Trả hồ sơ vì dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

ANTĐ - Nhận thấy vụ án có dấu hiệu để sót tội, lọt người, TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ để làm rõ vai trò, mức độ tham gia của một số người liên quan.

Trả hồ sơ vì dấu hiệu bỏ lọt tội phạm ảnh 1
Hai đối tượng Văn và Linh tại phiên toà

Đó là vấn đề đặt ra tại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Quách Anh Văn (SN 1982, trú ở phố Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội), phạm tội “Giết người” vào sáng qua, 16-4. Ngoài tội danh đó, đối tượng  này còn bị cáo buộc phạm thêm tội “Tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, quy định tại khoản 2, Điều 230-BLHS. Liên quan đến vụ thanh toán nhau của Văn, Trần Mạnh Linh (SN 1987, trú tại phường Vị Hoàng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) cũng bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Vụ án bắt nguồn từ việc Phạm Thị Kim Trang (SN 1984), trú ở phường Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền thuê lại một khách sạn tại quận Cầu Giấy từ chị Trần Thị Lan (SN 1975), trú ở phường Bưởi, quận Tây Hồ. Sau khi đàm phán sơ bộ, Trang đã “đặt cọc” 40 triệu đồng cho Lan để sau đó hai bên sẽ tiến hành thủ tục chính thức. Tuy nhiên, vụ chuyển nhượng quyền thuê lại khách sạn giữa Trang và Lan đã không thành. Bị đòi tiền “đặt cọc”, Lan chỉ đồng ý hồi lại 50% số tiền nêu trên. Sau nhiều lần đi lại mà không lấy lại được toàn bộ số tiền đã bỏ ra, Trang liền kể với anh trai là Phạm Ngọc Toản (SN 1975), cùng ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa. Bực tức, Toản liên tục gọi điện thoại và nhắn tin dọa nạt Lan, đồng thời bắt phải trả lại tiền. Sự việc trở nên phức tạp khi chị Lan cùng chồng tìm đến gặp một người em họ để nhờ người này đứng lên giải quyết. Thế rồi, người em họ bên chồng của Lan lại đẩy “trách nhiệm” giải quyết cho Quách Anh Văn. Tưởng vụ việc “dễ xơi”, nhưng Văn đã gặp phải đúng đối thủ là Phạm Ngọc Toản. 

Hòa giải không thành, vợ chồng chị Lan lại tìm đến nhà Đỗ Đức Lân (SN 1978), trú tại phường Phương Liệt, Đống Đa, Hà Nội để cậy nhờ. Tối 8-4-2012, biết Toản một mực không chịu giải hòa, Lân liền gọi điện cho anh này để khiêu khích. Thấy đối phương “lên giọng”, Lân lập tức bảo Văn về nhà lấy dao, súng rồi kéo cả Linh và một đối tượng (chưa rõ lai lịch) cùng lên phố Khâm Thiên quyết chiến với Toản. Thách thức Lân xong, Toản và Nhân Kỷ Nguyên (SN 1976, trú ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) cũng tức tốc về nhà lấy đao tự chế mang ra cất giấu ở gần một quán nước chè trên phố Khâm Thiên. Phát hiện Toản và Nguyên đang ngồi “trực chiến”, Văn liền xông đến với tay dao, tay súng đánh chém đối thủ. Yếu thế, Toàn và Nguyên vội tháo chạy vào trong ngõ. Không để cho đối thủ thoát thân, Văn liền chuyển súng sang tay phải, rồi chĩa thẳng vào Nguyên bóp cò, khiến đối tượng này bị trọng thương. Gây án xong, nhóm Lân nhanh chóng rời khỏi hiện trường, nhưng Văn và Linh đã bị lực lượng công an bắt giữ ngay sau đó. Mặc dù không chết, nhưng Nhân Kỷ Nguyên đã bị tổn hại 16% sức khỏe. 

Tại phiên tòa, cả hai bị cáo đều khai báo lại diễn biến hành vi phạm tội như truy tố. Tuy nhiên, cả Văn và Linh đều chỉ ra rằng vào thời điểm các bị cáo thực hiện tội phạm còn có cả chồng và em họ bên chồng của Trần Thị Lan cùng tham gia. Tại bản cáo trạng truy tố các bị cáo cũng thể hiện, ngay trước khi Đỗ Đức Lân thể hiện “bản lĩnh giang hồ”, chính chồng Lan đã trực tiếp gọi điện cho Toản hẹn gặp mặt nhưng không được đối tượng này chấp nhận. Thế nên ngay sau đó, anh này đã tìm đến nhà Lân để hối thúc nhóm “giang hồ” nhanh chóng giải quyết dứt điểm. Khi Lân cùng đồng bọn mang theo “đồ” lên phố Khâm Thiên quyết chiến với nhóm Toản, chồng Lan và cả người em họ bên chồng cũng lẽo đẽo theo sau. Đối với Lân, Toản, Nguyên và đối tượng đi cùng nhóm Văn lúc gây án, trong quá trình điều tra đã bỏ trốn nên các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tách rút hồ sơ, xử lý sau.

Từ lời khai của các bị cáo tại phiên tòa và các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, HĐXX cho rằng đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Vì lẽ đó, TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ để xác định vai trò đồng phạm hay không đồng phạm đối với hai người nói trên.