Tổng Giám đốc là người đứng đầu cơ quan báo chí

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 4-11, ĐBQH Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đang  được dư luận quan tâm.
Tổng Giám đốc là người đứng đầu cơ quan báo chí ảnh 1

- Thưa ông, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này có những điểm gì mới và có theo đúng tinh thần quy hoạch báo chí?

- Quy hoạch báo chí là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.  Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) chính là việc cụ thể hóa trên tinh thần quy hoạch báo chí. Luật Báo chí (sửa đổi) được ban hành trong thời gian tới sẽ là căn cứ pháp lý để triển khai các nội dung đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, được nêu trong đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định mới như: Cấm thông tin về thân nhân, các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi chưa có căn cứ cho rằng những thân nhân, các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Dự án Luật Báo chí lần này nêu rõ, mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền đăng tải nội dung thông tin có tính chất báo chí trên truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nếu nội dung đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của đất nước thì đó là hành vi bị cấm...

- Có điểm mới trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này, đó là  quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc. Còn Tổng Biên tập là người chịu trách nhiệm về nội dung của cơ quan báo chí, theo ông quy định này có hợp lý?

- Một cơ quan báo chí hiện nay thường hướng tới mô hình đa phương tiện, có nhiều loại hình báo chí. Nhiều ý kiến đồng tình với  quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc, Giám đốc, phụ trách chung về mặt tổ chức thực hiện hoạt động báo chí. Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Cũng có ý kiến cho rằng, một cơ quan báo chí nhỏ mà có cả Giám đốc và Tổng Biên tập thì bộ máy thêm cồng kềnh và Tổng Biên tập chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng không phải người đứng đầu thì rất khó thực hiện công việc, khó quy trách nhiệm.

Theo tôi, quy định này phù hợp với các cơ quan báo chí lớn, đa phương tiện và trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cũng nói rõ Tổng Giám đốc là người đứng đầu cơ quan báo chí có thể kiêm chức vụ Tổng Biên tập. Đây là quy định tiến bộ, giúp quản lý báo chí tốt hơn. Sắp tới Quốc hội sẽ thảo luận kỹ vấn đề này và các cơ quan báo chí cũng cần đóng góp ý kiến để hoàn thiện các quy định trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này.

- Thời gian qua, số nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp tăng lên, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này có tạo được cơ chế để bảo vệ nhà báo an toàn hơn không, thưa ông?

- Luật Báo chí trước đây đã quy định rõ không ai có quyền hạn chế, ngăn cản hoạt động báo chí. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cũng tiếp tục khẳng định điều đó. Những  quy định cụ thể như bảo vệ nguồn tin, bảo vệ các hoạt động của nhà báo được giữ nguyên như Luật Báo chí trước đây.

Chúng tôi thấy đó là những quy định đã tương đối đầy đủ. Để bảo vệ quyền lợi của nhà báo, chúng tôi cũng mong muốn đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để mỗi hội viên Hội Nhà báo luôn tác nghiệp chính xác, đúng với đạo đức nghề nghiệp, đó cũng là một cách quan trọng để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Hội Nhà báo Việt Nam sắp tới phải có những quy định đạo đức nghề nghiệp chặt chẽ hơn, đảm bảo hành nghề cho phù hợp.

- Xin cảm ơn ông!