Tổng cục Thuế: Doanh nghiệp trong nước cũng chuyển giá lẫn nhau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Tổng cục Thuế cho rằng, quy định áp trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) áp dụng không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, bởi bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng có sự chuyển giá lẫn nhau.

Ngân sách phải hoàn 4.785 tỷ đồng cho doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP).

Trong đó, điểm đáng chú ý Nghị định 132 kế thừa quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP (Nghị định 68) ngày 24/6/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20, nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay và mở rộng đối tượng được miễn áp dụng quy định khống chế.

Cùng với đó, Nghị định 132 còn mở rộng một số đối tượng loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ, đồng thời, bổ sung quy định về nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia…

Trước đó, Nghị định 20 quy định mức trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN là 20%. Quy định này được cho là nhằm quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết, chống hoạt động chuyển giá, nhất là đối với các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên lại khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lao đao khi phải nộp thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế.

Bộ Tài chính sau đó đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 68, nâng mức trần này lên 30%. Tính toán của cơ quan soạn thảo cho thấy, quy định hồi tố năm 2017, 2018 đối với nội dung này, đồng thời cho bù trừ với lãi tiền gửi, tiền cho vay, dự kiến số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ cho doanh nghiệp vào khoảng 4.785 tỷ đồng.

Doanh nghiệp trong nước cũng có chuyển giá

Trả lời câu hỏi liệu quy định không chế trần chi phí lãi vay có “đánh chuyển giá nhầm đối tượng”, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định khi xây dựng chính sách quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết, cơ quan soạn thảo không phân biệt doanh nghiệp liên kết trong nước hay với nước ngoài. Đây là xu hướng chung trong hoạt động chống chuyển giá của quốc tế.

Chính phủ đã nâng trần chi phí lãi vay lên 30%, thay vì mức 20% tại Nghị định 20

Chính phủ đã nâng trần chi phí lãi vay lên 30%, thay vì mức 20% tại Nghị định 20

Theo ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hiện nay, ngay bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng đã vươn ra đầu tư nước ngoài, vì vậy, cũng phải tuân theo các quy định chống chuyển giá.

Hơn nữa, đặc thù của nước ta là có nhiều chính sách ưu đãi theo địa bàn, lĩnh vực, trong khi một tập đoàn trong nước hiện nay cũng đầu tư đa lĩnh vực.

“Khi có sự chênh lệch thuế suất giữa các lĩnh vực có quan hệ liên kết thì sẽ phát sinh chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp, pháp nhân hay địa bàn có thuế suất cao sang thuế suất thấp. Kể cả trong trường hợp không có chênh lệch thuế suất thì doanh nghiệp vẫn có hoạt động chuyển giá, là do các hoạt động, lĩnh vực thời điểm này, thời điểm khác có doanh nghiệp lãi, doanh nghiệp lỗ, vì vậy họ có thể chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp lỗ” – ông Đặng Ngọc Minh nói.

Do vậy, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng không chỉ các doanh nghiệp FDI mà bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng có sự chuyển giá lẫn nhau, vì vậy Nghị định 132 sẽ điều chỉnh tất cả các quan hệ đó.

Nói về lý do vì sao các doanh nghiệp FDI im ắng, trong khi doanh nghiệp trong nước liên tục phản ứng trước đó, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, quá trình xây dựng Nghị định 20, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất tích cực tham gia đóng góp. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI phần lớn đã thực hiện theo các tiêu chuẩn của BEPS, vì vậy, các quy định tại Nghị định 20 không phải cái gì mới lạ đối với họ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước không tham gia đầy đủ, toàn diện, không theo sát các nội dung khi xây dựng chính sách, do vậy, khi ban hành Nghị định đã phát sinh vướng mắc, nhất là về quy định khống chế trần chi phí lãi vay.

“Tuy nhiên khi nắm bắt được khó khăn của doanh nghiệp trong nước, chúng tôi đã ban hành Nghị định 68 để sửa đổi khoản 3 điều 8 của Nghị định 20, đồng thời áp dụng hồi tố cho giai đoạn 2017, 2018. Sau khi ban hành Nghị định 68, cơ bản các doanh nghiệp không còn ý kiến nữa”.