Tổng thống Mỹ Donald Trump bị luận tội và những viễn cảnh chính trị

ANTD.VN - Tuần qua, một sự kiện đã thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế là việc Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ chiếm đa số đã bỏ phiếu thông qua 2 điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump. Vậy tương lai của ông chủ Nhà Trắng sẽ ra sao?

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị luận tội và những viễn cảnh chính trị ảnh 1Ông Trump trở thành Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội

Tranh cãi gay gắt

Điều khoản thứ nhất cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực Tổng thống trong việc giữ lại khoản viện trợ 400 triệu USD dành cho Ukraine để ép buộc nước này điều tra đối thủ chính trị của mình là cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng viên của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, cùng con trai. Điều khoản thứ hai cáo buộc ông Trump cản trở Quốc hội Mỹ trong quá trình điều tra luận tội bằng cách không cung cấp các tài liệu cần thiết và không cho phép nhiều nhân chứng quan trọng ra điều trần trước Quốc hội.

Như vậy, với kết quả trên, ông Trump đã trở thành vị Tổng thống thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội. Phản ứng trước việc Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua 2 điều khoản luận tội, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc các nghị sĩ đảng Dân chủ ở nước này đã “cố tình vô hiệu hóa” chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng chỉ trích tiến trình này và nêu rõ: “Những gì diễn ra tại Washington D.C tối nay (18-12) là một điều hổ thẹn”, đồng thời nhấn mạnh đảng Dân chủ đang tìm cách luận tội Tổng thống Trump vì họ biết không thể đánh bại ông Trump.

Trước đó, Tổng thống Trump từ chối hợp tác với cuộc điều tra tại Hạ viện do các nghị sĩ đảng Dân chủ tiến hành, song, ông bày tỏ hy vọng về một quá trình trung thực trong Thượng viện. Ông Trump gọi mưu toan luận tội ông là “trò săn phù thủy” và tuyên bố ông không làm điều gì trái pháp luật mà chỉ đòi hỏi chính quyền Ukraine đấu tranh chống tham nhũng. Hôm 17-12, trong bức thư với lời lẽ rất gay gắt gửi tới Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, ông Trump cáo buộc cuộc luận tội mà đảng Dân chủ ở Hạ viện tiến hành “chẳng khác nào một nỗ lực đảo chính phi pháp và mang tính đảng phái”. “Các người không chỉ nhằm vào tôi trong vai trò Tổng thống mà còn tấn công cả đảng Cộng hòa. Nhưng chính vì sự bất công  khủng khiếp này, đảng Cộng hòa đang đoàn kết hơn bao giờ hết”, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định. 

Tổng thống Trump dường như cũng hiểu rằng bức thư của mình sẽ không có tác dụng đối với cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện, nhưng ông vẫn viết ra những lời lẽ đanh thép để chúng được đưa vào bộ tài liệu chính thức của vụ luận tội. “Tôi viết bức thư này vì lịch sử và muốn đưa suy nghĩ của mình vào hồ sơ vĩnh viễn, không gì có thể xóa nhòa được”, ông Trump tuyên bố.

Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời bà Pelosi tối 17-12 (giờ Mỹ) cho biết, bà “chưa đọc hết” bức thư của ông Trump. “Tuy nhiên, tôi hiểu được ý chính của nó và tôi thấy nó thực sự đáng ghê tởm”. Nữ Chủ tịch Hạ viện nói rằng, Tổng thống Trump đã “không cho các nghị sĩ một lựa chọn nào khác” ngoài việc phải luận tội ông.

Chờ phán quyết tại Thượng viện

Sau khi Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát biểu quyết tán thành luận tội ông Trump, vụ việc sẽ được đưa ra Thượng viện. Dự kiến, đầu năm tới Thượng viện sẽ mở phiên xét xử để quyết định xem có bãi nhiệm Tổng thống hay không. Chánh án Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ John Roberts sẽ đóng vai trò Chủ tọa phiên tòa, 100 Thượng nghị sĩ sẽ là bồi thẩm đoàn. 

