Trách nhiệm đạo đức

ANTĐ - Ngày 27-4, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-Won đã đệ đơn từ chức do vụ chìm phà hành khách Sewol, khiến hơn 300 người chết và mất tích.

Thủ tướng Chung Hong-Won thông báo từ chức

Trong thông báo của mình, ông Chung Hong-Won nói: “Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn chặn tai nạn này xảy ra cũng như không thể đưa ra phản ứng thích đáng sau đó. Trên cương vị Thủ tướng, tôi phải nhận trách nhiệm và từ chức”. 

Đến nay, sau hơn 10 ngày kể từ khi thảm kịch phà Sewol xảy ra, có thể khẳng định rằng trong số những người mất tích, khó còn ai sống sót. Nguyên nhân gây ra thảm họa trước hết là yếu tố con người. Khi bắt đầu hành trình, phà Sewol chở 3.608 tấn hàng hóa như xe khách, xe tải, máy xúc, xe nâng, tức là gấp 3 lần trọng tải cho phép. Đã thế, thủy thủ đoàn lại không buộc chặt hàng hóa theo quy định, khiến nó dịch chuyển khi gặp nạn, làm phà lật úp nhanh chóng. 

Cũng có thông tin cho biết phà Sewol có 46 thuyền cứu sinh, đủ sức cứu hết các hành khách. Có điều khi tai nạn xảy ra, chỉ một chiếc duy nhất hoạt động hiệu quả vì các thuyền viên không thường xuyên luyện tập cứu hộ nên không quen với các thao tác cứu nạn cơ bản.

Người ta khó có thể chấp nhận cách hành xử của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn. Khi phà bắt đầu chìm, các thuyền viên đã yêu cầu các em học sinh ở nguyên trong cabin. Thế nhưng, khi tàu đã bị ngập tới 95% mà lời khuyên đó vẫn tiếp tục được nhắc lại. Đã thế vào lúc thuyền trưởng và nhiều thuyền viên bỏ tàu để thoát thân, hành khách vẫn chưa được lệnh hướng dẫn từ thủy thủ đoàn. Ngày càng có bằng chứng rõ ràng rằng thuyền trưởng Lee Joon-Seok đã trì hoãn không cần thiết hoạt động sơ tán hành khách khi phà bắt đầu chìm và sau đó “bỏ rơi họ”. 

Điều đó giải thích tại sao thân nhân của những người bị nạn lại có những hành động quá khích nhằm vào các cơ quan chức năng. Một nhóm thân nhân người mất tích giận dữ xông vào Văn phòng cứu hộ ở Jindo lôi Phó giám đốc lực lượng cảnh sát biển Choi Sang-hwan ra ngoài bờ biển ngồi suốt đêm cùng với Bộ trưởng Hàng hải Lee Ju-young. Bản thân Thủ tướng Chung Hong-won cũng bị tấn công bằng chai nước khi đến thăm thân nhân những người bị nạn đang chờ đợi con mình được giải cứu trong cơn tuyệt vọng. 

Nhiều tờ báo Hàn Quốc cho rằng, thảm họa phà Sewol bộc lộ nhiều vấn đề hơn trong xã hội Hàn Quốc, khi người ta chỉ quan tâm chạy theo những giá trị vật chất. Nếu như không vì lợi nhuận, chủ phà Sewon không thể cho phép mạo hiểm với tính mạng con người khi chở lượng hàng vượt quá trọng tải cho phép tới 3 lần. Thêm vào đó là sự lãng quên trách nhiệm đạo đức của con người. Chứng kiến cái chết của con mình, một bà mẹ 32 tuổi đã thốt lên: “Làm thế nào để dạy trẻ con tin tưởng vào người lớn khi chúng nghe rằng thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của phà Sewol bỏ chạy sau khi bảo các em ngồi im?”. 

Không phải là người trực tiếp gây ra thảm họa trong vụ chìm tàu Sewol, bản thân đã tỏ ra hết sức có trách nhiệm với những hoạt động cứu nạn sau thảm họa, nhưng Thủ tướng Chung Hong-Won vẫn quyết định từ chức, coi đó là trách nhiệm đạo đức cần thiết với vụ chìm phà được coi là thảm khốc nhất ở Hàn Quốc kể từ năm 1993.