Tổng thống Putin: Nga không phản đối đồng minh tăng cường hợp tác với EU

ANTĐ -  Nga không phản đối các thành viên của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) tăng cường hợp tác với châu Âu, tuy nhiên, họ nên thảo luận về những mối đe doạ có thể gây ra với kinh tế Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại hội nghị ở Minsk, Belarus.

“Chúng tôi không hề chống lại việc tăng cường hợp tác với EU mà thậm chí còn muốn điều làm điều ngược lại. Tuy nhiên, khi những quốc gia thuộc CIS muốn kí một thoả thuận tự do thương mại nào khác thì họ nên dành thời gian và suy nghĩ ra những biện pháp để tránh gây thiệt hại với kinh tế Nga”, Tổng thống Putin cho biết.

Châu Âu là đối tác kinh tế lớn nhất của Nga cũng như các nước khác thuộc CIS như Kazakhstan, Belarus, Kyrgyzstan và Tajikistan. Thương mại giữa Nga và EU hàng năm đạt 430 tỉ USD.

­Việc thiếu tính toán trước khi kí thoả thuận với châu Âu có thể khiến thị trường nội địa Nga bị ảnh hưởng. “Nếu các nước đặt ra một thời gian biểu cho sự thay đổi thì điều này có thể chấp nhận được. Nó đang được áp dụng với các nước như Moldova hay Ukraine”, ông Putin cho biết.

Tổng thống Putin: Nga không phản đối đồng minh tăng cường hợp tác với EU ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Vào hôm 10-10, lãnh đạo từ Nga, Belarus, Kyrgyzstan, Kazakhstan, và Tajikistan đã cùng gặp gỡ tại Minsk nhằm giải tán Cộng đồng Kinh tế Á-Âu đã tồn tại từ những năm 1990 để tiến tới thành lập Hiệp hội Kinh tế Á- Âu, một tổ chức lớn hơn bao gồm các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và sẽ đi vào hoạt động từ tháng 1-2015.

Thương mại giữa các nước CIS hiện đang trong đà giảm sút. 6 tháng đầu năm nay, tổng trao đổi buôn bán trong nội bộ CIS chỉ đạt 111 tỉ USD, giảm 9% so với cùng kì năm ngoái, 123 tỉ USD. Tổng kim nghạch thương mại của khối CIS vào năm 2013 là 235 tỉ USD.

Cùng 2 nước khác cũng thuộc Liên bang Xô-viết cũ là Gruzia và Moldova, Ukraine đã chấp nhận các điều khoản kinh tế trong thoả thuận hợp tác mới với EU vào hôm 27-6.

Kiev và Brussels đã phe chuẩn các biên bản chính thức vào hôm 16-9, tuy nhiên việc đồng bộ các vấn đề kinh tế giữa Ukraine và EU được hoãn lại cho tới cuối năm 2015.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine thực chất bắt nguồn từ việc cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych từ chối kí thoả thuận hợp tác với EU và yêu cầu mở cuộc họp 3 bên giữa Nga, EU và Ukraine. Điều này đã làm nảy lên làn sóng biểu tình vào cuối năm ngoái ở Kiev và cuộc đảo chính vào tháng 2-2014.

Để kí được thoả thuận hợp tác với EU, Ukraine phải thực hiện một vài nghĩa vụ trái ngược với vai trò của nước này trong thoả thuận thương mại tự do CIS, điều mà Moscow cho rằng sẽ gây hại đến kinh tế Nga.