Trả giá đắt nếu chủ quan, lơ là

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Lệnh phong tỏa đang liên tiếp được phát ra tại nhiều vùng, thành phố lớn tại các quốc gia châu Âu và Mỹ nhằm ngăn chặn sự bùng phát dữ dội của dịch Covid-19 trong làn sóng lây nhiễm mới. Đây cũng là cái giá quá đắt khi nới lỏng giãn cách xã hội quá sớm trong lúc người dân lại lơ là, chủ quan.

Một làn sóng mới của đại dịch Covid-19 đang bùng phát khiến nhiều nơi trên thế giới phải trả giá đắt do nới lỏng giãn cách xã hội quá sớm

Một làn sóng mới của đại dịch Covid-19 đang bùng phát khiến nhiều nơi trên thế giới phải trả giá đắt do nới lỏng giãn cách xã hội quá sớm

Dịch bệnh vẫn chưa dừng lại

Thế giới, nhất là tại Mỹ và châu Âu, đang chứng kiến một làn sóng lây nhiễm Covid-19 dữ dội chưa từng thấy kể từ khi đại dịch này bùng phát đầu năm nay tại Trung Quốc. Theo trang thống kê Worldometers, tính đến chiều ngày 21-11 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 58 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó gần 1,4 triệu người tử vong, hơn 100.000 người trong tình trạng nguy kịch. Quốc gia bị đại dịch tàn phá nặng nề nhất vẫn là Mỹ với 260.000 ca tử vong trong tổng số hơn 12,4 triệu ca nhiễm bệnh. Hiện cứ mỗi ngày nước Mỹ lại thêm khoảng 200.000 ca mắc Covid-19 mới và khoảng 2.000 ca tử vong. Trong 1 tuần qua, ước tính Mỹ đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc mới, tăng 26% so với tuần trước đó.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với thêm hơn 46.000 ca nhiễm và 559 ca tử vong/ngày, nâng tổng số người nhiễm và chết vì đại dịch Covid-19 tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới lên lần lượt hơn 9 triệu ca và hơn 132.000 người tử vong. Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại Thủ đô New Delhi, nơi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19, khiến nhiều bệnh viện quá tải. Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng mạnh tại châu Âu, trong đó các nước như Nga, Pháp, Đức và Anh đều ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận gần 23.000 ca mắc mới và hơn 1.100 ca tử vong; Đức có thêm hơn 23.000 ca mắc mới, số người tử vong tăng thêm 260; Anh có thêm 20.000 ca mắc mới và hơn 500 người tử vong; Nga cũng ghi nhận thêm hơn 24.000 nghìn ca mắc, và đây cũng là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày tại Nga…

Tính theo khu vực, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới với hơn khoảng 15,6 triệu ca; tiếp đến là Bắc Mỹ với khoảng 14,5 triệu ca và Nam Mỹ với hơn 10,6 triệu ca. Châu Phi có hơn 2 triệu ca bệnh Covid-19 và châu Đại Dương là khu vực có số người mắc Covid-19 ít nhất thế giới với chỉ khoảng 43.400 ca bệnh. Ngoài yếu tố thời tiết do bắt đầu bước vào mùa đông lạnh giá - thời tiết thích hợp để virus SARS-CoV-2 hoạt động và lây lan, nguyên nhân chủ quan cũng là nguyên nhân chính là sự nóng vội, lơ là, chủ quan. Nhiều nơi đã nới lỏng giãn cách xã hội quá sớm trong khi đa số người dân chủ quan xem nhẹ sự nguy hiểm của virus.

Để ngăn chặn làn sóng mới đại dịch Covid-19 mới đang bùng phát mạnh mẽ, nhiều quốc gia, nhiều thành phố lớn của các nước đã phải áp dụng lệnh phong tỏa trở lại. Một loạt bang, thành phố lớn của Mỹ như California, Ohio, New York, Chicago… đã áp lệnh giới nghiêm hay giãn cách xã hội để chống Covid-19. Châu Âu cũng đang áp dụng các biện pháp giãn cách, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết, nước này có thể kéo dài các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 trong 4-5 tháng nữa nếu không muốn rơi vào tình trạng giống nước Pháp cách đây 1-2 tuần khi có tới trên 50.000 ca mắc mới/ngày.

Mỗi người dân là một chiến sĩ chống “giặc” Covid-19

Bằng những biện pháp quyết liệt và đúng đắn, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19. Đã hơn 80 ngày kể từ ca mắc mới trong cộng đồng của đợt dịch bùng phát cuối tháng 7-2020 tại Đà Nẵng và Hải Dương, chúng ta chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, mà chỉ có các ca bệnh là người nhập cảnh từ nước ngoài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan mạnh trên toàn cầu, nguy cơ dịch bệnh với nước ta còn rất lớn, khó lường, đòi hỏi tuyệt đối không được lơ là, chủ quan nếu không muốn phải trả giá đắt. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Bên ngoài đang sóng to gió lớn, bên trong phải bao chặt”.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta “phải chuẩn bị tinh thần ít nhất đến hết năm 2021” mới giảm nguy cơ về đại dịch vì đó là thời điểm mà thế giới có vaccine phòng ngừa Covid-19. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có vaccine thì mua được cũng không phải dễ và đối với vaccine bình thường cũng phải mất ít nhất 5-10 năm mới có để kiểm nghiệm tác dụng phòng bệnh và tác dụng phụ. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa sẵn sàng phòng chống dịch Covid-19, không chủ quan trong nhận thức và hành động, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và không loại trừ khả năng có các ca mắc trong cộng đồng, vì thế cần tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, coi thường dịch bệnh. Cần xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực.

Để phòng, chống dịch hiệu quả trong trạng thái “bình thường mới”, mỗi chúng ta hay luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Cần hành động, thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo: “Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”; tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt thông điệp 5K: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế” để giữ an toàn cho chính mình và gia đình cũng như xã hội trước đại dịch Covid-19.