Tổng kiểm tra, rà soát công tác phòng cháy và chữa cháy trên toàn thành phố

ANTD.VN -UBND Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch kiểm tra, rà soát công tác phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho hàng hoá xen kẽ trong khu dân cư. 

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội diễn tập cứu hộ, cứu nạn

Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội: “Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng về số vụ, tính chất và thiệt hại không chỉ riêng TP Hà Nội mà ở nhiều thành phố lớn trên cả nước. Thực trạng hạ tầng xã hội còn nhiều bất cập: giao thông, ngõ ngách, làng nghề,…đan xen phức tạp, hạ tầng xuống cấp, lạc hậu dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao, môi trường cháy chất cháy gia tăng".

Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của người dân, người đứng đầu cơ cở còn hạn chế, chủ quan, mất cảnh giác, lơ là. Nhiều đơn vị chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà không quan tâm đến trang bị, an toàn phòng cháy, chữa cháy. Lực lượng tại chỗ còn tình trạng hạn chế về hoạt động, hiệu quả thấp. Không ít công trình xây dựng trước khi có luật phòng cháy, chữa cháy không bảo đảm điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, đây là vấn đề do lịch sử để lại. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy hiện nay mặc dù được tăng cường nhưng còn thiếu về số lượng và tính chuyên nghiệp và phát triển mạng lưới, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chung về khoảng cách chữa cháy.

CBCS Cảnh sát PCCC thực tập phương án cứu nạn người mắc kẹt bằng cáng dây

Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC, trong 9 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố đã xảy ra 590 vụ cháy. Trong đó có 7 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, 5 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, 112 vụ cháy trung bình, 446 vụ cháy nhỏ, 20 vụ cháy rừng. Những vụ cháy đã khiến 17 người chết, 8 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 170 tỷ đồng và 55ha rừng. So với cùng kỳ năm 2016 đã giảm 40 vụ cháy, tăng 13 người chết, giảm 5 người bị thương và tăng 70 tỷ đồng thiệt hại về tài sản.

Lực lượng thực tập phối hợp cứu nạn, cứu thương trong tình trạng khẩn cấn

Đưa ra nguyên nhân, tồn tại cơ bản về an toàn PCCC, đại diện Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội chia sẻ, hành lang pháp lý và cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, còn khoảng trống, lỗ hổng, trách nhiệm chính quyền các cấp, đứng đầu cơ sở và các ngành chức năng cần có giải pháp, buông lỏng tình hình sẽ phức tạp hơn.

Tuy nhiên để hạn chế tối đa cháy nổ, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều kế hoạch để triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, 3 kế hoạch trọng tâm, cơ bản nhằm giải quyết yêu cầu nhiệm vụ khách quan, cấp thiết, đã và đang thực hiện trong thời gian qua.

Chưa bao giờ công tác phòng cháy, chữa cháy được quan tâm chỉ đạo như thời gian qua. Chặn đứng, không để phát sinh thêm các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đã đưa dân vào ở. Hiện còn 58 công trình vi phạm đang được cơ quan chức năng tiến hành xử lý, yêu cầu khắc phục tồn tại,  tuy nhiên có nhiều khó khăn trong công tác khắc phục.