Tôn vinh những “chiến sỹ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù một số cá nhân sai phạm đã bị bắt và xử lý trước pháp luật, song không thể phủ nhận những tấm gương ngời sáng của các “chiến sỹ áo trắng” đã tận tâm, tận lực, không quản ngại vất vả, hiểm nguy trên tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Những hình ảnh các nhân viên y tế lả đi vì kiệt sức trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã khiến người dân cả nước hết sức cảm phục, xúc động

Những hình ảnh các nhân viên y tế lả đi vì kiệt sức trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã khiến người dân cả nước hết sức cảm phục, xúc động

Chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”

Theo chương trình của Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong các câu hỏi đặt ra với “tư lệnh” ngành y tế nước nhà, một số đại biểu Quốc hội đã chất vấn về điều “rất đau xót” là khi cả nước đang phải căng sức chống đại dịch Covid-19 vẫn có những cán bộ y tế vướng vòng lao lý vì liên quan đến công tác đấu thầu, giá thuốc.

Những vụ án, tiêu cực xảy ra trong ngành y tế thì đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất chính là bệnh nhân. Họ phải chịu thêm thiệt hại về vật chất, mất thêm chi phí khám chữa bệnh bên cạnh nỗi đau về thể xác. Những chất vấn cũng muốn làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp của Bộ chủ quản, điển hình như vụ án, tiêu cực xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế các tỉnh/thành phố Hà Tĩnh, Cần Thơ, Sơn La…

Với trách nhiệm là “tư lệnh” ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế đồng cảm, chia sẻ với vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, đồng thời khẳng định những vi phạm phải xử lý nghiêm trước pháp luật. Người đứng đầu Bộ Y tế nêu rõ, có nhiều nguyên nhân dẫn tới vi phạm của một số cán bộ y tế, trong đó lý do cá nhân. Có thể nói, cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế thế giới nói chung, trong đó có nước ta. Nó tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đó cũng là thời gian thật sự khó khăn, thử thách trong lịch sử của ngành y tế Việt Nam khi cùng lúc phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ với quan điểm “Sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhìn nhận trách nhiệm, đưa ra giải pháp khắc phục khi nhấn mạnh, sẽ rà soát lại những quy định pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trong ngành; ngăn ngừa, đấu tranh, xử lý các vi phạm, thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trong trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế cũng khẳng định, đây không phải do các lỗi về cơ chế, hệ thống. Các vi phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế diễn ra - nhất là các vụ tại các bệnh viện lớn - đều là do lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm.

Tri ân những cống hiến, hy sinh

Có thể khẳng định, những cán bộ y tế vi phạm pháp luật, bị bắt giữ, xử lý, truy tố, kết án trong các vụ án, tiêu cực vừa qua chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Đó chỉ là thiểu số ít ỏi trong hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế ở trên tuyến đầu phòng chống dịch. Đã có rất nhiều y bác sỹ không quản ngại gian nan, vất vả, hiểm nguy để chiến đấu với dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân trong ngót 2 năm qua.

Ngành y đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kết thành một khối vững chắc, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19. Hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tuyến Trung ương và địa phương trong suốt hơn 5 tháng qua đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng công an, quân đội, tình nguyện viên, xung phong vào các điểm nóng, phát huy tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc.

Những đôi bàn tay nhăn nheo vì “ngâm” mồ hôi trong đôi găng cao su, những gương mặt cháy đỏ vì cả ngày phơi nắng, hay những thân hình gục xuống vì kiệt sức của các “chiến sỹ áo trắng” đã lay động biết bao trái tim người dân cả nước. Cùng với đó là những câu chuyện đầy xúc động về những gia đình cả 2 vợ chồng là bác sỹ xung phong vào tâm dịch; những nữ thầy thuốc gửi con nhỏ cho người nhà chăm sóc để tới những miền đất xa cứu chữa bệnh nhân; những nhân viên y tế âm thầm chôn chặt nỗi đau mất người thân và không về chịu tang chỉ để ở lại phục vụ người bệnh...

Các “chiến sỹ áo trắng” đã chiến đấu chống dịch Covid-19 gấp 2-3 lần sức lực của mình. Họ không những vượt qua khó khăn để cứu người trong hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu thốn, mà còn phải chịu nhiều áp lực khi số lượng bệnh nhân tăng quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều người cùng lúc. Bên cạnh đó là những gian khổ khi phải xa gia đình, người thân, làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm và căng thẳng.

Song những khó khăn ấy đều không cản trở được tinh thần của người thầy thuốc. Tất cả họ đều sẵn sàng đón nhận rủi ro, cống hiến hết mình, phát huy sáng tạo, đoàn kết hiệp lực để chiến thắng dịch bệnh. Hàng nghìn cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đã bị phơi nhiễm Covid-19, có người đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Dù dịch Covid-19 hiện còn diễn biến phức tạp, nhưng với quyết tâm, nỗ lực của cả đất nước, chúng ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Đó là dịch bệnh nguy hiểm được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Trong thành công này, có những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh lớn lao của các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên và cán bộ y tế. Đất nước luôn tri ân những hy sinh và tôn vinh những “chiến sỹ áo trắng” vững vàng trên vị trí tuyến đấu phòng chống đại dịch để bảo vệ nhân dân.