Tôn trọng quyền phúc quyết của nhân dân

ANTĐ - Sau khi nghiên cứu những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng đã đóng góp một số ý kiến quan trọng.

Khẳng định niềm tin của nhân dân với Đảng

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 lần này đã bổ sung vào Điều 4 hai đoạn hết sức quan trọng. Đó là: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” ,và “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Trải qua trên tám thập kỷ lãnh đạo nhân dân ta, Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chủ tịch sáng lập đã đưa đất nước ta từ chỗ bị nô lệ, nghèo nàn, lạc hậu đến vị trí một quốc gia được thế giới tôn trọng và nhân dân được sống trong một môi trường độc lập, thống nhất với cuộc sống ngày một được cải thiện về mọi mặt. Vì vậy, những tiêu chí, mục đích của Đảng luôn phải vững vàng về chính trị, tư tưởng, thống nhất cao về ý chí, hành động, chặt chẽ về tổ chức và được sự ủng hộ của đại bộ phận nhân dân. Chỉ có như vậy Đảng mới có thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Việc điều chỉnh quy định được thể hiện trong Điều 4 Hiến pháp sửa đổi lần này chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân và khẳng định được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Quyền tự do của người dân

Về các quyền cơ bản của người dân: Hiến pháp 1946 do Hồ Chủ tịch đích thân chỉ đạo đã ghi rõ: “Điều thứ 10: Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; Tự do xuất bản; Tự do tổ chức và hội họp; Tự do tín ngưỡng; Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Dự thảo Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 trong Điều 24 (giữ nguyên Điều 68) nêu: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật” và Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69): “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Pháp luật có thể thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng Hiến pháp là bộ Luật gốc, cần được duy trì nhiều năm và là công cụ đắc lực để chống lại mọi cách xử sự vi hiến. Tôi cho rằng nên sửa dòng “theo quy định của pháp luật” bằng nội dung “nếu các quyền tự do đó không đi ngược lại với nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân”.

Về các nội hàm liên quan đến Chủ nghĩa Mác-Lê và Chủ nghĩa xã hội... đã có rất nhiều học giả phân tích tính khoa học, tính thực tiễn, tính quốc tế của các nội hàm này. Vì vậy, tôi mong rằng các nhà lãnh đạo nên xem xét với tinh thần khoa học mọi ý kiến của các học giả có uy tín và có thiện chí để cân nhắc thấu đáo thêm về các nội hàm này, sao cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này có thể tồn tại lâu dài trước các biến cố của thời đại. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung trong Hiến pháp điều khoản về “quyền phúc quyết của nhân dân” đối với Hiến pháp và các việc trọng đại của đất nước. Đồng thời, xác lập nguyên tắc các vấn đề trọng đại nhất thiết phải đưa ra cho nhân dân phúc quyết để làm cơ sở xây dựng một đạo luật quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền phúc quyết của toàn dân. Ngoài quyền phúc quyết còn có thể tách từ Điều 53 Hiến pháp 1992 thành điều khoản riêng quy định về “Quyền biểu quyết của nhân dân khi Nhà nước trưng cầu ý dân” về việc sửa đổi Hiến pháp và các vấn đề trọng đại quốc gia. Quy định về phạm vi các vấn đề phải trưng cầu dân ý, nguyên tắc thực hiện trưng cầu dân ý làm cơ sở để tiến tới xây dựng một đạo luật cụ thể hóa cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý. 

Nguyên tắc quản lý kinh tế của Nhà nước

Việc thừa nhận và đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường trong Hiến pháp năm 1992 đã tạo điều kiện cho nước ta thoát khỏi khủng hoảng, phát triển mạnh mẽ và chủ động hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trước những bất cập của Hiến pháp năm 1992 về chế định kinh tế, việc sửa đổi Hiến pháp lần này, bên cạnh việc tiếp tục khẳng định và làm rõ vai trò “định hướng xã hội chủ nghĩa” đối với nền kinh tế, đã khẳng định: “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” (Điều 54 của dự thảo Hiến pháp mới). Điều 55 của dự thảo Hiến pháp mới nêu rõ nguyên tắc quản lý kinh tế của Nhà nước: “1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân. 2. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế”.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đã nêu rõ việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển nền kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết nền kinh tế thông qua các chính sách cụ thể chứ không can thiệp sâu vào nền kinh tế… Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định. Hiến pháp là sự kết tinh trí tuệ của toàn dân tộc, vì vậy, mặc dù đã được chuẩn bị công phu, nhưng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn cần có sự đóng góp của toàn Đảng, toàn dân.