Tôn trọng sự tiếc thương!

ANTD.VN - Sửng sốt và tiếc nuối là cảm xúc của rất nhiều người trên Trái đất khi chứng kiến Nhà thờ Đức Bà tại Paris bốc cháy và nhiều hạng mục đã đổ sập xuống trong biển lửa. 

Tôn trọng sự tiếc thương! ảnh 1Bàng hoàng, đau xót và tiếc nuối khi chứng kiến Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa  

Sỡ dĩ sự tiếc thương được lan tràn ra nhiều quốc gia, chạm đến trái tim của nhiều người là bởi giá trị mà công trình này tạo ra, không chỉ với nước Pháp mà cả với nhân loại. 

Đây là công trình tôn giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic ở Pháp, cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris. Công trình 850 năm tuổi này là nơi lưu giữ nhiều bức họa nổi tiếng và là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch hàng đầu ở Thủ đô Paris của nước Pháp. Ước tính có 13 triệu người đến thăm Nhà thờ Đức Bà Paris mỗi năm từ khắp nơi trên thế giới. Thậm chí, đối với nhiều người sinh ra, lớn lên và đang sống tại Paris, Nhà thờ Đức Bà được xem là trái tim của “kinh đô ánh sáng”, là thánh đường của mọi thánh đường tại Pháp.

Đối với người Việt, Nhà thờ Đức Bà Paris còn được biết đến qua tác phẩm “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà” của đại văn hào Victor Hugo viết năm 1831. Thậm chí, với những gì đã diễn ra với trái tim của “kinh đô ánh sáng”, những người đã từng đọc qua tiểu thuyết này có thể liên tưởng đến một trong những đoạn viết miêu tả về đám cháy đối với nhà thờ trong tác phẩm: “Mọi ánh mắt đều hướng lên đỉnh nhà thờ, chứng kiến cảnh tượng kinh ngạc. Trên đỉnh của phòng trưng bày cao nhất, cao hơn cửa sổ hoa hồng trung tâm, có một ngọn lửa lớn dữ dội bốc lên giữa hai gác chuông. Bên dưới ngọn lửa, dưới những lan can ảm đạm, hai ống máng bằng đá như mồm hai con quái vật đang phun không ngớt cơn mưa lửa... Hàng loạt bức tượng quỷ dữ và rồng đau đớn trong biển lửa. Ánh sáng từ ngọn lửa dữ dội phản chiếu lên mắt chúng... Một sự câm lặng kinh hoàng giữa đám ăn mày. Tất cả âm thanh còn lại là tiếng kêu báo động của những linh mục bị nhốt trong tu viện”. 

Tiếc thương là biểu hiện cảm xúc của mỗi cá nhân. Đây là điều mà người khác không thể đo đếm hay phân biệt được thật giả. Có một nguyên lý rất phổ biến trong đời sống, được kêu gọi nhiều lần đó là “tôn trọng sự khác biệt”… Nhưng vượt lên trên sự khác biệt đó là sự tôn trọng, song hành với sự tôn trọng là sự hòa hợp. 

Tình tiết trong tiểu thuyết bỗng dưng có sự trùng hợp với thực tế khi nhà thờ bị lửa lần lượt thiêu rụi. Nhưng có một điều chắc chắc nhà văn Victor Hugo chưa thể hình dung ra ở thời điểm viết “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà”, đó là không chỉ mọi ánh mắt đều hướng về nhà thờ, mà cả mạng xã hội Facebook cũng tràn ngập sự tiếc thương, nước mắt và cả những tấm hình kỷ niệm của chủ nhân trang Facebook với nhà thờ cổ kính này. Sự chia sẻ trên cũng nhanh chóng châm ngòi cho những tranh cãi giữa tiếc thương và khoe mẽ, giữa nước mắt và sự hả hê. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ khi bày tỏ đã rơi nước mắt về đám cháy cũng bị gọi là những giọt “nước mắt cá sấu” hay “nhỏ lệ… câu like”. 

Tiếc thương là biểu hiện cảm xúc của mỗi cá nhân. Đây là điều mà người khác không thể đo đếm hay phân biệt được thật giả. Có một nguyên lý rất phổ biến trong đời sống, được kêu gọi nhiều lần đó là “tôn trọng sự khác biệt”. Trong đời sống, mỗi con người là một cá thể riêng nhất, không có một sự đồng nhất nào về cảm xúc hay lý trí của bất kỳ ai, người ta chỉ có thể tìm ra được những tương thích nào đó để kết hợp lại hoặc gắn bó, hoặc sẻ chia. Nhưng vượt lên trên sự khác biệt đó là sự tôn trọng, song hành với sự tôn trọng là sự hòa hợp. 

Tôn trọng sự tiếc thương! ảnh 2Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Cảm xúc của mỗi người với một cá nhân, hoặc một sự việc hiện tượng nào đó trong xã hội là điều không thể ngăn trở, nhưng nếu nó được bộc lộ ra ngoài với người khác và với cộng đồng lại là một câu chuyện khác. Ví dụ khi một người nào đó qua đời, người ta không thể cấm ai đó đau buồn hay hoan hỉ, nhưng nếu sự hoan hỉ đó được bộc lộ ra ngoài có thể bị lên án - đó được coi là hành động khiếm nhã trước đau thương và mất mát. 

Chia sẻ về sự tiếc thương của người Việt trong đám cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris chắc chắn sẽ cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng sự tiếc thương đó cũng có căn nguyên của nó và xứng đáng được tôn trọng! 

Ai đó có thể so sánh sự mất mát một phần di sản của nước Pháp, một đám cháy như xé toạc trái tim của xứ sở hoa lệ này với những cái chết của con người ở đâu đó trên thế giới. Con người hay di sản đều có trọng lượng về sự mất mát trong trái tim mỗi người, nhưng di sản hiện hữu hơn về cảm xúc với những tác động trực diện, đó có thể là một công trình vĩ đại ai đó đã đặt chân đến, lưu lại một bức hình trong chuyến viếng thăm, đó có thể là biểu tượng trong cuốn tiểu thuyết “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà”, sự mất mát không sờ vào được nhưng cảm nhận được bởi sự gần gũi và thân thiết. 

Đau thương không thể định lượng và phân biệt được thật giả, nhưng cũng như tôn trọng sự khác biệt, hãy tôn trọng tiếc thương của mỗi người, nhất là đối với một công trình mà giá trị của nó đương nhiên phải được được tiếc thương!