TP.HCM trước giờ giãn cách xã hội: Cung ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu sinh hoạt của người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội được thực hiện trên diện rộng.
Các siêu thị bổ sung nguồn hàng phục vụ người dân

Các siêu thị bổ sung nguồn hàng phục vụ người dân

Có nhiệm vụ đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP HCM và 7 tỉnh phía Nam trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải làm trưởng ban. Thành viên của Ban gồm lãnh đạo 8 đơn vị trực thuộc của Bộ Công Thương.

Theo ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ngày 7-7, tại TP HCM đã có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, dẫn đến thiếu hàng cục bộ tại một số nơi bán. Đặc biệt, do một số chợ đầu mối tại TP HCM tạm thời đóng cửa nên nguồn cung cấp hàng bị ảnh hưởng trước mắt.

Tuy nhiên, qua làm việc với lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM cho thấy, hàng hóa dự trữ ở TP HCM hoàn toàn đảm bảo để cung cấp cho tiêu dùng của người dân. Sở Công Thương TP HCM cũng đã chỉ đạo ngay các siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm bán hàng lưu động bình ổn cần tăng thời gian phục vụ và đẩy mạnh hơn nữa việc bán hàng online đúng theo hướng đi mà Bộ Công Thương đã chỉ đạo trước đó.

“Vụ Thị trường trong nước vẫn đang bám sát tình hình trên cơ sở nguồn hàng dự trữ của TP HCM và 7 tỉnh phía Nam, dự trữ của những doanh nghiệp ở các tỉnh xung quanh, Vụ sẽ có những phương án phù hợp để điều phối lượng hàng hóa ra vào hợp lý, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân” – ng Trần Duy Đông khẳng định.

Thông tin về tình hình thị trường tại TP HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, thành phố có nguồn thực phẩm dự trữ lên tới 120.000 tấn, tăng gấp ba thông thường nên hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân.

“Vài ngày gần đây khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, lượng hàng về chợ mỗi đêm giảm xuống 4.500-5.000 tấn (trước đó khoảng 6.000-8.000 tấn). Tuy nhiên, đây chỉ là sự thiếu hụt tạm thời. Hiện hàng hoá đã được cung ứng bình ổn và một số đơn vị dự trữ gấp 3 lần bình thường. Người dân không phải lo lắng trong bất cứ tình huống dịch nào"- lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM nói.

Hiện tại, TP HCM vẫn có hơn 110 chợ truyền thống hoạt động. Bên cạnh đó là 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini và 28.700 cửa hàng tiện lợi. Tại các quận huyện cũng có thêm kênh bán hàng online… nên hàng hóa sẽ đến đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Đại diện các siêu thị lớn tại TP HCM cũng cho biết, do lượng người mua tăng đột biến nên có thời điểm hàng hóa bị thiếu hụt tạm thời. Ngay sau đó, các siêu thị đã điều hàng bổ sung để phục vụ người dân. Đặc biệt, một số siêu thị tăng thời gian bán hàng thêm 2 tiếng/ngày so với thông thường.

Thực tế cho thấy, dù TP HCM khẳng định không thiếu hàng nhưng tại các chợ truyền thống, vẫn có hiện tượng người dân ùn ùn đi mua hàng hóa tích trữ. Giá nhiều mặt hàng như: thực phẩm tươi sống, rau xanh đã tăng mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, TP HCM đã tương đối chủ động và tích cực đưa ra các phương án, kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tại TP HCM, chợ đầu mối và các chợ truyền thống đang giữ vai trò chủ đạo, với 70% lượng hàng hóa cung ứng cho toàn thành phố. Và như vậy, khi các chợ này đóng cửa sẽ tác động và gây áp lực đáng kể cho cho các Trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa.

“Do vậy, TP HCM cũng như các tỉnh có dịch tại khu vực phía Nam cần phải chủ động và tăng cường các điểm bán hàng lưu động cũng như phát huy hiệu quả từ kênh mua bán hàng trực tuyến. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Lúc này, sự liên kết giữa Bộ Công Thương với các tỉnh thành nói chung và TP HCM nói riêng cần được nâng lên mức độ cao hơn và chặt chẽ hơn nữa”- ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.