Nguy cơ cháy nổ từ gas

Trách nhiệm của nhà cung cấp gas ở đâu?

ANTĐ - Không phải đến khi 2 cháu nhỏ thiệt mạng trong vụ nổ khí gas gây sập nhà, người ta mới giật mình nhận ra rằng xung quanh ngôi nhà của mình  luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn về cháy nổ. Nổ khí gas có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu như người sử dụng chủ quan…


Cháy từ gas

Cách đây 3 tháng, quán bia Hải Xồm trong khu vực phường Vĩnh Phúc (Ba Đình) cũng đã xảy ra một vụ nổ khí gas khiến 1 người bị thương. Thống kê mới nhất của Sở PCCC Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 13 vụ cháy, nổ liên quan đến gas, làm chết 2 người, bị thương 10 người. Trong năm 2011, vụ nổ liên quan đến gas đầu tiên xảy ra trên phố Bạch Mai, Hà Nội vào cuối tháng 1-2011 khiến chủ nhà bị bỏng mặt, tay và khiến cả khu dân cư xung quanh náo loạn.

Tiếp đó, ngày 9-6-2011, vụ rò bình gas tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, khiến 5 người bị bỏng nặng phải chuyển tới Viện Bỏng quốc gia, và hai người trong số này sau đó đã tử vong. Vào tháng 7-2011, chủ cửa hàng giày dép là chị Hoàng Thị Hiên, 24 tuổi, ở đường Lê Hồng Phong, TP Vinh, tỉnh Nghệ An cũng bị cháy sém vì gas phát nổ lúc chị bật bếp lên để nấu mì. Một người bảo vệ ở cửa hàng bên cạnh chạy tới cứu cũng bị  lửa bén vào người.

Chủ quan - chuyện muôn thuở

Hầu hết trong các vụ cháy nổ đã xảy ra thì một trong những nguyên nhân chính là do người dân thiếu hiểu biết, chủ quan trong khi sử dụng các thiết bị liên quan đến gas, điện. Việc sử dụng bếp gas hiện nay là rất phổ biến nếu như không muốn nói 100% người dân ở Hà Nội đều dùng bếp gas. Song phần lớn những người sử dụng đều chỉ biết tắt bật bếp đơn thuần, hết gas thì gọi. Rất ít người trong quá trình sử dụng thường xuyên kiểm tra xem thiết bị đun nấu trong gia đình mình có đảm bảo an toàn hay không. Hoặc hiểu biết các thao tác về van an toàn, hoặc các trường hợp thiết bị có sự cố thì giải quyết như thế nào. Khí gas rất dễ rò rỉ nếu dây nối, van, bình bị hư hỏng, hoen gỉ. Nếu gặp lửa rất có thể gây cháy nổ.

Đối với gas, người dân nên thường xuyên kiểm tra các thiết bị gas. Dây gas nên một năm thay một lần, còn van gas, 2 năm thay một lần. Các thiết bị này trong quá trình sử dụng bị thức ăn bắn vào nên rất nhanh bị ôxi hóa. Khi phát hiện khí gas rò rỉ thì phải mở tất cả các cửa thông thoáng để khí gas thoát ra ngoài. Phải tuân thủ theo đúng quy trình mà nhân viên kỹ thuật hướng dẫn sử dụng bếp gas. Để tránh sự cố rò rỉ gas, khi chọn bình gas, nên chọn đại lý chính hãng, có tên tuổi, biết rõ cửa hàng gas tránh việc sử dụng sản phẩm của các cơ sở sang chiết lậu. Hạn chế để lọt khí gas xuống đường ống hoặc các ống cống liên thông với bên ngoài. Nếu trong nhà có cống ở bếp nối với bên ngoài, khi trong nhà có hiện tượng rò gas, khí có thể lan ra đến ngoài đường, gặp tia lửa điện tình cờ có thể cháy ngược vào trong. Về nguyên tắc khi sử dụng xong nên khóa van bình, không chỉ là tắt bếp, bởi có trường hợp chủ nhà đi vắng cả ngày, chuột cắn đứt dây gas mà không biết. Sau 3-5 năm sử dụng nên thay ống dẫn gas.


Chỉ vì lợi nhuận, bỏ quên tính mạng người dân?

