Trả lại cho trẻ ngày hội khai trường

ANTĐ - Năm học mới sắp tới, càng gần ngày khai giảng, học sinh các trường càng phải tập dượt xếp hàng, tập vẫy hoa, tập đủ các nghi thức cho buổi lễ thật nghiêm trang, hoành tráng vì hôm đó sẽ “vinh dự” được đón nhiều quan khách về dự. Không ít học sinh chỉ coi ngày khai giảng là ngày lễ của nhà trường để đón mừng quan khách, đại biểu. 

Hôm đó, các em, các cháu thường phải đứng hoặc ngồi thẳng hàng, nghe những bài phát biểu dài mà nhiều khi chính các cháu, các em chắc cũng chẳng hiểu hết, nhớ hết nổi nội dung phát biểu gồm những gì. Thế, thì,  ngày hội khai trường làm sao để lại được hình ảnh, ấn tượng sâu sắc trong đầu các cháu, các em? Khó đấy!

Trong nhiều năm nay, không ít các bậc phụ huynh đã bày tỏ nỗi băn khoăn, không kém phần bức xúc về ngày khai giảng năm học mới. Ở nhiều nơi, lễ khai giảng mang tính hình thức, sáo mòn, lặp đi lặp lại đến nhàm chán. Học sinh dường như không có những ngày khai trường thật sự ý nghĩa, thật sự náo nức và hồi hộp của mình, để sau này có thể khắc sâu vào tâm trí suốt đời về thời đi học. 

Một ngày mở đầu một năm học mới đâu cần những nghi thức rườm rà. Chỉ cần lá cờ đỏ giữa sân trường được kéo lên cao, bài Quốc ca vang lên thiêng liêng từ lồng ngực trẻ. Tiếp đó, hồi trống khai trường gióng giả vang lên, thầy hiệu trưởng nói vài lời ngắn gọn, súc tích, rồi học sinh vui vẻ xếp hàng vào lớp. Thế là, năm học mới đã bắt đầu!

Ngày khai giảng năm học mới giản dị mà trang trọng như vậy hy vọng sẽ trở thành hiện thực, bởi trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục – Đào tạo chuẩn bị cho năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thẳng thắn yêu cầu ngành giáo dục cần thay đổi hình thức tổ chức ngày khai trường đã diễn ra trong nhiều năm nay. Phó Thủ tướng chỉ đạo cụ thể: Không bắt học sinh xếp hàng ở sân trường chờ đợi để phải nghe những bài “diễn thuyết” dài dòng và chẳng hiểu gì.

Nhiều vị phụ huynh cũng như công luận cho rằng, chỉ đạo của Phó Thủ tướng không chỉ chấm dứt một biểu hiện rõ nét căn bệnh hình thức của ngành giáo dục tồn tại lâu nay, mà còn để thay đổi toàn diện và căn bản tư duy giáo dục vốn nặng về nhồi nhét kiến thức, xa rời thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, học sinh cần được dạy kỹ năng sống, những điều hết sức giản dị trong cuộc sống gia đình, đối nhân xử thế, chứ không phải những điều cao sang, xa vời. Trả lại cho trẻ ngày hội khai trường đúng ý nghĩa, có thể coi là việc cần làm ngay, sau đó mới tới những việc khác.