công an, Bộ Tài chính, các địa phương đều sát với thực trạng. Các vấn đề được mổ xẻ kỹ. Tuy nhiên không thấy nói về tình hình tai nạn giao thông đường sắt. Trong lúc Bộ trưởng đang giải trình, 10h sáng lại có vụ tàu khách Sài Gòn - Phan Thiết bị lật do xe ben đâm. Có cách nào để hạn chế tai nạn đường sắt đến mức thấp nhất không vì tai nạn thường rất nghiêm trọng.

- Liệu có phải hiện nay các phương tiện đang chịu quá nhiều loại phí?

- Vấn đề này vẫn chưa được giải thích một cách thuyết phục. Tôi chưa thấy được người dân sẽ được phục vụ ra sao khi đóng nhiều phí như thế. Nếu cần có thể tạo cơ chế thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông, không thể cứ bắt người dân đóng tiền, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn.

- Việc nâng mức phạt sẽ giúp cải thiện tình hình giao thông hiện nay?

- Cần xem xét những vi phạm nào thuộc về ý thức tham gia giao thông thì cần xử phạt thật nặng, cần thì tịch thu phương tiện, tước bằng lái. Cũng cần xem lại phạm vi các lực lượng xử phạt, tránh chồng chéo, tiêu cực. Và một điều đặc biệt quan trọng là phải quy trách nhiệm cụ thể. Hàng năm nếu tình trạng ùn tắc, tai nạn không giảm, lãnh đạo Ban an toàn giao thông các địa phương, Bộ trưởng Bộ GTVT-“Tư lệnh” ngành phải chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho khách quan được.