Trách nhiệm của toàn xã hội

ANTĐ - Trong thời gian qua, bằng những chương trình hành động cụ thể, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ, hỗ trợ trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, vẫn còn một thực trạng gây nhức nhối xã hội. Đó là nạn bạo hành, lạm dụng lao động trẻ em, thậm chí biến trẻ thành tội phạm trộm cắp, lừa đảo.

Gần đây nhất trên mạng xã hội lan truyền clip về một người phụ nữ chuyên nghề lửa đảo với chiêu trò dùng một đứa trẻ đánh lạc hướng người bán hàng để ăn cắp chiếc điện thoại iPhone trong cửa hàng. Đây là bằng chứng “minh họa” cho một thực trạng lớn, đáng lo ngại về việc sử dụng trẻ em làm công cụ thực hiện những hành vi bất chính, phạm pháp.

Dư luận và công luận đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng trẻ nhỏ bị một số đối tượng chăn dắt trong những đường dây ăn xin, chèo kéo du khách tại các điểm du lịch, nơi vui chơi giải trí ở các thành phố, đô thị lớn. Trẻ thơ đã thực sự bị biến thành nô lệ để kiếm tiền.

Nếu không lao động cật lực, kiếm đủ “định mức” thì sẽ bị hành hạ, đánh đập không thương tiếc. Báo chí đã đăng tải những phóng sự điều tra phơi bày tình trạng trẻ lang thang, cơ nhỡ mưu sinh trên đường phố trở thành những nạn nhân xâm hại tình dục của những kẻ bệnh hoạn, kể cả người nước ngoài. 

Có thể nói, trẻ em đang đứng trước nguy cơ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Điều này không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các tổ chức bảo vệ, chăm sóc trẻ em, mà rất cần sự chung tay, góp sức của cả xã hội, của mỗi người dân.

Dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em đã trở thành đạo lý, hành động thiết thực mang lại hiệu quả rõ ràng ở nước ta. Dù vậy, mọi nỗ lực, mọi giải pháp vẫn chưa đủ đảm bảo bền vững, lâu dài nếu như thiếu sự chung tay của toàn xã hội.