Tổng thống Mỹ Obama và chuyến đi “cân bằng chiến lược”

ANTĐ - Ngày 23-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thủ đô Tokyo, Nhật Bản, điểm dừng chân đầu tiên của ông trong chuyến công du châu Á (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines) kéo dài đến ngày 29-4. 5 năm sau khi Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại chuyển sang tập trung vào châu Á, chuyến đi này Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về nội dung chiến lược của mình và việc duy trì sức mạnh tại khu vực, từ đó tái khẳng định quyết tâm chiến lược xoay trục về châu Á.

Nhiều nhà phân tích từng có nhận định Mỹ không còn mặn mà trong chính sách hướng Đông, khi Tổng thống Obama lỗi hẹn với các lãnh đạo khu vực này hồi tháng 10-2013. Thậm chí trong thông điệp liên bang hồi tháng 1, vấn đề đối ngoại chỉ chiếm một vai trò rất khiêm tốn và trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương không phải là ưu tiên chính. Điều này khiến các nước đồng minh của Mỹ chưa thấy đủ tin tưởng với chính sánh chuyển trục về châu Á. Do vậy, các nhà bình luận cho rằng, chuyến công du châu Á của ông chủ Nhà Trắng lần này nhằm củng cố niềm tin vốn ít nhiều đã bị lung lay của các nước đồng minh trong khu vực do thái độ hoài nghi ngày càng tăng trong số các lãnh đạo châu Á.

“Ông Obama cần tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản và Philippines, nhằm làm yên lòng các nước đồng minh và kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực”, bình luận viên Geoff Dyer của tờ Financial Times cho biết. Cả 4 nước nằm trong lịch trình đều có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông. Do vậy, dù chỉ dừng chân tại 4 quốc gia trên, ảnh hưởng của chuyến thăm được dự đoán sẽ lan tỏa khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Bên cạnh các vấn đề mang tính địa chính trị, trong hơn một tuần, Tổng thống Mỹ phải hoàn tất một danh sách dài đầy nhiệm vụ: mở khóa vướng mắc trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nỗ lực làm giảm căng thẳng giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye để hai nước cùng hợp tác về các vấn đề liên quan đến Triều Tiên đi đến mục đích chấm dứt tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngoài ra còn thúc đẩy quan hệ liên minh gần gũi hơn với Malaysia và tái khẳng định sự ủng hộ với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Theo thông báo, nội dung chính trong các chuyến thăm tới Malaysia và Phillipines của ông Obama sẽ nhằm thúc đẩy quan hệ với hai nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một khu vực được xác định nằm trong “trục xoay” chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á. 

Mặc dù các vấn đề an ninh đóng vai trò quan trọng, song Hiệp định TPP sẽ giúp ông Obama đạt được kết quả về ngoại giao tạo cơ sở chắc chắn cho việc thực hiện chiến lược “Trục châu Á”. Hiện nay các cuộc đàm phán có 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, đã không đạt được tiến triển, trong khi sự ủng hộ dành cho nó tại Malaysia đang nguội dần. Trước áp lực từ những lo ngại của doanh nghiệp, Malaysia thậm chí đang cân nhắc rút khỏi TPP. Trong khi nếu TPP được ký kết, hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Đây cũng là chìa khóa để Mỹ giải quyết tình trạng thất nghiệp xét trong bối cảnh chính sách kinh tế luôn ở vị trí ưu tiên trong chiến lược quốc gia dưới chính quyền của đảng Dân chủ đồng thời Hiệp định này giúp kết nối nhiều nền kinh tế thuộc hàng lớn nhất châu Á vào một “sân chơi” chung về kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng, các cuộc đàm phán, hiện đã trễ so với lịch trình, nhưng có lẽ không điều gì giúp thể hiện rằng Mỹ thực sự hướng tới “Trục châu Á” tốt hơn việc thương lượng và ký kết TPP. 

Giới chức Mỹ hiện thích sử dụng cụm từ “tái cân bằng” trong chính sách châu Á của Mỹ hơn là cụm từ “xoay trục” trước đó. Các chuyên gia nhận định rằng mục đích của chuyến công du châu Á của ông Obama lần này nhằm tái khẳng định chiến lược tái cân bằng ở châu Á. Vị thế ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, với tốc độ phát triển kinh tế chóng mặt và tiềm lực quân sự không ngừng mạnh mẽ, là một hiện thực khiến các quốc gia láng giềng, đặc biệt là những nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh phải lo ngại, trông cậy vào Mỹ như một đối trọng. Tuy nhiên, thách thức mà ông chủ Nhà Trắng phải đối mặt không hề đơn giản, bởi phải cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh ngay trong chính sách tái cân bằng của mình. Theo các nhà phân tích, ông Obama một mặt phải đảm bảo cam kết phòng thủ với các nước đồng minh, một mặt phải lựa chọn ngôn từ để tránh việc Bắc Kinh suy diễn ý đồ chiến lược tái cân bằng của Mỹ là nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Ông Benjamin J.Rhodes - Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - cho rằng “Thông điệp dành cho Trung Quốc là Mỹ sẽ lưu lại châu Á - Thái Bình Dương, rằng Mỹ mong muốn các chuẩn mực quốc tế được tôn trọng, và các quốc gia không thể bị ức hiếp, và rằng Mỹ đã và sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác với Bắc Kinh”. 

Trong chuyến thăm Philippines, vào ngày 28-4, ông Obama sẽ công bố một thỏa thuận nhằm cho phép tàu và máy bay Mỹ tiếp cận rộng rãi hơn tới các căn cứ quân sự ở Vịnh Subic. Thỏa thuận này được xem là bước đi khiêm tốn nhất nhằm tái khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á, và nhấn mạnh kế hoạch xoay trục của Mỹ về châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thỏa thuận có thể sẽ làm mếch lòng Trung Quốc, vốn đang tranh chấp với Philippines về bãi cạn Scarborough. Theo tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, chuyến thăm này của ông Obama sẽ gây thêm căng thẳng cho các vấn đề trong khu vực. Tờ báo đặt câu hỏi: “Không khó để nhìn thấy động cơ thầm kín trong chuyến công du lần này của ông Obama. Hầu hết các nước mà ông đến thăm đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ông Obama sẽ là một lính cứu hỏa hay một người thổi bùng thêm ngọn lửa?”.