Tra tấn bằng lời còn nhục nhã hơn bị đánh

ANTĐ - Không phải đánh cho thâm tím mặt mày, rượt đuổi khắp xóm… mới là bạo hành. Không cần phải “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” mới khiến người ta đau đớn, nhục nhã.

Có những lời nói như những nhát dao đâm, có lời nói ngang với “đọi máu”. Bạo hành lời nói -  vẫn tồn tại đâu đó, nhức nhối, âm ỉ sau cánh cửa nhiều gia đình có vẻ êm ấm, văn minh, thậm chí học cao, biết rộng.

Tiến sỹ… nói bậy

“Đồ ngu!”, “Đồ chó má”... chồng Phương ném vào mặt cô một tràng chửi dài, chẳng thiếu những từ tục tĩu nào. Chửi vợ xong, Thành leo lên giường ngủ. Phương ngồi im, đờ đẫn, dẫu nghe những từ đấy không ít lần từ miệng chồng, cô vẫn không thể nào quen được. “Cảm giác khinh miệt, tởm lợm, tức giận, cảm thấy như ai đó ngoài đầu đường xó chợ chứ không phải chồng mình”.

12 giờ đêm. Thành đã ngủ say, tiếng thở đều đều. Phương vẫn không ngủ được. Những từ ngữ bẩn thỉu vẫn ong ong trên đầu. Đôi khi cô nghĩ, cứ xem như không nghe thấy gì đi đừng nghĩ ngợi gì cả, mình càng nghĩ chỉ càng đau mình, người ta có cảm thấy gì đâu, nói xong vẫn ngủ khò. Thế nhưng, cảm xúc khó chịu, chán nản cứ hiện hữu đó, chẳng xua đi đâu được, đó là chưa nói đến chúng cứ dồn ứ lại, nhiều thêm lên, sau mỗi lần chồng cô chửi bậy cho hả miệng. Mà nực cười hơn khi chồng cô không những chẳng phải là người vô học, mà còn là tiến sĩ hẳn hoi. Cao lớn, đẹp trai, lại có mác tiến sĩ, nhìn ngoài Thanh thật hoàn hảo, lịch lãm, đi đâu cũng được nể trọng. Trước mặt người khác lúc nào anh cũng tỏ ra tôn trọng, nhẹ nhàng, nói những lời dễ nghe với vợ. Thế nhưng ở nhà, vứt hết vỏ bọc lịch sự, hoàn hảo, Thành chẳng ngại xưng “mày, tao”, ném vào mặt vợ những từ ngữ thô tục.

Những lần đầu, Phương bị sốc nặng, người như hóa đá. Được nuôi dạy trong một gia đình tử tế, chẳng bao giờ Phương nghĩ cô sẽ phải nghe những lời này. Bần thần mất mấy ngày, cô mới nhẹ nhàng bày tỏ với chồng rằng cô không chấp nhận việc vợ chồng lại dùng lời lẽ chợ búa, thô tục với nhau như vậy, cả hai đều là người có học, có gì trao đổi với nhau lịch sự. Thành gật đầu, ậm ừ nhưng lúc cãi nhau hay tức giận lại chứng nào tật nấy. Nói mãi vẫn như nước đổ lá khoai, Phương đâm ra chán nản, buồn lòng, càng khinh hơn khi chồng ra ngoài hào hoa, về nhà lại khốn nạn.

Đôi khi, Phương chỉ muốn hét toáng lên cho mọi người biết, xé toang cái vỏ bọc hoàn hảo bên ngoài mà anh ta vẫn trưng ra hàng ngày. Nhưng “xấu chàng hổ ai” không lẽ ly hôn chỉ vì chồng chửi bậy? Rồi con cái sẽ ra sao?

Sống chung với “lũ”

“Câm mồm ngay!”, Thắng nói dằn giọng, mắt trợn trừng, nhìn Ly đe dọa. Mắt ầng ậc nước, nhưng Ly không dám khóc, bởi cô biết nếu có khóc lúc này, chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa”. Thắng sẽ tức điên lên, ném bát đá nồi, như những lần trước. Cô cúi đầu, cắm mặt vào bát ăn, nhai cơm rệu rạo, lòng đầy phẫn uất.

Chồng Ly là người thông minh, học giỏi, đi làm cũng được trọng dụng vì có thực tài. Bố mẹ anh đều là dân trí thức, hiền lành nhẹ nhàng. Bản tính Thắng cũng thương người, tốt tính. Thế nhưng, anh có tính nóng nảy cục cằn? Lúc nóng giận lên, anh sẵn sàng đập bát ném đĩa, nói những lời nặng nề. Yêu nhau 5 năm liền, không biết bao nhiêu lần Ly khóc lên khóc xuống bởi tật này của anh. Những lúc giận dữ, anh chửi Ly “ngu dốt” “chẳng biết gì”, “kém cỏi”, dù cô cũng được nuôi dạy đàng hoàng, đã tốt nghiệp đại học, làm thư ký cho một công ty lớn. “Nhiều lần mình đến chơi, hai đứa cãi nhau, anh ném hết đồ đạc, đuổi mình ra khỏi nhà anh. Những lúc như thế, mình cảm thấy vô cùng nhục nhã, thảm hại. Như một chiếc giẻ chùi chân vậy. Mình muốn chia tay nhưng lại quá yêu anh, lại mềm lòng với những tin nhắn, lời nói làm lành của anh sau đó”, Ly kể. Cuối cùng, mặc dù bố mẹ Ly phản đối vì sợ con gái yêu khổ, Ly vẫn quyết tâm lấy Thắng.

Cưới nhau rồi, mọi người thấy gia đình cô yên ả, nghĩ rằng tình yêu của Ly đã khiến Thắng thay đổi. Họ không biết rằng đó là nỗ lực từng ngày từng giờ của Ly để giữ hòa khí gia đình. Ly nhìn nét mặt của Thắng để liệu đường cư xử. Chồng đi làm về mặt sa sẩm nặng nề thì Ly pha nước mát, lẳng lặng nấu canh ngon, cơm dẻo. Chồng nổi lời khó nghe thì Ly nuốt giận vào trong, ngậm bồ hòn làm ngọt. Cô thậm chí biết cả lúc nào thì chồng không muốn nói chuyện, không muốn nghe điện thoại và cả những câu hỏi nào không nên hỏi. “Cách này cũng khiến gia đình êm ả hơn, bởi ngoài việc nóng giận, cục cằn thì Thắng cũng chăm lo cho gia đình, cũng quan tâm đến vợ con. Thế nhưng, mình lúc nào cũng nơm nớp căng thẳng, cảnh giác, sợ chồng như sợ cọp”.

Dần dần, hầu như Ly chẳng nói điều gì quan trọng trong gia đình, ngoài những giao tiếp cơ bản vợ chồng và chơi với con. Mặc dầu đã nhẫn nhịn đến vậy, nhưng đôi khi cô vẫn thấy buồn lòng bởi những phát ngôn thô lỗ của chồng. “Hồi vợ chồng mình sửa nhà, anh ấy quyết định hết mọi thứ. Có lần thợ sơn nhà, mình chưa kịp sang xem, hỏi anh màu sơn có đẹp không. Thế mà anh nói “tôi chọn tất nhiên phải đẹp rồi, hỏi gì mà ngu”. Mình nghẹn ứ ở cổ, không nói được lời nào, thấy sao mà nhục nhã vậy. Câu hỏi như vậy là “ngu” thì biết câu hỏi nào là không “ngu” đây?!”.

Gậy ông đập lưng ông?

Cũng bị chồng khủng bố tinh thần vì những lời chửi mắng, nói bậy nhưng Yến (Xuân Thủy, Cầu Giấy) nhất quyết không ngồi im chịu trận. “Phải xổ toẹt ngay những lời ông ấy nói mình vào mặt ông ấy thì mới biết cảm giác đó như thế nào!”, Yến nói. May là chồng Yến cũng hiền lành biết điều, biết lỗi của mình nên ngồi im thin thít, từ đó chẳng dám ho he... chửi vợ nữa.

Nhưng không phải trường hợp “lấy độc trị độc” nào cũng có cái kết hậu như của Yến. Với những ông chồng nóng giận, cục tính, việc vợ nói bậy lại với mình lại chỉ khiến cơn giận mù quáng bùng cháy, họ sẽ chửi vợ nặng lời hơn, ném đồ đạc, thậm chí đánh vợ. “Ông ấy chửi mình ngu như cơm bữa, rồi chẳng thiếu gì những từ tục tĩu, nhưng khi nói lại thì ông ta lồng lộn lên, lại nói mình không tiếc lời. Mỗi lần cãi nhau xong là một lần tổn thương, chán chường. Là vợ chồng mà nói với nhau như vậy, tình cảm càng ngày càng sứt mẻ, lạnh lẽo”, Hải (nhân viên kinh doanh) nói.

Làm thế nào để những ông chồng cục tính, chửi vợ dừng lại sự bạo hành lời nói đáng sợ của mình? Làm sao để họ hiểu được cảm giác tủi nhục, bị tổn thương của vợ? Điều này chỉ thực hiện được, khi tận sâu thẳm, người chồng vẫn yêu thương tôn trọng vợ, việc nói tục chửi bậy chỉ là một thói xấu của anh ta, tức giận thì nói cho sướng miệng. Với những trường hợp này, người vợ cần kiên trì bền bỉ làm cho chồng mình hiểu rằng những lời nói của chồng khiến vợ đau đớn như thế nào. Một người chồng còn yêu, còn tôn trọng vợ sẽ còn nỗ lực để khiến vợ yên vui, hài lòng, dù điều này cần mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Nhưng với những trường hợp, chồng không còn yêu thương, chỉ thấy coi thường, chán ghét vợ, những lời nói xấu xa là sự rỉ giọt ra ngoài của lòng căm ghét, thì e rằng chẳng có thuốc nào chữa nổi bệnh chửi bới của anh ta.

Trong lúc cân nhắc về một đường hướng lâu dài để đối phó với người chồng bạo hành tinh thần, người vợ cần tránh những cơ hội, điều kiện để mình bị tổn thương thêm. Hãy hạn chế hết mức những cơ hội để anh ta hạ nhục mình, hạn chế xung đột hết mức có thể, đừng đôi co bằng lời với một người tức giận chỉ khiến mình thêm đau đớn. Bởi sự khủng bố lời nói, tinh thần tuy không để lại vết thương như cái dao, nắm đấm nhưng lại khiến đầu óc người ta điên khùng, bấn loạn, căng thẳng triền miên, để lại hậu quả tâm lý nặng nề không kém sự đánh đập thể xác nào.