Top 10 nước xuất khẩu vũ khí thế giới

ANTĐ - Theo báo cáo, Mỹ, Nga và Pháp là 3 nước dẫn đầu trong danh sách.

Ngày 28-9 vừa qua, Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới SAMTO (ЦАМТО) đã đưa ra báo cáo sơ bộ về tình hình xuất khẩu vũ khí trên thế giới. Trong bản báo cáo này, SAMTO đã thống kê chi tiết tình hình 56 quốc gia xuất khẩu hoặc tái xuất vũ khí hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất, đồng thời đưa ra danh sách Top 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới trong năm 2012 và giai đoạn 2008 - 2015. Theo báo cáo, Mỹ, Nga và Pháp là 3 nước dẫn đầu trong danh sách.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ có giá khoảng 120 triệu USD/chiếc

Liên tiếp trong nhiều năm liền, Mỹ là quốc gia giữ vị trí độc tôn, bỏ xa 9 nước còn lại trong danh sách. Chỉ tính riêng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu vũ khí Mỹ đạt 25,517 tỷ USD, chiếm 36,54% kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu (gần gấp đôi Nga đứng vị trí thứ 2 và gấp hơn 4 lần nước đứng thứ 3 là Pháp). Chỉ tính riêng những hợp đồng đã ký kết và các công bố ý định đặt mua thì sang năm 2013, dự kiến kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ là 24,114 tỷ USD, chiếm 40,05% tổng kim ngạch.

Ngay cả trong trường hợp không thống kê được các hợp đồng ngắn hạn thì theo các đơn đặt hàng hiện có và xác nhận ý định giao dịch, giá trị hợp đồng buôn bán vũ khí của Mỹ vẫn tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn trung hạn. Cụ thể là năm 2014, giá trị hợp đồng sẽ tăng lên 32,653 tỷ USD, chiếm 51,57% kim ngạch xuất khẩu thế giới; đến năm 2015 đạt con số 32,238 tỷ USD, bằng 41,6 % tổng giá trị giao dịch thế giới.

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga với giá 60 triệu USD

Căn cứ vào các hợp đồng dài hạn đã ký, có thể tin tưởng trong vài năm tới, xuất khẩu Mỹ sẽ đạt con số 35 tỷ, thậm chí là 40 tỷ USD. Trước đó, trong 4 năm từ 2008 - 2011, Mỹ chỉ thu về 83,436 tỷ USD, chiếm 38,36% nhưng trong 4 năm từ 2012 - 2015 Mỹ sẽ nhận được tới 114,522 tỷ USD, chiếm 42,28 % tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí thế giới.

Với 13,3 tỷ thu về trong năm 2012 từ các hợp đồng bán vũ khí, chiếm 19% doanh thu trên toàn thế giới, Nga đã củng cố vững chắc vị trí thứ 2 sau Mỹ. Điểm đáng chú ý là trong năm 2012, Nga đã mất hoàn toàn 2 thị trường lớn nhất từ trước đến nay là Iran và Libya, gián đoạn cung cấp cho thị trường tiềm năng là Syria, có khả năng còn mất hẳn thị trường Saudi Arabia vào tay của Mỹ. Theo tính toán của SAMTO, trong giai đoạn 2008 – 2011, Nga chỉ đạt con số 29,8 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, còn trong giai đoạn 2012 – 2015, con số này là 32,5 tỷ USD và 12%.

Theo thống kê của SAMTO, năm 2012 Pháp được xếp vào hàng thứ 3 với 5,613 tỷ USD, chiếm 8,04% thị trường thế giới. Căn cứ vào những hợp đồng đã ký kết và các tuyên bố ý định đặt mua thì sang năm 2013, dự kiến kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Pháp chỉ còn 4,644 tỷ, chiếm vẻn vẹn 7,7%. Sang năm 2014 tiếp tục giảm xuống con số 3,513, chiếm có 5,55%, đến năm 2015 tăng lên chút ít là 4,517 tỷ USD, chiếm 5,83% tổng kim ngạch thế giới. Tính trong cả giai đoạn 2008 - 2011, lượng xuất khẩu của Pháp cũng chỉ đạt 16,727 tỷ USD (bằng 7,7%), còn trong giai đoạn 2012 - 2015, ít nhất Pháp cũng sẽ thu về 18,287 tỷ USD (chiếm 6,75). Như vậy, trong cả 2 giai đoạn Pháp đều đứng sau Nga, giữ vị trí thứ 3.

Tàu đổ bộ Mistral của Pháp có giá trên dưới 600 triệu USD/chiếc

Hiện nay, xem xét tình hình giai đoạn 2012 – 2015, một số hợp đồng tạm thời chưa biết kết quả trúng thầu có kim ngạch lên tới 24,86 tỷ USD, chiếm 9,18% tổng kim ngạch, các hợp đồng này chủ yếu có thời hạn giao hàng bắt đầu vào năm 2015, ước chừng giá trị đạt 19 tỷ USD.

Chiếm vị trí thứ 4 trong danh sách 10 nước xuất khẩu vũ khí năm 2012 là Đức với 4,57 tỷ USD, bằng 6,54% tổng kim ngạch giao dịch thương mại vũ khí.

Trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Anh đạt 3,239 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 5, chiếm 4,64% tổng giá trị xuất khẩu thế giới.

Israel tạm xếp thứ 6 khi chỉ đạt 4,01 % tổng kim ngạch buôn bán vũ khí và thu về 2,8 tỷ USD.

Kém Israel một chút là Italia với con số 2,798 tỷ USD và 4%, xếp ở vị trí thứ 7 trong danh sách.

Trung Quốc lọt vào Top 10 với vị trí thứ 8 khi đạt kim ngạch xuất khẩu 1,954 tỷ USD, bằng 2,8% tổng giá trị các hợp đồng xuất khẩu.

Tây Ban Nha và Thụy Điển lần lượt xếp vị trí thứ 9 và thứ 10 với 1,535 và 1,1 tỷ USD, chiếm 2,2 % và 1,57 % tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới.