Trả tiền để “được” nhà hàng “bố thí”?!

ANTĐ - “Duy trì nụ cười thường trực sẽ khiến khách hàng cảm thấy được chào đón một cách nồng ấm. Vậy mà không hiểu tại sao không ít nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội với phong cách phục vụ có phần thô lỗ nhưng vẫn nườm nượp khách.

“Sốc” vì văn hoá phục vụ

Một người nước ngoài đã nói nửa đùa, nửa thật sau một ngày trải nghiệm một số quán ăn ở Hà Nội. Với vốn tiếng Việt ít ỏi, vậy mà câu nhận xét khá sâu sắc của người bạn nước ngoài khiến tôi không khỏi bất ngờ. “Điều gì đã khiến anh nghĩ thế. Chẳng phải ăn bất cứ món ăn nào anh cũng khen ngon tới mức không còn lời nào để tả đấy thôi…” - tôi hỏi lại. Người bạn tôi nháy mắt cười thân thiện: “Đó là điều đương nhiên vì hương vị của những món ăn Việt Nam rất ngon và tinh tế. Nhưng chỉ có điều cả người bán, lẫn nhân viên phục vụ của những cửa hàng ấy chẳng mấy khi cười. Tôi thấy họ có vẻ khó ưa và không thoải mái khi phục vụ, trong khi khách hàng chính là người làm giàu cho họ… Nó giống như sự ban ơn…”. Lúc này, tôi chỉ còn biết im lặng như một sự đồng tình.

Cách đây chưa lâu, trong một lần đến một nhà hàng nằm ngay trên ngã tư Lý Thường Kiệt - Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, anh Mark Tappin, quốc tịch Anh đã rất bực bội trước thái độ của nhân viên trông giữ xe. Anh Mark kể lại, vừa đỗ xe trước cửa, thay vì hướng dẫn khách hàng nơi để xe hoặc ít ra cũng sắp xếp xe vào vị trí quy định của nhà hàng thì người thanh niên này lại ngồi thản nhiên trên ghế ra hiệu cho anh vòng xe ra phía sau. Tuy nhiên, vì nhận ra vị trí đó không còn chỗ, anh ta tiếp tục chỉ tay bảo anh Mark vòng xe ra chỗ khác. Vì không hiểu tiếng Việt anh đã diễn đạt để người trông xe hiểu hãy giúp mình tìm chỗ để hợp lý nhưng anh này vẫn ngồi “dính chặt” trên chiếc ghế. Thấy thái độ của người trông xe như vậy nên anh Mark đã để xe ở đó và vào bên trong để phản ánh với người quản lý của nhà hàng rồi ra về. “Kể cả món ăn ở đó có ngon cỡ nào thì với một tâm trạng không mấy vui vẻ ngay từ khi chưa bước vào nhà hàng, tôi cũng không muốn tiếp tục thưởng thức món ăn ở đây. Trong văn hoá ẩm thực yêu cầu tinh thần - tức là chất lượng dịch vụ cũng là một phần vô cùng quan trọng tạo ra sức hấp dẫn của món ăn mà mình sẽ thưởng thức” - anh Mark chia sẻ. 

Lấy khách hàng làm trung tâm

Mới đây, phóng viên Cat Barton của AFP cũng đã đưa ra những nhận xét  về phở Hà Nội với những lời khen ngợi sự tinh tế, thanh lịch của món ăn này. Tuy nhiên, một miêu tả trong bài viết của anh đã khiến không ít người Hà Nội phải suy nghĩ: “Món ăn này được bán ở những cửa hàng không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ…”. Có lẽ nỗi hổ thẹn cho một phong cách phục vụ kém chuyên nghiệp đã “nổi tiếng” vượt ngoài tầm quốc gia. Thậm chí, một số người còn nhận xét nhiều nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, quán ăn đã xem việc phục vụ người khác như một sự quỵ luỵ, “hạng hai” với thân phận thấp kém và tiền lương ít ỏi. Anh Brian Chapell - một khách du lịch người Mỹ nhận xét, nếu đó là cách mà nhân viên phục vụ nhìn nhận về công việc phục vụ khách hàng thì chính những người chủ phải đào tạo lại các nhân viên làm sao để dịch vụ khách hàng trở thành một nghề nghiệp cao quý mà họ có thể tự hào về nó.

Lâu nay, nét thanh lịch truyền thống, mến khách của người Hà Nội đã được rất nhiều du khách nước ngoài hài lòng mỗi khi đến với thành phố được coi là quyến rũ trên thế giới. Song theo Tiến sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển cộng đồng, một số nét văn hóa du nhập từ bên ngoài vào Hà Nội đã làm cho văn hóa phục vụ khách hàng còn hạn chế. Thậm chí, nhiều người bán hàng coi việc mắng chửi khách như một chiêu quảng cáo, thu hút khách hàng. Đã đến lúc người tiêu dùng cần khẳng định vị trí của mình, khẳng định văn hóa của mình bằng cách nói “không” trước cách phục vụ của những quán ăn, nhà hàng thiếu chuẩn mực.

Thực tế cho thấy, thời gian qua phần lớn khách hàng Việt đã quá dễ dãi trong văn hóa thưởng thức, coi trọng chất lượng món ăn hơn là yếu tố tinh thần. Nhiều người vẫn nghĩ một cách đơn giản, miễn ăn ngon là được, phục vụ tệ một chút cũng không sao. Song qua những câu chuyện với không ít người bạn nước ngoài, tôi nhận thấy họ đều có chung quan điểm đó là, kể cả quán ăn có ngon đến mấy nhưng nếu chủ quán hay người phục vụ có những lời nói thiếu văn hoá, kém thân thiện thì họ cũng sẽ không bao giờ quay lại lần thứ hai. Chỉ khi tập trung vào những nhu cầu của khách hàng hơn là những lợi ích của bản thân, trở thành một đối tác, một người bạn của khách hàng thì khi đó người kinh doanh mới thành công. 

Ở các nước, văn hoá phục vụ được họ rất coi trọng, khách hàng luôn là trung tâm, đơn cử hãng hàng không South West Airlines của Mỹ đã mời khách hàng tham gia vào ban tuyển dụng khi hãng tuyển nhân viên mới. Hay tại Anh, đội ngũ nhân viên của tập đoàn bán lẻ mỹ phẩm Body Shop dành ra hẳn nửa ngày lương cùng hàng tháng trời tham gia thực hiện những dự án cộng đồng tại các khu vực nơi khách hàng của tập đoàn sinh sống. Đó là cách để trở nên gần gũi hơn với các khách hàng. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên có những ghi nhận chuẩn mực hóa về văn minh thương mại cũng như lời ăn tiếng nói, an toàn thực phẩm của những quán ăn để Hà Nội trở thành một trung tâm văn minh thương mại theo đúng nghĩa, đi đầu và truyền tải được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp về ẩm thực của người Hà Nội nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung đến với người dân và du khách quốc tế.