Để kết tội Tổng thống Trump và phế truất ông khỏi vị trí cầm quyền đòi hỏi phải có 2/3 số Thượng nghị sĩ ủng hộ. Do đó, muốn phế truất ông Trump, đảng Dân chủ cần đảm bảo toàn bộ 47 Thượng nghị sĩ phe mình bỏ phiếu thuận, đồng thời thuyết phục thêm tối thiểu 20 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa về phía mình. Tuy nhiên, nhiệm vụ này dường như khá khó khăn, có thể là bất khả thi vì Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát và hiện tại đa số các nghị sĩ đảng Cộng hòa không có ý định bỏ phiếu chống lại Tổng thống.

Đa số Thượng nghị sĩ sẽ phải thống nhất quy tắc cho phiên tòa xét xử Tổng thống Trump. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Charles E. Schumer có thể sẽ thỏa hiệp trước về việc gọi nhân chứng nào tới để tránh tranh cãi kịch liệt trong khi xét xử. Các Thượng nghị sĩ sẽ tuyên thệ công tâm và làm việc 6 ngày/tuần cho tới khi bỏ phiếu về 2 điều khoản luận tội. Nếu Tổng thống Trump bị kết tội dù chỉ một điều khoản thì theo Hiến pháp, ông cũng bị phế truất. Thượng viện có thể bỏ phiếu ngăn ông không bao giờ được tranh cử nữa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị luận tội và những viễn cảnh chính trị ảnh 2Việc luận tội Tổng thống Trump cho thấy sự chia rẽ đảng phái sâu sắc tại Mỹ

Uy tín bị tổn hại nặng nề

Theo nhận định chung từ lâu nay trong giới chính trị Mỹ, nếu kinh tế đi lên thì Tổng thống hết nhiệm kỳ đầu sẽ tái đắc cử. Liệu “quy luật” này cũng sẽ đúng với ông Donald Trump? Không ai dám khẳng định. Tuy nhiên, dù có thất bại tại Thượng viện, dự thảo luận tội Tổng thống vẫn khiến uy tín của Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa tổn hại nặng nề. Ông Trump rõ ràng nhận thức được áp lực của việc luận tội đối với di sản của mình. Trong những tháng vừa qua, những người thân cận mô tả rằng ông Trump luôn căng thẳng khi nhắc tới viễn cảnh bị luận tội. Ông luôn cho rằng đây là một cuộc công kích cá nhân và nỗ lực nhằm cách chức ông hơn là một phán quyết công bằng về những gì ông làm.

Trước ông Trump, trong lịch sử nước Mỹ đã có 2 Tổng thống bị Hạ viện luận tội. Đó là Tổng thống Andrew Jackson bị luận tội năm 1868 vì sa thải Bộ trưởng Chiến tranh trái luật và vì chính sách tái thiết khu vực phía Nam sau cuộc Nội chiến Mỹ. Kế đến là Tổng thống Bill Clinton bị luận tội năm 1998 vì khai man và cản trở công lý trong vụ điều tra nghi vấn ông có quan hệ tình ái không đứng đắn với nữ thực tập sinh trẻ tuổi Monica Lewinsky tại Nhà Trắng. Cả 2 Tổng thống trên đều phải ra xét xử trước Thượng viện và sau đó được miễn tội. Năm 1974, Tổng thống Richard Nixon cũng bị điều tra luận tội về vụ bê bối Watergate nhưng ông từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu.

Trở lại vấn đề ông Trump bị luận tội, Julian Zelizer, một nhà sử học về các tổng thống Mỹ ở Đại học Princeton, nói: “Không thể nào đề cập tới nhiệm kỳ của ông Trump mà không nói tới việc luận tội bởi 2 từ đó đã gắn liền với lịch sử của ông. Tổng thống sẽ luôn xuất hiện trong những cuộc thảo luận về việc lạm dụng quyền lực và Ukraine sẽ là Watergate, là Lewinsky của tổng thống”.

Ngày 18-12, ngay trước khi Hạ viện Mỹ tiến hành bỏ phiếu, kênh truyền hình NBC News và Wall Street Journal đã công bố kết quả khảo sát ý kiến của 900 công dân Mỹ, theo đó, 48% số người được hỏi ủng hộ việc luận tội và cũng từng đó số người không ủng hộ động thái này. Cũng theo kết quả khảo sát, 90% những người ủng hộ đảng Cộng hòa được thăm dò phản đối việc luận tội ông Trump, trong khi 83% các thành viên đảng Dân chủ ủng hộ luận tội. Đối với những người có quan điểm độc lập thì 50% trong số họ ủng hộ luận tội và bãi nhiệm Tổng thống Mỹ, 44% không ủng hộ việc này.