Tổng thống Mỹ 2016: sẽ là Hillary Clinton?

ANTĐ - Cuối cùng sau một cuộc bầu cử được cho là cam go nhất, tốn kém nhất, nước Mỹ đã tìm ra được ông chủ Nhà trắng - Tổng thống  Barack Obama đã tái đắc cử và sẽ tiếp tục chèo lái nền kinh tế lớn nhất thế giới 4 năm tiếp theo. Song ngay từ thời điểm này, các nhà phân tích đã bắt đầu đồn đoán về chiếc ghế trong Nhà Trắng vào năm 2016. Giới phân tích cho rằng bà  Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ ra tranh cử. Đặc biệt là khi có thông tin rằng bà sẽ từ nhiệm vào đầu năm 2013.

Chia tay Obama để ... tái xuất

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã quyết định rời khỏi vị trí lãnh đạo trong nội các mới của ông Obama, nhưng việc lựa chọn người thay thế bà Clinton- một nhà ngoại giao xuất sắc- có thể sẽ là một trong những thách thức khó khăn nhất của chính quyền ông Obama tới đây. "Năng lực tỏa sáng là điều hết sức quan trọng cho vị trí này. Rất khó để theo kịp một người tài năng, được công chúng yêu thích và có tính quảng giao toàn cầu như bà Hillary Clinton" - Andrew Schwartz- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế chiến lược ở Washington, nói.

Các nhà phân tích chính trị đã đưa ra một danh sách các ứng cử viên tiềm năng cho vị trí này, bao gồm Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ John Kerry, Đại sứ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice và Cố vấn An ninh quốc gia Tom Donilon. 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton giữ lại quyết định từ nhiệm với lý do muốn nghỉ ngơi và dành thời gian cho cuộc sống riêng sau nhiều thập kỷ. Victoria Nuland, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố bà Clinton muốn trở lại đời sống dân sự “để nghỉ ngơi”, “suy ngẫm và viết sách”. Thế nhưng, tâm điểm hiện được công chúng quan tâm lại cho rằng bà Hillary Clinton sẽ ra ứng cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ít nhất đó là ý kiến của những người ủng hộ Đảng Dân chủ ở bang Iowa trong một cuộc thăm dò dư luận ngày 8-11. Cuộc thăm dò này đưa ra một danh sách 8 nhân vật Đảng Dân chủ có khả năng tham gia tranh cử Tổng thống năm 2016 trong đó có Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thống đốc bang New York Andrew Cuomo, những gương mặt sáng giá nhất để lựa chọn. Kết quả, 58% những người được hỏi bầu chọn cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton. Ông Biden chỉ được 17% phiếu bầu. Sáu người còn lại, không có người nào đạt quá 10%.

Bà Clinton, sau lần ứng cử Tổng thống năm 2008 bất thành trước đối thủ trẻ Barack Obama, từ năm ngoái đến nay đã nhiều lần tuyên bố không còn hứng thú với việc tranh cử Tổng thống và sẽ “từ giã chính trường”. Gần đây nhất, trong một bài phỏng vấn của nhật báo The Wall Sreet Journal, bà vẫn tuyên bố sẽ không ra ứng cử Tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, theo nhật báo Anh The Telegraph, bà lại nói một câu: “Lúc nào, tôi cũng muốn phục vụ Tổ quốc”. Một câu nói khiến nhiều người tin rằng ứng cử viên Đảng Dân chủ sắp tới không ai khác hơn là bà Hillary Clinton.

Cựu Tổng thống Bill Clinton, phu quân của Ngoại trưởng Mỹ, hồi tháng 4 rồi tuyên bố trên kênh truyền hình ABC News rằng ông sẽ tiếp tục ủng hộ phu nhân dù bà quyết định làm gì trong tương lai: “Tôi sẽ hạnh phúc nếu bà trở về nhà cùng tôi điều hành Quỹ Clinton cho đến cuối đời. Nhưng nếu bà ấy đổi ý và quyết định ra ứng cử, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc”. 

Trước những tuyên bố lấp lửng nói trên, nhiều người không tin bà Clinton  sẽ “trở về viết sách”. Không chỉ những nhà hoạt động chính trị mà cả người dân bình thường cũng nghĩ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 bà Hillary Clinton  sẽ “tái xuất giang hồ”. Andrew Cuomo, Thống đốc của New York, Phó Tổng thống Joe Biden, và Thống đốc Massachusetts Deval Patrick đã bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Clinton nếu bà tham gia tranh cử.

Bạn bè của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã thúc giục bà hãy khởi động cho chương trình tranh cử vào Nhà Trắng trong năm 2016 với cương vị là đại diện của đảng Dân chủ. Họ tin rằng bà Clinton có một cơ hội chiến thắng lớn. 

