Tổng thống Mỹ nói gì về đối đầu quân sự Nga-NATO?

ANTĐ - Trong một tuyên bố có liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã loại trừ khả năng xảy ra cuộc đối đầu quân sự giữa NATO và Nga.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn của chương trình "60 phút" trên kênh truyền hình CBS ngày 28-9 về vấn đề có hay không xảy ra nguy cơ đối đầu quân sự mới giữa Nga và NATO, Tổng thống Hoa Kỳ đã trình bày quan điểm là ông không nghĩ sẽ có đối đầu quân sự giữa NATO và Nga.

Sở dĩ câu hỏi này được đặt ra và gây sự chú ý cho niều người bởi trong thời gian qua, Moscow và Brussels đã có những phát ngôn và hành động bị phía bên kia cáo buộc là làm gia tăng căng thẳng. 

Từ ngày 15 đến ngày 26-9, NATO đã tổ chức cuộc tập trận “Đinh ba thần tốc” (Rapid Trident) tại miền tây Ukraine. 1.300 quân của 15 nước thành viên NATO, trong đó có 200 quân Mỹ, đã ồ ạt tiến vào lãnh thổ nước láng giềng với Nga, trong khi đó các quan chức NATO nhóm họp ở Wales để đối phó với Nga.

“Kế hoạch chuẩn bị hành động" của NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở xứ Wales đã thông qua kế hoạch củng cố quốc phòng thủ tập thể và thỏa thuận về các điều khoản xây dựng lực lượng phản ứng nhanh. Dự kiến, các đơn vị này của NATO ở Đông Âu sẽ có cơ số hơn 4.000 quân, có thể tràn ngập châu Âu trong vòng 48h.

Tổng thống Mỹ nói gì về đối đầu quân sự Nga-NATO? ảnh 1

Tổng thống Mỹ bác bỏ khả năng đối đầu quân sự Nga-NATO


Mở rộng hiện diện của không quân và hải quân gần biên giới Nga sẽ củng cố kế hoạch lập ra 5 căn cứ NATO trên đất liền đông Âu và mở rộng các đơn vị không quân tại Estonia. Tất cả những hoạt động này nhằm tăng cường công khai đối đầu và làm trầm trọng thêm mối đe dọa an ninh quốc gia của Liên bang Nga.

Trong bối cảnh đó, Moscow đã nhiều lần đưa ra tuyên bố cứng rắn là Nga không thể chấp nhận việc NATO đưa cơ sở hạ tầng cơ sở của khối này bành trướng về phía đông, tiến đến sát gần biên giới Nga-Ukraine và lớn tiếng đe dọa sẽ có những động thái đáp trả để bảo đảm an ninh của mình.

"Tính toán lôi kéo thêm nhiều nước vào NATO, tiếp tục logic phân chia giới tuyến kiểu “Chiến tranh lạnh”, kéo các cơ sở của NATO lại sát gần biên giới của nước chúng tôi là điều không thể chấp nhận được" - ông Lavrov nói và nhận định, ông cảm thấy khá nực cười khi cho rằng điều đó có thể đe dọa Nga.

Chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược Nga Sergei Mikhailov cũng đồng quan điểm là vài ba chiếc máy bay tại Estonia hay mấy chiến hạm đi vào biển Đen, hoặc các cuộc tập trận của phương Tây tại Ukraine đều không thể ảnh hưởng tới quan điểm của các nhà lãnh đạo Nga về cuộc xung đột Ukraine.

Tổng thống Mỹ nói gì về đối đầu quân sự Nga-NATO? ảnh 2

Cả Nga và NATO đều không muốn xảy ra một cuộc đối đầu quân sự



Được biết, trong quá trình xử lý các sự vụ Ukraine thời gian qua, NATO cũng cố gắng tránh những vấn đề có thể gây hiểu lầm cho Nga. Đơn cử ví dụ như cuối tháng 8 vừa qua, các quan chức khối này đã tuyên bố họ không có trách nhiệm phải bảo vệ Ukraine vì nước này chưa phải là thành viên NATO.

Đồng thời, Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cũng tuyên bố họ “không có kế hoạch thảo luận về mối quan hệ với Ukraine” và quả thực vấn đề này đã không được đưa ra thảo luận trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh NATO, tổ chức tại xứ Wales ngày 4 và 5-9 vừa qua.

Cũng tương tự như NATO, EU cũng đã loại bỏ khả năng kết nạp Ukraine làm thành viên trong thời gian tới. Dự kiến, nếu có sớm thì cũng phải tới năm 2020 Kiev mới đạt được mong ước của mình.

Tuy vấn đề này cũng có nguyên nhân là do Ukraine chưa hội tụ những yếu tố cần và đủ để gia nhập Liên minh châu Âu nhưng quả thật là trong giai đoạn này cả NATO và EU đều cố tránh không để mâu thuẫn với Nga thêm căng thẳng và ngược lại, Moscow cũng không hề muốn đối đầu với Brussels.