Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ nam sinh viên chạy xe Grab bị sát hại

ANTD.VN - Ngày 30-6, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Đinh Văn Giáp (SN 1995) và Đinh Văn Trường (SN 2000) cùng ở huyện Văn Chấn, Yên Bái ra xét xử về tội “Giết người” và tội “Cướp tài sản”.

Nạn nhân trong vụ án là anh Nguyễn Cao Sang – sinh viên chạy Grab kiếm thêm để có tiền chi tiêu, học hành. Vụ án xảy ra  hồi cuối tháng 9-2019.

Sau khi đại diện VKSND TP Hà Nội công bố cáo trạng truy tố hai bị cáo về các tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn. Bị cáo Đinh Văn Giáp thừa nhận nội dung cáo trạng là đúng, không oan.

Hai đối tượng sát hại nam sinh viên chạy Grab bị đưa ra xét xử tại phiên toà.

Theo lời khai của bị cáo Giáp, đối tượng và Đinh Văn Trường rủ nhau xuống Hà Nội để gặp một người bạn. Xuống đến Hà Nội, Giáp và đồng bọn lại không gặp được người bạn kia nên lang thang quanh khu vực bến xe Mỹ Đình (Hà Nội).

Quá trình lang thang, chơi game hết tiền xong, hai đối tượng bàn bạc và rủ nhau đi cướp tài sản của tài xế Grab. Giáp khai, bố mẹ anh ta là nông dân, nhà có 2 anh em. Năm 2018, Giáp mới thi hành xong bản án án 6 năm tù về tội “Mua bán người”.

Trong khi đó, em trai Giáp đang thụ án tại Trại giam Quyết Tiến do vi phạm pháp luật. Giáp thừa nhận mình là người xuống tay đâm anh Nguyễn Cao Sang (bị hại) trong vụ án một cách dã man khiến nạn nhân tử vong.

Giáp cũng là người hỏi Trường có biết bãi đất trống, đường vắng nào để tối gọi “xe ôm”, điều họ đi vào đường đó rồi ra tay gay án. Khi được HĐXX hỏi câu: “Nếu tài xế chống cự thì xử luôn. Xử luôn có nghĩa như nào?”. Đáp lời, đối tượng này chỉ im lặng, không biết giải thích như nào.

Tham gia xét hỏi, một vị hội thẩm hỏi bị cáo Giáp về việc vừa mới thi hành án tù xong, tại sao không lấy đó làm bài học. Bị cáo Giáp tiếp tục im lặng. “Thanh niên trai tráng mà không chịu lao động, chỉ nghĩ tới việc đi cướp tiền của người ta để ăn tiêu”, vị hội thẩm giáo huấn. Bị cáo Giáp tiếp tục im lặng.

Đến lượt mình, bị cáo Đinh Văn Trường nói lời khai của bị cáo Giáp đúng hết, chỉ có 1 chi tiết sai. Trường thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nói cảm thấy rất hối hận. “Bị cáo có nhờ luật sư gửi lời tới bị hại rất nhiều. Do bị cáo không hiểu biết về pháp luật”, Trường nói tại tòa.

Và cũng như bị cáo Giáp, Trường có em trai phải đi trường giáo dưỡng vì vi phạm pháp luật. Trong vụ án này, Trường là người khởi xướng, rủ Giáp “phải làm liều thôi” vì không vay được tiền của bạn.

Về phía bị hại, khi được hỏi ý kiến, mẹ nạn nhân đã đề nghị Tòa tuyên các bị cáo mức án nặng nhất. Quá trình hỏi mẹ bị hại, người phụ nữ này cho biết anh Sang có bố. Gia đình bị hại cũng xuất trình giấy khai sinh của anh Sang.

Do phát sinh tình tiết mới nêu trên nên HĐXX buộc phải vào phòng hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX cho biết quá trình lấy lý lịch bị hại không có tên bố bị hại. Trong khi đó, đại diện bị hại xuất trình giấy khai sinh có tên bố, đây là tình tiết mới phát sinh, tòa thấy cần trả hồ sơ điều tra bổ sung để xác định tư cách tham gia tố tụng của bố bị hại.

Từ đó, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung  và đưa bố bị hại vào vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.