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện có một số nhà cung cấp gas vì ham lợi nhuận mua bán khí gas không nguồn gốc, rồi sang chiết, đổ nhiều nước lã vào bình, rất nguy hiểm đối với người sử dụng. Người tiêu dùng cũng không biết cách để kiểm tra độ an toàn cũng như chất lượng gas. Không những thế, nhiều cửa hàng gas hiện nay, vì muốn tiết kiệm nhân lực, thường sử dụng người vận chuyển gas là người lắp đặt bình gas. Họ chỉ là công nhân phổ thông, họ thay gas, bật bếp lên lửa coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Có khi, thử bếp, thấy mùi gas cũng không tìm hiểu nguyên nhân vì sao, chỉ chú tâm sao cho bật được bếp là hoàn thàn nhiệm vụ. Vì vậy nếu các thiết bị đấu nối có bị hư hại cũng không biết, không kiểm tra, còn nói gì đến việc hướng dẫn người sử dụng thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Các nhà cung cấp gas hiện nay chỉ chú trọng đến việc quảng cáo để làm sao cạnh tranh bán được nhiều sản phẩm chứ không mấy quan tâm đến sự an toàn của người sử dụng. Đồng thời hệ thông pháp luật của chúng ta cũng chưa có cơ chế ràng  buộc trách nhiệm của các nhà cung cấp gas đối với người tiêu dùng. Khi xảy ra sự cố thì người gánh chịu hậu quả vẫn là người tiêu dùng. Chính sự thả lỏng này dẫn đến việc các nhà cung cấp hám lợi đã tính toán mọi cách để làm sao giảm giá thành ở mức thấp nhất, có lãi nhiều nhất, bán hàng được nhiều nhất mà không chú ý đến sự an toàn của người dân.

Cần phải xem xét trách nhiệm của các nhà cung cấp gas

Có một thực tế hiện nay là hầu hết các cở sở kinh doanh gas đều sang chiết gas trái phép, thậm chí có cơ sở còn sang chiết gas từ bình gas giá thấp sang bình gas giá cao để kiếm lời,  thường xuyên sử dụng quay vòng các bình gas cũ mà không đổi từ nhà sản xuất dẫn đến chất lượng bình gas không đảm bảo nhưng vẫn mang bán cho người tiêu dùng. Được biết, để “làm tiền” người tiêu dùng, không ít cơ sở kinh doanh gas  làm ăn chụp giật còn sử dụng nhiều các chiêu thức để lừa dối khách hàng.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần phải đặt ra cơ chế quản lý đặc biệt đối với các cửa hàng cung cấp gas, cần có những quy định chặt chẽ, có những điều kiện ràng buộc khi cấp giấy phép kinh doanh cho những cơ sở kinh doanh cung cấp gas chẳng hạn như quy định về trách nhiệm của cơ sở khi bán hàng không đảm bảo chất lượng, ký cam kết với khách hàng về nghĩa vụ của nhà cung cấp khi xảy ra sự cố mà nguyên nhân là do bình gas không đảm bảo chất lượng. Cơ sở kinh doanh gas cũng cần có địa chỉ kinh doanh cụ thể, hiện nay nhiều cơ sở cung cấp gas chỉ hoạt động bằng số điện thoại mà không có địa chỉ cụ thể. Bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với các cơ sở sang chiết gas trái phép, thì các nhà cung cấp gas phải có điều kiện bắt buộc trong việc  tuyển lựa nhân viên, đào tạo nhân viên lắp đặt. Khi lắp bình gas cho khách hàng phải kiểm tra kỹ các đầu nối, dây dẫn, tuyệt đối an toàn.

Trong trường hợp thấy không an toàn phải báo cho chủ sử dụng biết để thay thế kịp thời.  Hàng tháng các cơ sở cung cấp phải có trách nhiệm bảo dưỡng định kỳ một cách nghiêm chỉnh chứ không phải chỉ đến để lau chùi bếp như hiện nay… Trước khi trông chờ các cơ sở kinh doanh nâng cao đạo đức và có trách nhiệm với người tiêu dùng thì hệ thống pháp luật cần có những chế tài quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ sở cung cấp gas, đồng thời phải rà soát kiểm tra và xử lý mạnh tay đối với các cơ sở sang chiết gas trái phép vì đó chính là nguyên nhân chính phát sinh những hiểm họa cháy nổ, đe dọa đến sự an toàn của người dân.

Khi đang thay bình gas, tuyệt đối không được sử dụng hoặc vận hành các thiết bị có thể phát sinh tia lửa điện gần đó như nổ xe máy, đánh bật lửa. Yêu cầu người thay bình gas phải thử lại độ kín bằng nước bọt xà phòng, cả trong trạng thái mở và khóa van. Gia đình cũng nên tự kiểm tra thường xuyên bếp, ống dẫn gas bằng nước bọt xà phòng. Tủ bếp không nên làm kín, mà phải để hở để có thể ngửi được khí gas rò. Khí gas nặng nên bao giờ cũng tràn xuống dưới đất, vì thế bên dưới tủ bếp chỗ để bình gas nên để thoáng. Những người tiêu dùng cũng cần nâng cao hiểu biết về bình gas và yêu cầu các nhà cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng.