Trả nợ ngân hàng bằng rác

ANTĐ - Nhìn căn phòng chỉ có một chiếc ghế sofa cũ đặt trên nền nhà bụi bặm, không ai nghĩ đó là một ngân hàng. Nhưng thực vậy, đây là địa điểm giao dịch tài chính của Makassar - vùng đất nghèo nằm ở phía Đông Indonesia. Khách hàng đến đây có thể vay tiền mặt, được trả nợ bằng… rác.

Trả nợ ngân hàng bằng rác ảnh 1Ngân hàng rác được lập ra vì dân, do dân quản lý và điều hành

Vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm tiền

Mỗi ngày thành phố Makassar với 2,5 triệu dân thải ra 800 tấn rác, hầu hết được tập kết tại bãi rác cao bằng một tòa nhà 5 tầng, trải khắp một vùng bằng hai sân bóng gộp lại. Trước tình hình đó, ngân hàng rác Mutiara được thành lập. Người dân đem rác có thể tái chế như chai nhựa, giấy đến nơi tập kết để cân rác và định giá ra tiền mặt. Giống như một ngân hàng thông thường, khách hàng có thể mở tài khoản, gửi tiết kiệm bằng rác rồi đổi sang đồng rupiah và rút tiền theo kỳ.

Chính quyền thành phố cam kết chi trả đúng theo  mức giá được niêm yết công khai tại ngân hàng. Rác tái chế sau đó được bán cho bên thu mua và cuối cùng được chuyển đến nhà máy tái chế ở đảo Java.

Nhiều ngân hàng rác khác trong thành phố cho phép chủ tài khoản có thể đổi trực tiếp rác thành gạo, thẻ điện thoại và trả tiền điện. Bởi vậy, không chỉ ở Indonesia mà còn ở nhiều quốc gia mới nổi của châu Á và châu Phi, ngân hàng rác được xem là giải pháp hiệu quả cho lượng rác thải đang ngày càng gia tăng, đồng thời tạo ra cơ hội để những người nghèo nhất cũng có thể vay vốn và tiết kiệm.

Trả nợ ngân hàng bằng rác ảnh 2Mỗi ngày thành phố Makassar 2,5 triệu dân thải ra 800 tấn rác

Không lo rủi ro vỡ nợ

“Chưa ai rơi vào tình huống vỡ nợ”, đó là lời khẳng định của Suryana (43 tuổi) - người đã dũng cảm và nỗ lực theo học ngành kế toán và quản lý để đảm nhận vị trí điều hành tại ngân hàng Mutiara. “Chỉ cần chăm chỉ đi nhặt rác thì không sợ không có tiền trả nợ, mà rác thì ở khắp mọi nơi”, Suryana nói thêm.

Đối với khách hàng như chị Sitinah - chủ một cửa hàng tạp phẩm nhỏ, ngân hàng rác là nơi cho vay duy nhất mà chị biết. “Trước đây gần như tôi không bao giờ có tiền để dành nhưng giờ đây tôi đã có thể dùng đến khoản tiền tiết kiệm mỗi khi cần đến” - Sitinah nói sau khi rút 50.000 rupiah để mua một cái chảo mà chị dự định dùng trong việc kinh doanh hàng cơm. 

Được biết, mỗi tuần vài lần, các xe tải đến Ngân hàng rác Mutiara để thu gom rác chở đến Ngân hàng rác Trung ương, nơi rác được phân loại để bán. “Đây là một ngành nghề kinh doanh lý tưởng. Với sự tham gia của chính quyền thành phố, rác ở đây có giá ổn định, chất lượng hàng hóa tốt và không có gian lận trong việc cân đo”, Ary Budianto - đối tác mua hàng tấn rác từ Ngân hàng rác Trung ương cho biết.

Theo Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia, nước này thải ra 64 triệu tấn rác mỗi năm, 70% được tập kết tại các bãi rác lộ thiên. Năm ngoái, cả Indonesia có tới 2.800 ngân hàng rác hoạt động rải rác tại 129 thành phố với 175.000 khách hàng.

Trong đó, mô hình rác của Makassar, thành phố ở miền Trung Indonesia, Thủ phủ của tỉnh Sulawesi Selantan nổi lên đã và đang trở thành một điểm sáng mới cho nhiều thành phố khác làm theo. Thị trưởng Makassar cho biết, Mutiara là một trong số hơn 200 ngân hàng rác trong vùng. 

Đối với các ngân hàng rác thì sự hỗ trợ từ Chính phủ đóng vai trò cốt lõi dẫn tới thành công. “Mọi người không hứng thú với việc bán rác thải, nhưng họ cũng không muốn lưu giữ chúng, do đó ngân hàng rác là giải pháp tối ưu. Nhưng ngân hàng rác không thể vận hành nếu không có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương”, Sanjay K. Gupta - chuyên gia quản lý chất thải tại Skat Consulting (Thụy Điển), thành viên nghiên cứu dự án tại Indonesia và nhiều nơi khác nhận định.

Được biết dự án ngân hàng rác ở Makassar còn nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức phi chính phủ PT Unilever Indonesia. “Chúng ta - ai cũng phải có trách nhiệm với rác thải”, Saharuddin Ridwan - cựu nhà báo, cựu chiến binh, người đứng đầu PT Unilever Indonesia nói.