Tổng thống Iran thăm châu Âu: Luồng gió mới thổi vào "Lục địa già"

ANTĐ - Tuần qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có chuyến thăm châu Âu chính thức đầu tiên kể từ sau khi các lệnh trừng phạt kinh tế được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ. 

Tổng thống Iran thăm châu Âu: Luồng gió mới  thổi vào "Lục địa già" ảnh 1

Tổng thống Rouhani (trái) tại cuộc họp báo với người đồng cấp Hollande ở
Điện Elysee

Chuyến thăm được đánh giá sẽ thổi luồng gió mới vào “Lục địa già” bằng những hợp đồng kinh tế có giá trị giữa Iran và các nước châu Âu cũng như giúp khôi phục lại vị thế kinh tế của EU vốn bị nhiều cường quốc như Nga, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ chiếm chỗ trong những năm qua.

Lần đầu tiên trong 16 năm qua, một nhà lãnh đạo từ thế giới Hồi giáo đã đến thăm một thủ đô châu Âu để ký những hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ USD. Tehran đang thực sự biến thành một “ngưỡng cửa vàng” đối với châu Âu. Nhiều quốc gia đang muốn bước qua ngưỡng cửa đó, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, khi mà các quốc gia châu Âu không tránh khỏi tâm lý muốn cạnh tranh với Nga, vốn đang phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, trước hết trong lĩnh vực tài chính.

Sau thông báo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hồi tháng trước về việc Iran tuân thủ các quy định trong thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi tháng bảy năm ngoái, Mỹ và EU đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này. Động thái này được Tổng thống Hassan Rouhani đánh giá: “Kinh tế Iran đã được giải phóng khỏi xiềng xích trừng phạt, đã đến lúc bắt tay vào xây dựng và tăng trưởng”. Giờ đây, thị trường 80 triệu người tiêu dùng này đang chờ đợi làn sóng đầu tư từ nước ngoài để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cắt giảm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế đang bị vắt kiệt bởi giá dầu mỏ xuống thấp, lạm phát phi mã và thất nghiệp.

Tại Italia, Tổng thống Rouhani và người đồng cấp nước chủ nhà Sergio Mattarella đã chứng kiến lễ ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực  y tế, vận tải, nông nghiệp và năng lượng, với tổng giá trị lên tới 18,4 tỷ USD. Phát biểu sau lễ ký, Tổng thống Rouhani khẳng định thị trường Iran “tạo cơ hội để các nhà đầu tư Italia và châu Âu khẳng định vị thế tại Trung Đông. Iran đã hợp tác hiệu quả với Italia trong nhiều lĩnh vực và sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước để đảm bảo hòa bình cho Trung Đông”.

Sau khi rời Rome, ông Rouhani bay đến Thủ đô Paris của Pháp. Phát biểu trong cuộc gặp với giới lãnh đạo doanh nghiệp tại Paris và tại cuộc gặp với Thủ tướng Pháp Manuel Vall, Tổng thống Rouhani nêu rõ Iran “sẵn sàng sang trang” và thiết lập “mối quan hệ mới giữa hai nước”. Về phía Pháp, Thủ tướng Manuel Vall nhấn mạnh rằng “Iran có thể hy vọng vào Pháp”.

Pháp sẵn sàng cử đại diện các công ty, kỹ sư, nhà chuyên môn của nước này sang để giúp Iran hiện đại hóa đất nước. Sau cuộc gặp với Thủ tướng Manuel Vall, Tổng thống Hassan Rouhani cũng đã có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Francois Hollande. Tại cuộc gặp, ông Rouhani cho rằng Iran và Pháp nên trao đổi thông tin tình báo để chống “chủ nghĩa cuồng tín, khủng bố và cực đoan”.

 Trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai bên dự kiến sẽ ký kết một loạt thỏa thuận thương mại. Hãng sản xuất xe hơi Peugeot của Pháp tuyên bố sẽ quay trở lại thị trường Iran với một thỏa thuận 5 năm trị giá 400 triệu euro, mỗi năm Peugeot sẽ sản xuất 200.000 xe hơi trong một dự án chung với hãng sản xuất Khodro của Iran.

Tuần trước, Chủ tịch Tập đoàn Renault-Nissan, ông Carlos Ghosn, cũng đã công bố kế hoạch của tập đoàn nhằm thâm nhập thị trường Iran và khẳng định sẽ hiện diện nhiều hơn nữa tại Iran. Hãng Citroen - một nhà cạnh tranh khác của Pháp đã bán được 1 triệu chiếc xe hơi tại Iran - cũng đang thảo luận về một nhà máy lắp ráp mới trong quan hệ đối tác với hãng chế tạo ôtô Khodro của Iran. 

Ngược lại, Tehran nhắm mục tiêu phát triển quan hệ với hãng dầu mỏ Total của Pháp. Bên cạnh đó, Iran cũng không bỏ qua mong mỏi làm ăn giữa hãng Hàng không Iran Air và hãng chế tạo máy bay Airbus, với hy vọng Tehran sẽ có ít nhất 114 máy bay của tập đoàn chế tạo máy bay nổi tiếng châu Âu này.

Tuy hãng Airbus hiện không bình luận về thỏa thuận này, nhưng trước đó, giới chức Iran đã khẳng định trong những năm tới, Iran cần ít nhất 400 máy bay tầm trung, tầm xa và 100 máy bay loại nhỏ để nâng cấp các đội bay vốn đã trở nên lạc hậu sau hàng chục năm nước này bị cấm vận, cũng như để đáp ứng các tiêu chuẩn bay của nước ngoài trong thời gian tới. Hiện phần lớn các hãng hàng không Iran bị cấm bay vào châu Âu do không đáp ứng được những yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn bay. 

Tổng thống Rouhani bày tỏ hy vọng sẽ giành được khoảng 50 tỷ euro đầu tư của các công ty châu Âu trong năm nay. Trước đó, giới chức Iran cho rằng nếu thu hút được từ 30-50 tỷ euro sẽ giúp bảo đảm nền kinh tế Iran tăng trưởng 8% trong vòng một năm.