Tổng thống Donald Trump "tiến thoái lưỡng nan"

ANTD.VN -  Với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối, Thượng viện Mỹ ngày 27-7 đã nhất trí thông qua dự luật áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Động thái này đã đặt Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tình thế khó khăn khi buộc ông phải đưa ra một đường lối cứng rắn đối với Matxcơva hoặc phủ quyết dự luật này và chọc giận Đảng Cộng hòa của mình. 

Tổng thống Donald Trump "tiến thoái lưỡng nan" ảnh 1Tổng thống Donald Trump đang chịu sức ép mạnh mẽ từ giới lập pháp Mỹ trong quan hệ với Nga

Tổng thống Donald Trump lâm vào thế bí

Dự luật trừng phạt đã phá tan những hy vọng của ông Donald Trump về việc cải thiện quan hệ với Matxcơva trong bối cảnh chính quyền của ông đang bị điều tra về những nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 để tạo lợi thế cho ông Trump. Tổng thống Nga Vladimir Putin, người từng nhiều lần phủ nhận những kết luận của cơ quan điều tra Mỹ cho rằng Matxcơva đã can thiệp bằng cách sử dụng phương pháp chiến tranh mạng, đã dọa sẽ có biện pháp trả đũa đối với đạo luật này.   

Dự luật, trong đó có một điều khoản cho phép Quốc hội ngăn chặn mọi nỗ lực của ông Donald Trump nhằm nới lỏng các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Nga, sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn thành luật hoặc phủ quyết. Đây là dự luật chính sách ngoại giao lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời Tổng thống Donald Trump - người đã nỗ lực vật lộn để thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước mặc dù Đảng Cộng hòa của ông kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ đối với dự luật này tương phản rõ với sự tức giận của hai đảng trong cuộc tranh cãi về việc làm thế nào xem xét lại toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ. 

Nếu ông Donald Trump lựa chọn cách phủ quyết, dự luật này dự kiến sẽ thu được đủ sự ủng hộ ở lưỡng viện để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống và được thông qua thành luật. Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật trừng phạt với tỷ lệ phiếu áp đảo 419/3. Các Nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ đã đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt như một hành động đáp lại các cáo buộc bầu cử. Ông Donald Trump đã phủ nhận có bất cứ sự câu kết nào giữa chiến dịch tranh cử của ông và Mátxcơva.

Trước cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain, một nhân vật có tiếng nói hàng đầu trong Quốc hội Mỹ đang kêu gọi có một chiến lược vững chắc chống lại Nga, tuyên bố: “Mỹ cần gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Tổng thống Vladimir Putin và bất kỳ kẻ gây sự nào khác rằng chúng ta (Mỹ) sẽ không tha thứ cho các cuộc tấn công vào nền dân chủ của chúng ta”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Matxcơva sẽ chỉ quyết định về cách thức trả đũa chừng nào nhìn thấy văn bản cuối cùng của dự luật đề xuất trên. Dự luật này sẽ ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp của Nga và có thể làm tổn thương thêm cho nền kinh tế Nga, vốn đã bị suy yếu do lệnh trừng phạt được áp đặt năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crime. 

Một quan chức Nhà Trắng cho biết dự luật sẽ được xem xét lại, nhưng “chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt” đối với Nga. Một quan chức khác nhận định có thể phải mất hai ngày để dự luật được trình lên ông Donald Trump. Ông Donald Trump có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới vào bất cứ lúc nào.

Theo Edward Fishman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng phụ trách về chính sách trừng phạt của Mỹ trong chính quyền Obama tiền nhiệm, dự luật này không ngăn cản ông Donald Trump ban hành các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Một khi ông Donald Trump nhận được văn bản dự luật trên, nếu ông không ký nó, ông sẽ có 10 ngày (không tính chủ nhật) để quyết định trước khi phải dùng quyền phủ quyết và ngăn dự luật tự động trở thành luật. Nếu ông chọn cách phủ quyết, dự luật này có thể trở thành luật nếu 2/3 lưỡng viện Quốc hội bỏ phiếu vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống. 

Phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Phần Lan ngày 27-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Nga đang kiềm chế và kiên nhẫn, nhưng đến lúc nào đó chúng tôi sẽ phải trả đũa. Không thể chấp nhận mãi sự thô lỗ này đối với đất nước chúng tôi”. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhắc lại sắc lệnh của cựu Tổng thống Mỹ Obama hồi tháng 12 năm ngoái về việc tịch thu tài sản ngoại giao của Nga và trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga. Ông coi sắc lệnh này vượt ra ngoài mọi giới hạn. Và giờ đây, lệnh trừng phạt mới của Mỹ cũng hoàn toàn phi pháp theo quan điểm của luật pháp quốc tế. 

