Tôn vinh cái đẹp

ANTD.VN - Những ngày này cách nay mấy chục năm, dân gian gọi là “Ngày hiến cam các nhà giáo”, có cân cam biếu các thầy cô, người dạy con mình cái chữ, dạy lẽ làm người, thế mà nỡ giễu cợt, chả ra thể thống gì.

- Đúng vậy, bây giờ nó còn biến tướng muôn hình vạn trạng, vô khối cha mẹ học sinh coi ngày này là ngày để bày tỏ sự cảm ơn thì ít mà để chạy chọt, nhờ vả thì nhiều. Buồn!

- Cho nên nhiều thầy cô chân chính, có lòng tự trọng đã đóng cửa không tiếp khách, nếu có thì cũng chỉ nhận hoa, còn nói không với quà và phong bì.

- Thật đáng quý, chứ cứ thấy thỉnh thoảng trên truyền thông, trên mạng xã hội lại làm ầm lên một vụ thầy cô giáo đánh học sinh, học sinh đánh cãi lại thầy, nghe thấy nản và rất hoang mang.

- Ôi dào, ông còn lạ gì đám kền kền ăn xác chết trên mạng nữa. Nghề nào chả có vài người vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhưng cái chính là phải nhìn thấy cái toàn thể, cái chung tốt đẹp để mà yêu, mà tin, mà tôn vinh.

- Chính xác. Tôi đã từng đến nhiều điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, thấy cảm phục các thầy cô ở đấy, khó khăn trăm bề, từ cơ sở vật chất đến vận động học sinh tới lớp... nhưng họ vẫn làm và làm tốt với tấm lòng yêu trẻ và lương tâm nghề nghiệp.

- Và những thầy cô nuôi dạy trẻ khuyết tật, với họ còn là một tình thương, dạy được một trẻ nào biết cầm cây bút, biết viết, biết vẽ - dù là vài dòng nguệch ngoạc thì với họ đó đã là một niềm hạnh phúc lớn.

- Và những ngày này những người thầy ấy không có những món quà vật chất đáng giá. Quà mà học sinh tặng họ là những bức tranh tự vẽ, là những bông hoa rừng, là những nụ cười trong veo.

- Không gì quý hơn những món quà ấy ông ạ và họ còn nhận được sự tôn vinh của xã hội, của những người tử tế.