Trách nhiệm của cử tri với vận mệnh đất nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày mai 23-5-2021, cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, giờ là lúc các cử tri nêu cao trách nhiệm để lựa chọn những người xứng đáng nhất, đủ tài đức đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và địa phương.
Mỗi cử tri tham gia bầu cử không chỉ là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước

Mỗi cử tri tham gia bầu cử không chỉ là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước

Công việc chuẩn bị cho bầu cử đã hoàn tất

Đến thời điểm này, 84.767 khu vực bầu cử trong cả nước đã sẵn sàng để đón 69.198.594 cử tri trong cả nước tới thực hiện quyền làm chủ, trực tiếp cầm lá phiếu để tự lựa chọn đại biểu của mình tại Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước ta, và tại HĐND các cấp - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Lá phiếu của cử tri sẽ là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, góp phần củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây cũng là góp phần quan trọng vào việc triển khai các nội dung đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Chính vì thế, cả năm qua, các cơ quan tổ chức bầu cử, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã chủ động, tích cực tham gia, chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt cho cuộc bầu cử. Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri, được tiến hành liên tục, không chỉ qua các phương tiện truyền thống như truyền hình, báo, đài, mà còn qua cả mạng xã hội, tin nhắn điện thoại. Điều này đã giúp các cử tri nắm được những điểm mới trong bầu cử, đồng thời có được cảm giác háo hức, hồ hởi hướng về ngày hội lớn của toàn dân.

Điểm nhấn nổi lên trong cuộc bầu cử lần này là sự chủ động. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cả hệ thống chính trị đã nhanh chóng vào cuộc. Công tác triển khai bầu cử được tiến hành từ rất sớm. Hội đồng Bầu cử quốc gia, các Tiểu ban chuyên môn và bộ máy tham mưu giúp việc được thành lập, kiện toàn sớm. Công tác chuẩn bị bầu cử cũng được tiến hành sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước. 3 điểm nhấn “sớm” đó đã đưa đến kết quả là mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử đã sẵn sàng.

Ngay cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất, ở mức độ nguy hiểm nhất từ trước tới nay, trên địa bàn của gần một nửa số tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều nơi đã phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, thì dịch bệnh - yếu tố đặc biệt lần đầu tiên xuất hiện trong các kỳ bầu cử cũng không thể ảnh hưởng đến tiến độ bầu cử. Các kịch bản, kế hoạch phòng chống lây lan Covid-19 được chuẩn bị sẵn cùng nỗ lực ngày đêm truy vết, khoanh vùng, dập dịch của các lực lượng chức năng là nền tảng quan trọng để bầu cử được tiến hành thuận lợi.

Và điều quan trọng nhất là qua 3 vòng Hiệp thương, cả nước đã lựa chọn được những ứng viên xứng đáng, đầy đủ tiêu chuẩn theo luật định để cử tri bầu vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp. Trong đó, 866 người ứng cử vào Quốc hội để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV; 6.199 người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 để bầu 3.726 đại biểu; 37.468 ứng viên vào HĐND cấp huyện để bầu 22.952 đại biểu; 405.244 ứng viên vào HĐND cấp xã bầu 242.312 đại biểu.

Trách nhiệm cử tri trong ngày hội lớn toàn dân

Ngày bầu cử - sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, ngày hội của toàn dân đã đến. Giờ là lúc cử tri thể hiện trách nhiệm của bản thân với đất nước, đóng góp vào việc xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho mọi công dân thực hiện quyền bầu cử của mình. Trong đó, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín là 4 nguyên tắc cơ bản, đã được luật hóa thành những luật định quan trọng trong quá trình chuẩn bị bầu cử ở nước ta.

Còn với mỗi cử tri, tham gia bầu cử không chỉ là niềm vinh dự được thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước. Bởi nếu cử tri không đi bầu cử thì không thể thành lập các cơ quan lập pháp (Quốc hội), từ đó không thể thực hiện việc bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước theo luật định để bộ máy này có thể hoạt động. Các nghĩa vụ và các quyền của công dân vì thế cũng không thể được thực hiện đầy đủ. Công dân không thực hiện nghĩa vụ bầu cử còn xâm phạm đến quyền ứng cử của công dân khác bởi các ứng cử viên đó nếu không được cử tri bầu thì không thể trở thành các đại biểu Quốc hội, hay đại biểu HĐND các cấp.

Những biểu hiện như thờ ơ, bàng quan với bầu cử; dùng lợi ích cá nhân để “mặc cả” việc đi bỏ phiếu bầu cử; hay đi bỏ phiếu kiểu “cho xong”, “gạch bừa” chỉ để được đóng dấu “đã đi bầu”, không những tự mình tước bỏ quyền thiêng liêng của mình, mà còn là hành xử thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc, với các công dân khác. Tổ dân phố, chính quyền địa phương đã tuyên truyền với các cử tri về việc sắp xếp công việc của cơ quan, gia đình để mỗi người đều có thể tự mình đi bầu cử, tự viết phiếu bầu và bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu thay khi mình có đủ điều kiện đi bầu cử.

Khi có danh sách niêm yết các ứng cử viên, các địa phương cũng đã tuyên truyền trực tiếp, qua hội nhóm, qua buổi sinh hoạt tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ để cử tri hiểu rõ hơn quá trình hoạt động, công tác của các ứng cử viên. Vì thế khi đi bầu, bên cạnh việc kiểm tra thông tin cá nhân của mình, các cử tri phải đọc kỹ các thông tin về tiểu sử của các ứng cử viên và nhắc nhở mình hãy sáng suốt bỏ phiếu. Việc lựa chọn đại biểu phải được nghiên cứu, tính toán cẩn thận chứ không phải gạch theo cảm tính hay đi bầu cho có. Mỗi người dân cần hiểu rõ, những đại biểu mà mình lựa chọn chính là những cầu nối giữa cử tri với các cấp chính quyền, phản ánh nguyện vọng của nhân dân, trong đó có cá nhân mình.

Trong bối cảnh bầu cử diễn ra trong dịch Covid-19, mỗi cử tri cần tuân thủ nghiêm ngặt nội quy phòng bỏ phiếu cùng hướng dẫn điều tiết, phân chia thời gian bỏ phiếu của tổ bầu cử, đề cao tinh thần phòng, chống dịch. Cuộc bầu cử chỉ có thể thành công trọn vẹn nếu như an toàn với dịch bệnh được bảo đảm, nguy cơ lây lan của dịch bệnh không xảy ra.

Tỷ lệ cử tri đi bầu cao cùng sự lựa chọn chính xác những đại biểu thực sự ưu tú, xứng đáng nhất trong số những người ứng cử sẽ là yếu tố quyết định để ngày bầu cử trở thành ngày hội non sông, ngày hội lớn của toàn dân.