Trách nhiệm pháp lý khi thi công công trình xây dựng gây tai nạn cho người khác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Trên đường đi làm về, khi đi qua khu vực đang thi công thì tôi bị ngã vì đi qua hố ga không có nắp đậy và bị thương. Thưa luật sư, trong trường hợp này thì ai chịu trách nhiệm bồi thường cho tôi? Đơn vị thi công có bị xử lý hình sự không? Nghiêm Tuấn Anh (Quận Tây Hồ, TP Hà Nội)
Luật sư Vũ Quang Vượng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng. Địa chỉ: Tầng 7, tòa số 8 Láng Hạ, Hà Nội

Luật sư Vũ Quang Vượng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng. Địa chỉ: Tầng 7, tòa số 8 Láng Hạ, Hà Nội

Luật sư trả lời:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 47, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về thi công công trình trên đường bộ đang khai thác:

“2. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn”. Nếu công trình hố ga đang thi công mà để xảy ra tình trạng không an toàn và gây tai nạn cho người khác tùy theo hành vi vi phạm, mức độ gây thiệt hại thì chủ thể sai phạm sẽ phải chịu các trách nhiệm pháp lý như sau:

Về trách nhiệm hình sự

Tại Điều 281, Bộ luật Hình sự quy định Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông như sau:

“1. Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không mà có một trong các hành vi sau đây, dẫn đến hậu quả làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật;

b) Không khắc phục kịp thời đối với công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;

c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông, đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại mà chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;

d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về kiểm tra và thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;

đ) Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;

e) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đặt tín hiệu phòng vệ khi thi công, sửa chữa công trình giao thông;

g) Không thu dọn, thanh thải biển hiệu phòng vệ, rào chắn, phương tiện, vật liệu khi thi công xong;

h) Vi phạm quy định khác về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông”…

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại Điều 15, Thông tư số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông thì hành vi “Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn… ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa” là một hành vi vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông tại Điều 281, Bộ luật Hình sự.

Do đó, những người chịu trách nhiệm thi công công trình đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông” với mức hình phạt phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đồng thời có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 281, Bộ luật Hình sự quy định Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông (Ảnh minh họa)

Điều 281, Bộ luật Hình sự quy định Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông

(Ảnh minh họa)

Về trách nhiệm dân sự

Đơn vị tổ chức thi công công trình sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn theo những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại khoản 1, Điều 590, Bộ luật Dân sự năm 2015 và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.