Tổng thống Putin vạch ra “con đường duy nhất Ukraine phải đi“

ANTĐ - Ngày 24-2, Tổng thống Nga Putin tuyên bố đanh thép rằng: Lập trường của Nga về Ukraine và Crimea là không đổi, đồng thời để ngỏ khả năng công nhận chủ quyền của DPR và LPR.

Trở về Nga là nguyện vọng của nhân dân Crimea

Trong buổi trả lời phỏng vấn của nhà báo Nga nổi tiếng Vladimir Solovyov ngày 24-2, Tổng thống Nga V. Putin đã khẳng định là lập trường của Nga về vấn đề Ukraine và Crimea là không đổi, hàm ý nhắc nhở phương Tây rằng Nga sẽ không nhượng bộ về quan điểm và “chùn tay” trong các hành động có liên quan đến vấn đề Ukraine.

Mở đầu cuộc phỏng vấn, khi đề cập đến vấn đề Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã thề thốt rằng ông sẽ giành lại Crimea “bằng mọi giá”. Nhà báo Nga Solovyov hỏi: liệu ý muốn này có thể dẫn đến việc bùng nổ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hay không?

Tổng thống Putin cho rằng, một kịch bản tận thế như vậy khó có thể xảy ra và ông cũng bày tỏ hy vọng là điều này sẽ không bao giờ thành hiện thực, bởi đối với Nga, Ukraine vẫn luôn là “những người bạn” và nhân dân Nga cũng chưa bao giờ coi nhân dân Ukraine là kẻ thù.

Đồng thời, ông Putin kêu gọi các nhà lãnh đạo Ukraine không nên suy nghĩ về việc lấy lại một số khu vực, mà về việc cấp bách hiện nay họ cần làm là đưa đất nước trở lại với cuộc sống bình thường, điều chỉnh nền kinh tế, đời sống xã hội và đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân ở Donbass.

Theo Tổng thống Nga, để đạt được những mục tiêu này cần phải thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 được xây dựng trên cơ sở tinh thần cuộc hội đàm của “Bộ tứ Normandy”, bao gồm nguyên thủ quốc giá 4 nước Đức, Pháp, Nga, Ukraine, ký kết ngày 12-2 vừa qua tại thủ đô của Belarus.

Tổng thống Putin vạch ra “con đường duy nhất Ukraine phải đi“ ảnh 1Tổng thống Putin cho rằng, cần thực hiện nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn Minsk

Về vấn đề Crimea, ông Putin nói: “Bán đảo này đã, đang và sẽ là quê hương của các dân tộc Nga, Ukraine, Tatar, Hy Lạp và Đức... Đó chính là ngôi nhà chung của các dân tộc này. Nếu nói về việc Crimea thuộc quốc gia nào thì những người dân đang sinh sống tại Crimea đã thực hiện sự lựa chọn của mình là về với Liên bang Nga.

Ông nhấn mạnh rằng Moscow không thể làm trái ý nguyện của nhân dân và cộng đồng quốc tế nên tôn trọng sự lựa chọn này. Các đối tác của chúng ta ở phương Tây cuối cùng sẽ phải có thái độ tương tự như vậy, bởi vì tiêu chí tối thượng của sự thật trong trường hợp này chính là nguyện vọng của người dân.

Ông Putin bác bỏ những tuyên bố công khai của các nhà lãnh đạo Ukraine quả quyết rằng, họ có bằng chứng về việc những quan chức và nhân viên của chính quyền Nga đã tham gia vào các sự kiện bi thảm trên quảng trường Maidan hồi năm ngoái, và gọi đây là "sự bịa đặt trắng trợn, nhảm nhí".

Để ngỏ khả năng công nhận chủ quyền của DPR và LPR

Khi được nhà báo Solovyov hỏi ý kiến là tại sao dư luận thế giới không nhận thức được về tình hình thực tế ở Ukraine, không nhận thực được rằng, Kiev nói dối khi tuyên bố về sự xâm lăng của Nga? Tổng thống Putin đã đúc kết bằng một câu là “Vì họ không muốn ai biết được sự thật”.

Ông giải thích rằng, các đối thủ của Nga phải giấu diếm sự thật vì họ có sự độc quyền về truyền thông thế giới. Phương Tây sợ rằng “âm mưu bẩn thỉu” của họ sẽ bị lộ ra và không còn cớ gì để bao vây, cấm vận Nga nên đã bưng bít sự thật, trưng ra những thông tin giả mạo do Kiev cung cấp.

Ông nhắc lại rằng, với sự trung thực của “một người lính”, đích thân Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine Viktor Muzhenko đã thừa nhận rằng, quân đội nước này không chiến đấu với quân đội Nga, ông lên án những nỗ lực của phương Tây kích động một cuộc xung đột giữa hai nước.


Tổng thống Putin vạch ra “con đường duy nhất Ukraine phải đi“ ảnh 2
Người dân Donetsk trong cuộc bầu cử tự quyết tháng 11-2014

Bàn về vấn đề liệu các nước châu Âu có chú ý đến hệ tư tưởng Đức Quốc xã của chính quyền mới ở Kiev hay không, Tổng thống Putin nhận xét rằng, châu Âu cố gắng không để ý đến điều đó. Tuy nhiên, ông khen ngợi các đối tác Đức và Pháp vì họ thể hiện ý muốn chân thành tìm kiếm giải pháp thỏa hiệp có thể dẫn đến việc giải quyết hoàn toàn cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong cuộc đàm đạo với nhà báo Solovyov, ông Putin cũng đưa ra quan điểm “ngỏ” về vấn đề cực kỳ nhạy cảm là, liệu Nga có công nhận chủ quyền của 2 nước cộng hòa ly khai tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk trong trường hợp Ukraine gia tăng hành động quân sự.

Tổng thống Nga thẳng thắn nói: “Hiện Nga ‘chưa có nhu cầu’ về điều đó”. Điều này có nghĩa rằng, tình thế hiện nay chưa đến mức phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp là công nhận chủ quyền của DPR và LPR, nhưng cũng đã nhiều lần Tổng thống Putin khẳng định là ông rất “tôn trọng quyền tự quyết” của nhân dân vùng Donbass.

Tổng thống giải thích thêm rằng, các thỏa thuận Minsk do bốn thành viên là Ukraine, Nga, Pháp, Đức khởi thảo và đã được ghi trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Như vậy, đây là một văn kiện pháp lý quốc tế nhận được sự hỗ trợ của hầu như toàn bộ cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng rằng, văn kiện này sẽ được các bên tham chiến và có liên quan thực hiện một cách nghiêm túc. Bởi nếu nó được thực hiện triệt để, thì đó là con đường đúng đắn dẫn đến việc bình thường hóa và ổn định hóa cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Đó là con đường duy nhất Ukraine phải đi.