Tour du lịch đặc biệt kết nối di sản Gia Lâm

ANTD.VN - Gia Lâm - huyện ngoại thành phía đông Hà Nội - nơi có nhiều địa danh lịch sử là vùng đất tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, huyện vẫn chưa có lộ trình bài bản để phát huy hết những lợi thế vốn có.

Mới đây, một đoàn khảo sát du lịch Gia Lâm đã được tổ chức. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng đã cùng đại diện các doanh nghiệp lữ hành thực hiện chuyến khảo sát 4 điểm du lịch trên địa bàn huyện này.

Tour du lịch đặc biệt kết nối di sản Gia Lâm ảnh 1Ông Đỗ Đình Hồng- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội (thứ hai từ trái sang) trong chuyến khảo sát du lịch Gia Lâm

Vẻ đẹp thiên nhiên hút khách 

Qua cầu Chương Dương, xuôi theo triền đê uốn lượn mềm như dải lụa, du khách dễ dàng tìm đến Làng gốm Bát Tràng, một ngôi làng trầm mặc nằm nép bên bờ sông. Ở ngôi làng cổ này, du khách có thể thong thả tản bộ trên con đường đá cũ, tìm hiểu sự hình thành và phát triển của gốm sứ Việt rồi trải nghiệm thử làm thợ gốm với mức phí rất rẻ, chỉ từ 10.000 đồng/người. 

Các bạn trẻ sẽ bị cuốn hút bởi những bức tường than, những góc đường mọc len lỏi dương xỉ rêu phong, những giàn phơi gốm muôn vàn hoa văn, màu sắc… Hình ảnh dung dị mộc mạc ấy tạo nên ấn tượng khó phai và du khách dễ dàng có những tấm ảnh lưu niệm tuyệt đẹp.

Đặc biệt, xung quanh Bát Tràng bán kính 5-15km còn có các địa danh, di tích lịch sử mà theo thời gian đã thành bề dày văn hóa, tâm linh, nghề nghiệp, con người; nổi bật như: Làng gốm Kim Lan nơi được cho là hình thành nghề gốm trước cả Bát Tràng; Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan không chỉ là di sản mà còn hiển hiện thiết chế đi qua các triều đại, liên quan đến hệ Mẫu; Khu di tích Đền Gióng (làng Phù Đổng) gắn với truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc…

Với những di sản hiện có, Gia Lâm được xem là vùng đất màu mỡ cho du lịch và nếu khai thác tiềm năng hiệu quả thì nơi đây sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn. Song hiện nay, du lịch Gia Lâm lại quá khiêm tốn, mới chỉ dừng lại ở những dịch vụ du lịch sơ khai, tự phát.

Tour du lịch đặc biệt kết nối di sản Gia Lâm ảnh 2Gia Lâm với những di sản hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu, khám phá truyền thống

Kết hợp du lịch di sản - tâm linh

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp lữ hành, nhiều du khách khi đặt chân tới một địa danh thường muốn đến thăm các nghệ nhân lành nghề. Sản phẩm tinh hoa truyền thống là cốt lõi. Khi tổ chức tour, tuyến du lịch, cần kết hợp với cảnh quan, không gian, nếp sống của người dân địa phương.

Dù chưa đầy đủ hệ thống khách sạn, nhà homestay phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi cho khách, nhưng Gia Lâm lại có điểm mạnh về ẩm thực với đồ ăn dân dã, phong phú, vì thế du lịch Gia Lâm có thể tập trung vào các tour ngắn gói gọn trong ngày. Thêm vào đó, nên kết hợp tour làng nghề với tâm linh để tạo nên sự thích thú, không gây đơn điệu nhàm chán cho du khách. 

Mới đây, một đoàn khảo sát du lịch Gia Lâm đã được tổ chức. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng đã cùng đại diện các doanh nghiệp lữ hành khảo sát 4 điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm: Khu di tích Đền Gióng, Đền Nguyên Phi Ỷ Lan, Làng gốm Kim Lan, Làng gốm Bát Tràng.

Với những di sản hiện có như Làng gốm Bát Tràng, Làng gốm Kim Lan, Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, Khu di tích Đền Gióng…, Gia Lâm được xem là vùng đất màu mỡ cho du lịch và nếu khai thác tiềm năng hiệu quả thì nơi đây sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Với kế hoạch xây dựng một sản phẩm du lịch đặc sắc, ông Đỗ Đình Hồng cho biết: “Để du lịch Gia Lâm đi vào chuỗi du lịch Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung, cũng như được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến thì phải làm hết sức bài bản và căn cơ, bắt đầu từ việc nhỏ - làm sạch môi trường cảnh quan, rồi sau nữa mới đến hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, chú trọng vào thuyết minh tại chỗ.

Một trong những yếu tố hút được du khách lại chính là để người dân địa phương có thể tự nói về làng nghề, di tích để tạo sự chân thực, hồn cốt cho điểm đến. Chính vì thế, trước mắt cần xây dựng các gói du lịch nhỏ nhất phục vụ cho chính địa bàn dân cư, cộng đồng quanh dân cư rồi từ đó ngày một nâng cấp chất lượng dịch vụ, mở rộng phạm vi”.

Dưới góc độ quản lý, Sở Du Lịch Hà Nội bày tỏ quan điểm sẵn sàng đến hỗ trợ, hiến kế cho huyện Gia Lâm cách làm du lịch. Đối với góc độ địa phương, cần nắm bắt thị trường khách, bởi lẽ nhu cầu du khách mỗi năm mỗi khác, khách châu Á khác khách châu Âu. Quan trọng nhất, doanh nghiệp lữ hành, người làm tour, tuyến phải hiểu được đặc điểm của du khách để phục vụ.

Dự kiến, trong thời gian tới có hai làng nghề truyền thống được thành phố chọn quy hoạch tổng thể là Làng gốm Bát Tràng và Làng lụa Vạn Phúc. Đây là một tín hiệu cho thấy, Bát Tràng nói riêng và du lịch Gia Lâm sẽ sớm có nhiều khởi sắc, hứa hẹn là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến Hà Nội.

Trao đổi cùng PV ANTĐ, ông Lý Duy Thanh - Phó Chủ tịch huyện Gia Lâm cho biết, sau khi quy hoạch, nâng cao cơ sở vật chất, sẽ kết nối một tour để du khách đến Bát Tràng đi qua làng chạm khảm Kiêu Kỵ, đến Đền Nguyên Phi Ỷ Lan, Đền Gióng, rồi vòng về Ninh Hiệp. Người dân Làng gốm Bát Tràng đều mong muốn, tương lai không xa sẽ có chuyến xe buýt chất lượng cao dành riêng cho du khách muốn tới Bát Tràng.