Tổng kết công tác điều tra vụ án “Phan Thị Thảo cùng đồng phạm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 12/8/2024, Công an tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết công tác điều tra vụ án “Phan Thị Thảo cùng đồng phạm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Thiếu tướng Rah Lan Lâm – Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị.

Kịp thời đấu tranh, bóc gỡ từ sớm các tổ chức phản động

Trung tướng Phạm Thế Tùng - Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị các các đồng chí Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an một số tỉnh, thành phố, các sở, ban, ngành của tỉnh Gia Lai và Trưởng các đơn vị nghiệp vụ có liên quan của Công an tỉnh, Trưởng Công an các huyện, thị xã, thành phố.

Trung tướng Phạm Thế Tùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Trung tướng Phạm Thế Tùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Báo cáo tổng kết nhấn mạnh: Đây là vụ án phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trong thời gian dài tại nhiều tỉnh, thành phố và trên không gian mạng.

Phan Thị Thảo là thành viên tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” (CPQGVNLT) được giao giữ vai trò, nhiệm vụ quan trọng; hoạt động cùng với Phan Thị Thảo có nhiều đối tượng ở nhiều tỉnh, thành, trong đó nhiều đối tượng đã từng bị gọi hỏi, giáo dục nhưng không từ bỏ tổ chức, vẫn tiếp tục hoạt động.

Quá trình điều tra, Công an Gia Lai đã bám sát các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thường trực Tỉnh ủy tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp công tác xác minh, điều tra, xử lý toàn diện, triệt để các yêu cầu, nhiệm vụ mà vụ án đặt ra.

Vụ án đã xử lý cơ bản số cơ sở, thành viên của tổ chức “CPQGVNLT” ở trong nước; đồng thời nhận diện làm rõ thêm về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động và tính nguy hiểm của tổ chức phản động “CPQGVNLT”.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Thế Tùng chỉ đạo Công an Gia Lai nhận thức rõ yêu cầu công tác đảm bảo an ninh chính trị, đấu tranh với các đối tượng phản động trong và ngoài nước trong thời gian tới, đặc biệt là kịp thời đấu tranh, bóc gỡ từ sớm các tổ chức phản động chống đối, tuyệt đối không để mất ANTT; tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong giữ vững ổn định an ninh chính trị, tuyên truyền để nâng cao cảnh giác trong quần chúng Nhân dân về âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động chống phá của các tổ chức phản động.

10 bị cáo lĩnh tổng mức án 100 năm tù

Trước đó, ngày 23/4/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Phan Thị Thảo cùng 9 đồng phạm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, tuyên phạt các bị cáo tổng mức án 100 năm tù.

Bị cáo Phan Thị Thảo (bên trái ngoài cùng) và các đồng phạm tại phiên tòa

Bị cáo Phan Thị Thảo (bên trái ngoài cùng) và các đồng phạm tại phiên tòa

Theo cáo trạng, từ tháng 2/2017, Phan Thị Thảo (sinh năm 1957; thường trú tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội; tạm trú tại Tổ dân phố 8, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) với tư tưởng chống đối chính quyền nên đã lên mạng Internet kết bạn với nhiều người có cùng quan điểm và bắt đầu nghiên cứu, chia sẻ những bài viết, hình ảnh về tổ chức khủng bố, phản động lưu vong “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” do Đào Minh Quân cầm đầu và vận động nhiều người đăng ký tham gia tổ chức.

Đến tháng 3/2021, Phan Thị Thảo đã sử dụng nhiều bí danh, chức vụ được tổ chức phản động này tự phong như: Viện trưởng Viện Chiêu hiền, Giám đốc Nha tổng Thanh tra quân lực Việt Nam cộng hoà; thành viên Viện nghiên cứu chính trị; đại biểu “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” khu vực Gia Định... và lôi kéo nhiều người tham gia.

Cùng hoạt động với Thảo còn có 9 bị cáo: Trần Thiện, Cao Thị Ngọc Diễm, Trần Huệ Chân Vương và Trần Thị Kim Loan (cùng trú tại TP. Hồ Chí Minh), Vũ Đình Lan (trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Tạ Văn Triệu (trú tại tỉnh Bến Tre), Huỳnh Thị Khánh Trang (trú tại tỉnh Kiên Giang), Trần Thọ và Cao Cương (cùng trú tại tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Các bị cáo đã lợi dụng triệt để các trang mạng xã hội, ứng dụng liên lạc qua Internet để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước; nói xấu chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; bôi nhọ lãnh tụ Hồ Chí Minh; đề cao, ca ngợi, suy tôn chế độ Việt Nam cộng hòa và tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”; sùng bái cá nhân Đào Minh Quân, thực hiện âm mưu phát triển lực lượng trong nước; tiến tới kêu gọi thực hiện “Trưng cầu dân ý” bầu Đào Minh Quân làm “Tổng thống” và tổ chức các hoạt động phá hoại sự phát triển của đất nước, gây mất an ninh chính trị, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền.

Tháng 6/2022, Cơ quan an ninh Công an tỉnh Gia Lai phối hợp cùng các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an nhiều tỉnh, thành tiến hành điều tra, bắt giữ Phan Thị Thảo và đồng bọn. Đồng thời thu giữ nhiều tang vật, tài liệu liên quan. Việc điều tra, bắt giữ các đối tượng tham gia tổ chức phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” đã kịp thời ngăn chặn tổ chức này mở rộng phạm vi chống phá vào trong nội địa, ổn định tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương.

Tại phiên tòa, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhận định: Bị cáo Phan Thị Thảo và Tạ Văn Triệu đóng vai trò quan trọng, tích cực giúp sức cho tổ chức khủng bố, phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện các thành viên khác nhằm xây dựng, phát triển tổ chức; lôi kéo, tuyển lựa, phát triển thành viên trong nước cũng như hỗ trợ các thành viên khác thực hiện ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước.

Nhiều người bị lôi kéo đa phần có trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức chính trị phiến diện, lệch lạc; một số không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn, bị các thành viên của tổ chức phản động này câu móc, tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo với những hứa hẹn viển vông, không có thật về việc cấp đất, nhà, hỗ trợ tiền bạc, vật chất, danh vọng hảo huyền…

Tại phiên tòa, trước những chứng cứ không thể chối cãi, các bị cáo đã cúi đầu nhận tội, bày tỏ hối hận trước hành vi sai trái của mình và mong muốn nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật.

Xét thấy, trong thời gian dài, hành vi của các bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đảng, Nhà nước và gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên tổng hình phạt cho 10 bị cáo là 100 năm tù giam: Phan Thị Thảo và Tạ Văn Triệu mỗi bị cáo 13 năm tù giam; Trần Thiện, Vũ Đình Lan, Hoàng Thị Khánh Trang mỗi bị cáo 12 năm tù; Trần Huệ Chân Vương, Cao Thị Ngọc Diễm mỗi bị cáo 9 năm tù giam; Trần Thọ, Trần Thị Kim Loan mỗi bị cáo 8 năm tù giam và Cao Cương 4 năm tù giam.

Bản án là bài học cảnh tỉnh cho những ai còn đang u mê tin theo luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền, kích động tham gia tổ chức khủng bố, phản động “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh, trật tự./.