Trả giá đắt nếu lơ là, chủ quan với đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tin mới về đại dịch Covid-19 cho thấy, nhiều khả năng mùa đông sắp tới dịch sẽ tái bùng phát với mức độ nguy hiểm không kém gì đỉnh dịch trước đó. Và nếu chủ quan, lơ là, ý thức của cộng đồng kém, thì các quốc gia sẽ phải trả giá vô cùng đắt...
Một phụ nữ đi qua bức tường nghĩa trang tưởng niệm những người thiệt mạng vì đại dịch Covid-19 thành phố New York của Mỹ

Một phụ nữ đi qua bức tường nghĩa trang tưởng niệm những người thiệt mạng vì đại dịch Covid-19 thành phố New York của Mỹ

Báo động với gần 2 triệu người mắc Covid-19 mỗi tuần

Đã 9 tháng trôi qua kể từ khi Trung Quốc chính thức công bố các ca Covid-19, những thống kê, cập nhất mới nhất về tình hình dịch bệnh vẫn khiến cả thế giới phải lo ngại. Theo đó, số người thiệt mạng vì đại dịch này đã sắp vượt ngưỡng 1 triệu người trên toàn cầu, số người nhiễm SARS-CoV-2 cũng đã vượt hơn 32 triệu người, trong khi số người phục hồi là hơn 23 triệu người. Trong số khoảng 7,5 triệu người đang phải điều trị hiện nay, có gần 7,4 triệu người ở mức độ trung bình và hơn 62 nghìn người trong tình trạng nguy kịch, tính mạng bị đe dọa.

Thông tin đáng lo ngại nhất là nước Mỹ - tâm dịch lớn nhất toàn cầu hiện nay - đã ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, với các con số lần lượt là hơn 7 triệu và hơn 205 nghìn ca. Khi nói về số người tử vong vì dịch

Covid-19 vượt mức 200.000 trường hợp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải thốt lên rằng, con số đó tại Mỹ là “điều hổ thẹn”. Tại châu Âu, số ca nhiễm SAR-CoV-2 cũng đã vượt 5 triệu người kể từ khi dịch bệnh này khởi phát. Trong số người mắc Covid-19 ở cựu lục địa, khoảng 230 nghìn người đã tử vong, trong đó hơn một nửa số ca nhiễm tập trung tại các “điểm nóng” dịch bệnh như Nga, Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Ở châu Á, số ca nhiễm tại Ấn Độ tiếp tục gia tăng đáng lo ngại trong những ngày qua. Chỉ riêng ngày 22-9, số ca mắc Covid-19 trên thế giới giảm xuống thấp nhất trong vòng 1 tháng qua, nhưng tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới lại ghi nhận thêm hơn 83 nghìn trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới. Ấn Độ hiện là tâm dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với tổng số ca nhiễm và tử vong tương ứng là hơn 5,6 triệu và hơn 90 nghìn ca.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong thống kê về tình hình đại dịch Covid-19 ngày 21-9 vừa qua cho thấy, số ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn đang tăng nhanh trên toàn thế giới, với số ca nhiễm mới trong tuần tăng lên mức gần 2 triệu ca. Đáng chú ý, gần như toàn thế giới đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lên trong tuần trước, với châu Âu và châu Mỹ lần lượt có số ca nhiễm mới tăng ở mức 11% và 10%. WHO cảnh báo, châu Âu, nơi một số quốc gia đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai, đã ghi nhận số ca tử vong mới lên tới hơn 4.000 ca trong tuần trước, tăng 27% so với tuần trước đó.

Việc số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng, nhất là vào giai đoạn Mỹ và các quốc gia châu Âu, Ấn Độ… đã vào thu và sắp bước sang mùa đông giá lạnh, điều kiện thời tiết thuận lợi để virus SARS-CoV-2 phát triển và lây lan, khiến cho giới chuyên môn rất lo ngại. Trước nguy cơ sẽ tiếp tục phải trả giá đắt, nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Bỉ… hay thậm chí cả Mỹ, cũng đã tính tới việc phải siết chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội, điều vừa bị nhiều người dân phản đối vừa ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế.

Một người phụ nữ Mỹ tại bang California đau khổ trước cảnh người chồng sắp qua đời vì mắc Covid-19 trong sự bất lực của đội ngũ y bác sĩ

Một người phụ nữ Mỹ tại bang California đau khổ trước cảnh người chồng sắp qua đời vì mắc Covid-19 trong sự bất lực của đội ngũ y bác sĩ

Những bài học còn nóng hổi

Với Việt Nam, chúng ta đã trải qua 22 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Trong đó, các thành phố đông dân nhất và cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã trải qua 36 và 57 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Còn tại Đà Nẵng, tất cả các bệnh nhân Covid-19 đều đã phục hồi và xuất viện. Trong tổng số 1.069 ca bệnh (trong đó có 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước và 378 trường hợp được cách ly ngay sau khi nhập cảnh), chúng ta đã chữa khỏi cho 991 ca bệnh, chỉ còn 78 người đang tiếp tục điều trị. Đặc biệt, đến thời điểm này, Việt Nam không còn trường hợp bệnh nhân Covid-19 nào nặng. Cho dù đến thời điểm này, số ca tử vong ở nước ta là 35 trường hợp. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp đó đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối, không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng… Việc Việt Nam đã ngăn chặn hiệu quả, không để làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 bùng phát như nhiều quốc gia khác trên thế giới đã gây ấn tượng mạnh với quốc tế. Trong đó, hãng tin ABC của Australia ngày 22-9 đưa tin, Việt Nam đã trải qua hơn 2 tuần không có thêm ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, lần thứ hai đất nước này đã ngăn chặn dịch Covid-19 một cách hiệu quả.

Nhờ ngăn chặn hiệu quả làn sóng thứ hai của dịch, mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta cơ bản đã trở lại thời kỳ bình thường mới. Điều này có thể thấy rất rõ qua sự phục hồi nhanh của lĩnh vực hàng không và du lịch nội địa. Các hãng hàng không những ngày qua đã liên tiếp công bố mở lại và tăng tần suất nhiều đường bay khi làn sóng Covid-19 thứ hai dần được kiểm soát tốt. Số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không đã nhanh chóng phục hồi, trong đó Vietnam Airlines cho biết đến ngày 21-9, hãng ghi nhận sản lượng vận chuyển khách bay nội địa đạt gần 40 ngàn lượt, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019. Chúng ta cũng đã mở lại một số đường bay thương mại quốc tế và chuyến bay thương mại có hành hành quốc tế đầu tiên về nước vào ngày hôm nay (25-9).

Thế nhưng, cũng như những bài học vô cùng đắt giá trên thế giới thời gian qua, chúng ta không thể lơ là, chủ quan với đại dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn tiếp phức tạp, khó lường ở khu vực và trên thế giới. Bài học xuất hiện ổ dịch ở Đà Nẵng và Hải Dương mới đây còn nóng hổi, đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không được lơ là với “giặc” Covid-19. Cần phải tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là kiểm soát, xét nghiệm, cách ly với các trường hợp nhập cảnh; bịt chặt mọi đường mòn, lối mở nhập cảnh trái phép…

Nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu chúng ta chủ quan lơ là trong biện pháp phòng chống dịch

Nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu chúng ta chủ quan lơ là trong biện pháp phòng chống dịch

Nhiều khả năng mùa đông sắp tới dịch sẽ tái bùng phát với mức độ nguy hiểm không kém gì đỉnh dịch trước đó. Và nếu chủ quan, lơ là, ý thức của cộng đồng kém, thì các quốc gia sẽ phải trả giá vô cùng đắt...