Tổng thống Dilma Rousseff bị phế truất: Brazil rơi vào vòng xoáy bất ổn

ANTD.VN - Đất nước Brazil đang rơi vào vòng xoáy bất ổn sau khi nữ Tổng thống được bầu hợp hiến Dilma Rousseff bị phế truất do nhà lãnh đạo này bị cáo buộc vi phạm Luật Ngân sách và Luật Trách nhiệm Tài chính.

Cảnh sát Brazil bắn hơi cay về phía người biểu tình ủng hộ bà Rousseff ở Sao Paulo

Biểu tình và đụng độ đã xảy ra liên tiếp tại nhiều nơi giữa những người ủng hộ bà Rousseff và lực lượng an ninh, báo hiệu một tương lai không mấy sáng sủa ở quốc gia Nam Mỹ này.

Bà Rousseff đã bị Quốc hội Brazil đình chỉ chức vụ từ ngày 12-5 để tiến hành quá trình xét xử bà với cáo buộc vi phạm Luật Ngân sách và Luật Trách nhiệm Tài chính. Ngày 31-8, với 61 phiếu đồng ý phế truất và 20 phiếu chống, Thượng viện Brazil đã chính thức bãi nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff trong phiên tòa chính trị xét xử người đứng đầu Nhà nước Nam Mỹ này.

Chánh án Tòa án Tối cao Brazil Ricardo Lewandowski đã thông báo kết quả bỏ phiếu và tuyên bố Tổng thống lâm thời Michel Temer chính thức trở thành Tổng thống sau lễ nhậm chức tại Quốc hội cùng ngày. Ông Temer sẽ thay bà Rousseff điều hành đất nước tới hết năm 2018. 

Sau khi bị phế truất, ngày 1-9, bà Rousseff đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao, yêu cầu hủy bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu luận tội bà tại Thượng viện. Theo đơn kháng cáo, do Luật sư Jose Eduardo Cardozo đệ trình, bà Rousseff yêu cầu tòa án: “Ngay lập tức chấm dứt hiệu lực quyết định của Thượng viện”. Bà Rousseff bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm kỷ luật tài chính, đồng thời cho rằng phiên luận tội của Thượng viện hoàn toàn không có cơ sở và những người buộc tội bà cũng không đưa ra bất cứ bằng chứng cụ thể nào cho thấy bà có dính líu tới hành vi tham nhũng. Theo chính trị gia này, việc bỏ phiếu bãi nhiệm bà là một cuộc đảo chính.

Nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra liên tiếp tại các thành phố của Brazil sau khi Thượng viện chính thức bãi nhiệm Tổng thống Rousseff. Ngày 1-9, cảnh sát đã phải sử dụng các biện pháp mạnh để giải tán đám đông biểu tình phản đối Chính phủ của tân Tổng thống Michel Temer ở thành phố Sao Paolo. Đám đông đã chặn các hoạt động ở đại lộ chính Paulista tại thành phố Sao Paolo, cũng như hô vang các khẩu hiệu phản đối Tổng thống Temer.

Ban đầu, cuộc tuần hành diễn ra hòa bình song một số vụ đụng độ đã xảy ra, buộc các lực lượng an ninh phải can thiệp để kiểm soát tình hình. Trong khi đó, truyền thông Brazil đưa tin người biểu tình cũng bị bắt giữ tại các thành phố trên cả nước sau khi ông Temer chính thức tuyên thệ trở thành Tổng thống Brazil thay bà Rousseff.

Trước đó, từ hôm 29-8, hàng nghìn người ủng hộ bà Rousseff đã biểu tình tại các thành phố lớn để phản đối phiên luận tội của Thượng viện. Theo cảnh sát Brazil, khoảng 2.000 người ở Brasillia và hàng trăm người ở Rio de Janeiro đã tuần hành trong hòa bình kêu gọi đưa bà Rousseff trở lại cương vị Tổng thống. Tuy nhiên, tại Sao Paulo, cảnh sát chống bạo động đã phải sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình quá khích. 

Bà Rousseff, 68 tuổi, bị cáo buộc sử dụng các khoản vay Nhà nước bất hợp pháp để bù vào sự thiếu hụt ngân sách và che giấu thực trạng nền kinh tế trong chiến dịch tái cử của bà năm 2014. Phe buộc tội tuyên bố rằng bà Rousseff thiếu trách nhiệm nên đã đẩy Brazil - nước đã từng rất phát triển vào tình trạng đi xuống.

Bà Rousseff cùng với người tiền nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva - người đã từng là một trong những Tổng thống được lòng dân nhất ở Brazil - bị phe cánh hữu đổ lỗi cho những trục trặc của nền kinh tế Brazil và bị cho là có dính líu tới một hệ thống tham nhũng khổng lồ vừa bị phát giác tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Kinh tế Barbosa và Giáo sư Luật Ricardo Lodi thuộc Đại học Rio là những nhân chứng biện hộ cuối cùng đã làm chứng rằng bà Rousseff không vi phạm luật hay gây tổn hại tới nền kinh tế Brazil - hiện đang lún sâu vào suy thoái. Lập luận tương tự cũng được tốp nhân chứng đầu tiên đưa ra hôm 26-8, cho rằng những thủ đoạn ngân sách như vậy đã có từ lâu và sự suy thoái kinh tế của Brazil hoàn toàn không liên quan gì. 

Tuy nhiên, tân Tổng thống Temer, người từng là cấp phó của bà Rousseff, khó có thể được lòng dân hơn bà Rousseff. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, chỉ khoảng 14% người dân Brazil cho rằng ông này đang làm việc tốt. Kể từ khi trở thành Tổng thống lâm thời sau khi bà Rousseff bị đình chỉ chức vụ, ông Termer đã nhanh chóng đưa Brazil rời xa phe cánh tả, thành lập một nội các trung hữu mới với một thông điệp thân thiện với thị trường rất được các nhà đầu tư hoan nghênh.

Mặc dù vậy, giới quan sát dự báo quyết định bãi nhiệm bà Rousseff sẽ châm ngòi cho bất ổn ở Brazil, đẩy nền kinh tế nước này càng chìm sâu vào khủng hoảng và hỗn loạn. Chính quyền của Tổng thống Temer cũng được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm tới bởi nền kinh tế Brazil đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng những năm 30 của thế kỷ trước.

Trong năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, đồng nội tệ Real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10% và nợ công tương đương 65% GDP. Ngân hàng Trung ương Brazil mới đây dự báo kinh tế nước này sẽ suy giảm 3,2% trong năm 2016. Bên cạnh đó, ông Temer cũng đứng trước nhiều nguy cơ chính trị bởi nhiều thành viên trong nội các đang trong diện điều tra vì tình nghi liên quan tới vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.