Tổng thống Donald Trump quyết không chùn bước và thể hiện quyền lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Phát biểu trước báo giới ngày 16-12, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany từ chối thừa nhận thất bại của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. “Tổng thống Donald Trump vẫn đang tiến hành các vụ kiện liên quan đến bầu cử. Cuộc bỏ phiếu đại cử tri chỉ là một bước trong quy trình được Hiến pháp quy định”, bà Kayleigh McEnany tuyên bố.

  • Những ngày cuối cùng trên đỉnh quyền lực của nhiệm kỳ, song song với các hành động pháp lý, ông Donald Trump cùng chính quyền Cộng hòa vẫn ráo riết thực hiện những bước đi cả về ngoại giao lẫn nội trị

    Những ngày cuối cùng trên đỉnh quyền lực của nhiệm kỳ, song song với các hành động pháp lý, ông Donald Trump cùng chính quyền Cộng hòa vẫn ráo riết thực hiện những bước đi cả về ngoại giao lẫn nội trị

Ông Donald Trump và đồng minh quyết không chùn bước

Ngày 15-12 (theo giờ Việt Nam), đại cử tri trên khắp nước Mỹ đã bỏ phiếu bầu Tổng thống lần thứ 46 của họ. Với 306 trên tổng số 538 phiếu, ông Joe Biden được các đại cử tri xác nhận sẽ là ông chủ Nhà Trắng đời tiếp theo. Tuy nhiên, kết quả này không khiến ông Donald Trump và đồng minh chùn bước. Cố vấn Cao cấp Nhà Trắng Stephen Miller cho biết Đảng Cộng hòa ở từng bang đã tập hợp nhóm các “đại cử tri dự khuyết” để bầu cho Tổng thống đương nhiệm.

Cụ thể, tại 5 bang chiến trường là Georgia, Pennsylvania, Wisconsin, Nevada và Michigan, nhóm đại cử tri dự khuyết của Đảng Cộng hòa đã gặp và bỏ phiếu cho ông Donald Trump. Theo luật pháp của Mỹ, đại cử tri dự khuyết là những người thuộc đảng đối lập với đảng của ứng viên được tuyên chiến thắng tại một bang. Ông Miller cho hay nhóm này sẽ bỏ phiếu “đại cử tri” cho ông Donald Trump và sẽ gửi kết quả cho Quốc hội liên bang để cơ quan này “đưa ra quyết định đúng đắn”.

Theo quy định, đến ngày 6-1-2021, lưỡng viện Mỹ sẽ tổ chức một cuộc họp chung, do Phó Tổng thống Mike Pence - Chủ tịch Thượng viện - chủ trì để xem xét kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn. Nếu các Nghị sĩ Quốc hội không phản đối bằng văn bản đối với chứng nhận phiếu đại cử tri, Chủ tịch Thượng viện sẽ chính thức xác nhận việc lựa chọn Tổng thống đắc cử, người sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2021.

Một số chuyên gia pháp lý về bầu cử đã phủ nhận tuyên bố trên của ông Stephen Miller và cho rằng hành động này sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào tới kết quả cuối cùng của bầu cử. Hầu hết tất cả các bang chiến trường, trừ Wisconsin, đã qua hạn cuối xác nhận kết quả bầu cử. “Những đại cử tri này không hề được chứng nhận bởi các quan chức bang hay được chỉ định bởi các nhà lập pháp bang. Họ không có bất kỳ quyền hợp pháp nào và điều này không ảnh hưởng tới việc đếm phiếu đại cử tri. Nhưng điều này cho thấy chiến dịch của ông Donald Trump sẽ tiếp tục coi chiến thắng của ông Joe Biden là phi pháp và khẳng định có gian lận trong hệ thống bầu cử Mỹ” - chuyên gia Luật Bầu cử Rick Hasen phân tích.

Một số lượng lớn Nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho rằng dù ông Donald Trump và đồng minh vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh giành chức Tổng thống kể cả sau khi đại cử tri bỏ phiếu, song những nỗ lực đó của họ chỉ củng cố vững chắc hơn nữa chiến thắng của ông Joe Biden. “Mỹ là quốc gia của pháp luật, và dựa trên Hiến pháp, dựa trên luật pháp, dựa trên những điều đã xảy ra và điều tòa đã tuyên bố, thì ông Joe Biden sẽ là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ” - Thượng Nghị sĩ Bill Cassidy cho hay.

Quyền lực đến những giây phút cuối cùng

Những ngày cuối cùng trên đỉnh quyền lực của nhiệm kỳ này, song song với các hành động pháp lý, ông Donald Trump cùng chính quyền Cộng hòa của mình vẫn đang ráo riết thực hiện những bước đi cả về ngoại giao lẫn nội trị, mà nếu muốn thay đổi, ông Joe Biden cùng Đảng Dân chủ sẽ phải tốn rất nhiều thời gian cũng như công sức.

Mới nhất, có thể kể tới việc Tổng thống đương nhiệm hăm dọa dùng quyền phủ quyết của Tổng thống để bác Đạo luật Chi tiêu quốc phòng Mỹ, đồng thời thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông mới với việc Morocco trở thành quốc gia Arab Hồi giáo tiếp theo bình thường hóa quan hệ với Israel.

Không chỉ vậy, ông Donald Trump còn ráo riết bổ nhiệm người ủng hộ và đồng minh vào những Ủy ban và Hội đồng cố vấn liên bang với vị trí và lợi ích đặc biệt. Cụ thể, ông Donald Trump đề cử hàng loạt tác giả từng viết sách ca ngợi ông vào một hội đồng cố vấn nghiên cứu giáo dục. Ông Michael Pillsbury, từng cố vấn không chính thức cho Tổng thống Donald Trump cho chính sách Trung Quốc, được Bộ Quốc phòng Mỹ bổ nhiệm vào Hội đồng cố vấn lãnh đạo Lầu Năm Góc về củng cố an ninh quốc gia.

Cựu cố vấn và quản lý chiến dịch tranh cử năm 2016 Kellyanne Conway được bổ nhiệm vào Hội đồng cố vấn khách mời cho Học viện Không quân Mỹ. Chủ tịch Liên đoàn Bảo thủ Mỹ Matt Schlapp - một trong những người đầu tiên ủng hộ những cáo buộc từ Tổng thống Donald Trump về gian lận bầu cử năm nay - được đưa vào Hội đồng ủy thác ngân sách Thư viện Quốc hội…

Ông Paul Light, chuyên gia về hệ thống liên bang và Giáo sư Đại học New York cho biết chiến lược bổ nhiệm hàng loạt nhân vật ủng hộ hoặc đồng minh có cùng quan điểm chính sách vào đội ngũ lãnh đạo nước Mỹ không mới và đã diễn ra trong hầu hết đời Tổng thống. Tuy nhiên, ông Paul Light nhận định: “Không ai làm điều này mang tính chính trị hóa cao như ông Donald Trump”. Còn Hãng tin AP (Mỹ) cho rằng một số vị trí mà ông Donald Trump bổ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của mình có thể để lại hệ lụy đáng kể.

Thượng Nghị sỹ John Thune

Thượng Nghị sỹ John Thune

Các Thượng Nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa đã bác bỏ ý tưởng lật ngược kết quả bầu cử Tổng thống 2020 tại Quốc hội Mỹ, trong bối cảnh một nhóm các Nghị sĩ trung thành với đương kim Tổng thống Donald Trump đang nung nấu kế hoạch đảo ngược kết quả kiểm phiếu đại cử tri tại Quốc hội vào ngày 6-1-2021.

Thượng Nghị sĩ John Thune cho biết các nhà lập pháp có quyền phản đối phiếu đại cử tri nhưng nỗ lực này sẽ không nhận được nhiều ủng hộ. Ông nêu rõ: “Đó là đặc quyền của họ, được cho phép trong Hiến pháp, nhưng sẽ không có kết quả”. Thượng Nghị sĩ John Cornyn cũng thuộc Đảng Cộng hòa cho rằng bất kỳ nỗ lực nào như vậy “sẽ là sai lầm tồi tệ” và sẽ gặp thất bại tại Thượng viện. Ông nhấn mạnh: “Sẽ đến lúc bạn phải nhận ra rằng dù đã cố gắng hết sức nhưng không thể thành công, đó là bản chất của những cuộc bầu cử này. Phải có kẻ thắng, người thua”. Ông đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có một sự chuyển giao quyền lực hòa bình từ Tổng thống Donald Trump.

Tới thời điểm hiện tại, ông Donald Trump vẫn từ chối chấp nhận thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng ngày 3-11 vừa qua và đã tiến hành hàng chục vụ kiện nhằm lật ngược kết quả chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden song hầu hết đều bất thành. Người dẫn đầu nỗ lực này là Hạ Nghị sĩ Đảng Cộng hòa ở bang Alabama Mo Brooks. Cùng với một nhóm đồng minh tại Hạ viện Mỹ, ông đang nhắm đến mục tiêu thách thức kết quả bầu cử ở năm bang gồm Arizona, Pennsylvania, Nevada, Georgia và Wisconsin, những nơi họ cáo buộc có hành vi gian lận hoặc bỏ phiếu bất hợp pháp với các mức độ khác nhau, dù chính quyền những địa phương này đã xác nhận kết quả và cũng không có bằng chứng về sự bất thường trên diện rộng.

Thượng Nghị sĩ John Cornyn

Thượng Nghị sĩ John Cornyn

Trong cuộc phỏng vấn với báo New York Times, ông Brooks nói: “Theo Hiến pháp, chúng tôi có vai trò cao hơn Tòa án Tối cao, hay bất kỳ thẩm phán bang hoặc liên bang nào. Những điều chúng tôi nói chính là phán quyết cuối cùng”.

Ngày 14-12, các đại cử tri của các bang đã tiến hành bỏ phiếu và xác nhận ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Kết quả bỏ phiếu của đại cử tri sau đó được gửi tới Quốc hội, nơi Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Mike Pence sẽ chủ trì phiên kiểm phiếu vào trưa 6-1-2021. Theo quy tắc trong Hiến pháp và Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887, quá trình này có thể được chặn tại Quốc hội nếu một Hạ Nghị sĩ và một Thượng Nghị sĩ cùng nhau đệ trình văn bản để phản đối việc kiểm phiếu của một bang.

Tuy nhiên, hiện chưa có Thượng Nghị sĩ nào của Đảng Cộng hòa công khai ủng hộ nỗ lực lật ngược kết quả kiểm phiếu vào phút chót của ông Brooks, dù một số đồng minh thân cận với Donald Trump, bao gồm Thượng Nghị sĩ Wisconsin Ron Johnson và Thượng Nghị sĩ Kentucky Rand Paul, từng để ngỏ vấn đề này. Ngay cả khi có Thượng Nghị sĩ tham gia kế hoạch này, các học giả Hiến pháp cho biết việc thách thức kết quả bầu cử tại Quốc hội sẽ vô cùng gian nan. Trong lịch sử bầu cử Mỹ từ năm 1887, chỉ hai lần văn bản phản đối được đệ trình, một lần vào năm 1969, do có một đại cử tri bất tuân và một lần vào năm 2005, về những bất thường trong bỏ phiếu ở bang Ohio. Tuy nhiên, cả hai nỗ lực đều gặp thất bại.