Những lý do để Hillary Clinton sẽ chiến thắng năm 2016

Theo phân tích của nhà báo Cathy Newman trên Đài truyền hình Anh Channel 4, điểm thứ nhất là bà được đông đảo quần chúng Mỹ ngưỡng mộ. Điều này đã được thể hiện rõ trong một cuộc thăm dò ý kiến giữa lúc cuộc vận động tranh cử Tổng thống 2012 bước vào giai đoạn quyết liệt nhất giữa ông Obama và ông Romney. Câu hỏi đặt ra là nếu ứng cử viên Đảng Dân chủ không phải là ông Obama mà là bà Clinton thì liệu bà Clinton có thắng không? 70% những người được hỏi khẳng định rằng bà Clinton sẽ thắng áp đảo Mitt Romney. 70% là tỉ lệ tín nhiệm cao nhất đối với một chính khách trong 20 năm qua trên chính trường Mỹ. Đó là một con số mà bất cứ chính trị gia Mỹ nào cũng mơ ước nhưng không dễ gì đạt.

Điểm thứ hai là lý lịch rất ấn tượng của bà Hillary Clinton. Bà từng trải nghiệm các vai trò đệ nhất phu nhân, thượng nghị sĩ bang New York và hiện nay là ngoại trưởng Mỹ. Những trải nghiệm này cho thấy chiều rộng và chiều sâu kinh nghiệm chính trường của bà.

Là một phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, bà đã chịu đựng búa rìu dư luận và đã vượt qua thị phi một cách ngoạn mục mà vụ bê bối Monica Lewinsky do chồng mình gây ra để không những quân bình được cuộc sống riêng tư, mà còn vượt qua để xây dựng cho mình một sự nghiệp vẻ vang và đầy ấn tượng khi là “một bà ngoại trưởng bình tĩnh, kiên trì và cứng cỏi, nắm chắc từng chi tiết vấn đề” như một nhà ngoại giao Anh từng làm việc với bà kể lại với nhà báo Cathy Newman.

Một số người băn khoăn về tuổi tác của bà nếu ra ứng cử Tổng thống năm 2016. Thế nhưng theo nhận định của nhà báo Anh nói trên, đó có thể là một vũ khí bí mật của bà Clinton. Còn nhớ, trong cuộc viếng thăm Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua, trong một buổi đại yến mạn đàm về tuổi tác của chính khách, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, đã phát biểu nửa đùa, nửa thật: “Bà vẫn còn trẻ nếu bà làm Tổng thống”. Năm 2016, bà Clinton sẽ bước sang tuổi 69. Những người ủng hộ trung thành của bà vẫn chưa hết quyết tâm. Họ cho rằng dù ở tuổi 65, Ngoại trưởng Clinton vẫn còn đủ trẻ, khỏe để tranh cử một lần nữa và chiến thắng.

Trong khi đó, với đảng Cộng hòa, hành trình tìm kiếm ứng viên Tổng thống còn gian nan hơn. Đảng này đang tìm kiếm một ứng cử viên chưa “lộ diện”  ngay từ sau cuộc bầu cử năm nay. Họ sẽ trải qua một cuộc “nội chiến” sau thất bại của Romney, giữa những người rất bảo thủ với nhóm người nắm quyền; giữa những bảo thủ về văn hóa với những người bảo thủ về kinh tế; những người theo chủ nghĩa dân túy và những người theo trường phái cũ. Đảng Cộng hòa không có một vị lãnh đạo nào thực sự nổi trội. Jeb Bush, cựu Thống đốc bang Florida, có thể là một cái tên được lựa chọn, nhờ vào bản thân tên cũng như tiền của của ông. 

Phái nữ lập kỷ lục trong Thượng viện Mỹ

Nữ giới chiếm một con số kỷ lục - lên tới 20 người - tại Thượng viện Mỹ (khoảng 1/5 Thượng viện) sau các chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử hôm 6-11. Hạ viện Mỹ cũng chứng kiến một sự biến động lớn trong số lượng nữ nghị sĩ khi có tới 76 nhân vật thuộc phái yếu giành phần thắng (gồm 56 thành viên Đảng Dân chủ và 20 thuộc Đảng Cộng hòa). Thú vị hơn là tất cả các nữ nghị sĩ này đều thắng lợi ở những bang mà trước đó thượng nghị sĩ là nam giới. Phụ nữ cũng liên quan khá nhiều trong cuộc bầu cử năm nay ở Mỹ. Trong đó, đáng chú ý là trong số những lá phiếu làm nên chiến thắng của ông Obama, có tới 55% đến từ phái nữ.