EU đứng ngồi không yên

Ngoài việc khiến Nga tức giận, dự luật trên cũng khiến cho Liên minh châu Âu (EU) thất vọng, bởi các biện pháp trừng phạt mới có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và thúc đẩy Nga hành động. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo Washington rằng EU đã sẵn sàng đáp trả một cách thích đáng trong vài ngày và cáo buộc chính quyền Mỹ phớt lờ quan điểm của châu Âu về vấn đề này. Đức và Pháp cũng chỉ trích hành động đơn phương của Mỹ. Berlin nhấn mạnh: “Mỹ không có quyền phán xét hay chỉ đạo cách thức các công ty châu Âu hợp tác với bất kỳ bên thứ ba nào”; trong khi Paris nói rằng: “Các lệnh trừng phạt này đi ngược lại luật pháp quốc tế do phạm vi áp dụng của nó”.

Thượng nghị sĩ Richard Black bang Virginia (Mỹ) cho rằng bản chất của các lệnh trừng phạt mới chống Nga là nhằm ngăn chặn dự án xây dựng đường ống dẫn dầu chung của Nga - Liên minh châu Âu (EU) “Dòng chảy phương Bắc II” và trói tay ông Donald Trump trong việc xây dựng quan hệ thương mại với Matxcơva.

Ông Richard Black cho rằng với việc thúc đẩy các lệnh trừng phạt Nga, Quốc hội Mỹ đang tìm cách sử dụng một công cụ chính trị để giành lợi thế kinh tế. Ông nhấn mạnh rằng Tổng thống Donald Trump đang hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ khi một mặt áp dụng nguyên tắc “nước Mỹ trên hết” để giải quyết tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại với các nước khác, và mặt khác lại “nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do với Nga.

Theo ông Richard Black, dù dự luật đã nhận được sự đồng thuận của giới lập pháp Mỹ, song mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ bởi “sẽ có sự phản ứng dữ dội từ phía EU”. Ông nói: “Có khả năng phản ứng dữ dội của EU sẽ khiến Thượng viện và Hạ viện phải cân nhắc một số điều chỉnh”.

Bàn về khả năng EU có phản ứng chung và cụ thể để chống lại Washington, ông Richard Black tỏ ý hoài nghi về khả năng tất cả 28 nước thành viên EU đủ sức đạt đồng thuận trong vấn đề này. Cũng theo ông Richard Black, dự luật này không buộc ông Donald Trump phải tiến hành các biện pháp trừng phạt trực tiếp liên quan tới dự án “Dòng chảy phương Bắc II”, bởi nó chỉ đơn thuần giúp nhà lãnh đạo Mỹ có khả năng đưa ra các quyết định như vậy. Với việc để ngỏ lỗ hổng cho ông Trump, các nhà lập pháp muốn thoái thác trách nhiệm của việc tiến hành biện pháp này, vốn không được EU chấp thuận. 

Ông Richard Black lập luận rằng với việc để Tổng thống đưa ra quyết định cuối cùng, Quốc hội về cơ bản muốn nhấn mạnh rằng điều mà họ đang làm là “rất nghiêm khắc” đến mức họ “cảm thấy lo lắng khi thực hiện, bởi vậy, nên để Tổng thống là người ra quyết định cuối cùng”.

Tuy nhiên, theo ông Richard Black, dù được trao cho cơ hội như vậy, ông Donald Trump cuối cùng có thể sẽ không áp đặt các đòn trừng phạt. Ông Black nói: “Chừng nào ông Trump còn được tự do hành động, ông ấy sẽ không đưa ra các lệnh trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc II bởi đó thực sự là vấn đề an ninh đối với châu Âu.” Ông nhấn mạnh rằng về phần mình, EU sẽ làm bất kỳ điều gì để loại bỏ các cản trở và trì hoãn đối với dự án này.

Ông Black nói: “Dự đoán của tôi đó là EU sẽ làm mọi thứ để thúc đẩy dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc II” và tôi cho rằng họ nên làm vậy bởi nó sẽ mang lại sự ổn định và an toàn cho người dân châu Âu. Ý định của các nhà lập pháp Mỹ nhằm kiểm soát chính sách năng lượng Mỹ là sai lầm vô cùng tồi tệ”.

“Mỹ cần gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Tổng thống Vladimir Putin và bất kỳ kẻ gây sự nào khác rằng chúng ta (Mỹ) sẽ không tha thứ cho các cuộc tấn công vào nền dân chủ của chúng ta”.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain

“Nga đang kiềm chế và kiên nhẫn, nhưng đến lúc nào đó chúng tôi sẽ phải trả đũa. Không thể chấp nhận mãi sự thô lỗ này đối với đất nước chúng tôi”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

“EU đã sẵn sàng đáp trả một cách thích đáng trong vài ngày và cáo buộc chính quyền Mỹ phớt lờ quan điểm của châu Âu về vấn đề này”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker