Trả lương theo chất lượng lao động, sẽ giảm công chức cắp ô

ANTD.VN - Cho rằng việc bình xét thi đua tại các cơ quan đơn vị hiện nay rất hình thức, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để nâng cao hiệu quả công việc, quan trọng là ý thức tự giác của cán bộ, công chức và cải cách chính sách tiền lương.

Tiền lương trả đúng chất lượng lao động là đòn bẩy để tăng năng suất lao động

- PV: Có ý kiến phản ánh việc bình xét thi đua dịp cuối năm của các đơn vị, cơ quan thường mang tính hình thức và không phản ánh đúng thực chất hiệu quả công việc của cán bộ công chức. Ông có quan điểm gì về vấn đề này?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Công tác thi đua khen thưởng, bình xét lao động của chúng ta lâu nay rất hình thức. Đơn giản vì người ta nể nang nhau. Chúng ta lâu nay vẫn bình xét theo nhóm làm việc. Thế nên, có nhiều trường hợp, có người làm rất xuất sắc nhưng tính lại thẳng thắn, không được lòng người khác thì chưa chắc đã được lao động tiên tiến.

Còn có người làm việc kém hiệu quả, nhưng tính tình vui vẻ, hòa đồng có khi lại được lao động tiên tiến. Hiện nay, có hiện tượng người làm tích cực không được nâng lương trước hạn, mà lại dành cho những người lao động hiệu quả kém nhưng vì lương thấp nên mọi người tạo điều kiện để cho người này lên lương, tăng thu nhập.

Mà muốn tăng lương trước thời hạn phải đáp ứng 3 năm chiến sỹ thi đua liên tiếp nên phải cho người này 3 năm chiến sỹ thi đua liên tục. Câu chuyện này hầu như ở cơ quan nào cũng có. 

- Việc bình xét qua quýt, không sát thực tế có thể dẫn đến hệ lụy gì, thưa ông?

- Rõ ràng, việc bình xét theo kiểu dàn hàng ngang sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, tâm tư của cán bộ, công chức, không động viên được người làm tốt và không cảnh báo được những người lười biếng, hiệu quả làm việc kém. Nếu không sớm khắc phục, đó sẽ là lực cản của sự phát triển. 

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

- Theo ông, đâu là giải pháp để giải quyết tình trạng này?

- Mỗi cán bộ, công chức phải tự hiểu mình như thế nào, tự giác nhận về phần lương đúng với năng suất lao động của mình. Bao giờ tính tự giác trong mỗi người được nâng cao thì đất nước mới phát triển được.

Chúng ta có tổ chức Đảng, Mặt trận, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ… và tôi nghĩ tất cả đều phải vào cuộc để vận động hội viên, thành viên của mình gương mẫu. Để giải quyết ngay tình trạng này thì rất khó nhưng chúng ta phải có giải pháp “khởi động” dần, bởi ví như một chiếc xe đang lao dốc mà anh phanh gấp thì sẽ xảy ra tai nạn. 

- Các bước “khởi động” cụ thể là gì, thưa ông?

- Phải tổ chức tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức của mỗi người để cán bộ, công chức tự nhận thấy việc bình xét thi đua cuối mỗi năm cần đúng thực chất. Hiện nay, tại một số cơ quan, có việc cán bộ công chức cảm thấy vị trí hiện tại mình đang làm không phù hợp với năng lực nên xin chuyển sang vị trí khác phù hợp hơn và tâm lý thoải mái hơn.

Nhưng nhiều cơ quan không làm được điều đó, với kiểu suy nghĩ phổ biến “tôi đã là phó phòng thì không thể đưa tôi xuống làm cán bộ, tôi là trưởng phòng thì không xuống phó phòng được”.

Đặc biệt, nút thắt cần tháo ở đây là chính sách tiền lương. Nếu cải cách được chính sách tiền lương để làm cho tiền lương trả đúng với số lượng và chất lượng lao động thì tự khắc người ta không nghĩ tới chức tước, không nghĩ đến quyền lực, mà chỉ lo cống hiến, dù không làm lãnh đạo nhưng lương vẫn cao, vẫn lo được cuộc sống gia đình…

- Nếu chúng ta đánh giá, bình xét thi đua đúng thực chất, cải cách được chính sách tiền lương, liệu có phải giải pháp hiệu quả để chống nạn cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”?

- Chúng ta đã từng 3 lần lỡ hẹn với cán bộ công chức về việc nâng lương. Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ, để làm sao cải cách tiền lương cơ sở nhằm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ, công chức; cải cách cả thang, bảng lương, bội số tiền lương để tiền lương đúng với tinh thần phân phối theo lao động.

Nguyên tắc của tiền lương là phải được chi trả theo số lượng và chất lượng lao động và tiền lương phải là đòn đẩy để tăng năng suất lao động. Phải coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho sự phát triển, có như vậy cán bộ, công chức mới toàn tâm toàn ý làm việc phục vụ nhân dân.