Tồn kho bất động sản

ANTĐ - Hiện Hà Nội có 20.000ha đất giao cho các dự án, nhưng rất may không phải dự án nào cũng thực hiện được. Với những dự án chưa giải phóng mặt bằng, nếu không phải công trình bức thiết thì cho dừng lại. Với những dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa làm hạ tầng, nếu chỉ là nhà ở thì giữ lại chưa cho làm. Để tránh tình trạng đất bỏ hoang nên có chính sách để khuyến khích nhà đầu tư cho dân thuê lại đất để trồng rau, canh tác. Với những căn hộ đã xây rồi nhưng chưa bán được thì nên xem xét từng trường hợp cụ thể cho chia nhỏ căn hộ để bán.

Ông Bộ trưởng còn khẳng định, việc chuyển nhà thương mại sang nhà ở xã hội không phải nộp tiền sử dụng đất là một bước đột phá mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn, bế tắc của thị trường bất động sản. Doanh nghiệp cần tập trung cơ cấu lại dự án, không làm được thì chuyển dự án, phải quyết liệt hạ giá, cơ cấu lại sản phẩm bất động sản làm sao tới tay người tiêu dùng. Chưa bao giờ cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những giải pháp mạnh tay, cương quyết như thế để phá vỡ “tảng băng” đông cứng toàn bộ thị trường bất động sản Hà Nội cũng như TP.HCM.

Trong cuộc làm việc với Hiệp hội bất động sản TP.HCM, Bộ trưởng Xây dựng cũng  khuyến cáo, trong khi chờ các chính sách giải cứu, Nhà nước, doanh nghiệp hãy tự cứu mình như giảm giá bán, chuyển đổi công năng căn hộ.

Ông cũng thẳng thắn chỉ rõ, bất động sản “sa lầy” là do phát triển tự phát, phong trào, thiếu kinh nghiệm. “Nhà nhà làm bất động sản, người người làm bất động sản; đêm bất động sản, ngày bất động sản. Người mua không trực tiếp sử dụng mà chỉ mua qua bán lại, tạo ra thị trường ảo, nhà đầu tư trung gian quá lớn”, ông nói. Trong bối cảnh hàng tồn kho bất động sản quá lớn mà theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội, hiện nay dư nợ ngân hàng 2 triệu tỷ đồng, trong đó “cắm” vào bất động sản khoảng 1 triệu tỷ đồng, thì rõ ràng đây là nơi “chôn cất” tiền lớn nhất. Đồng thời cũng chính là “cục nợ xấu” lớn nhất, khó phá nhất của nền kinh tế hiện nay.

Thống kê gần đây cho thấy, tại Hà Nội và TP.HCM, mỗi nơi có tới khoảng 35.000 căn hộ đã hoàn thiện phải “đắp chiếu”. Tổng cộng khoảng 70.000 căn hộ “chôn vùi” chừng 140.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể vô số chung cư, biệt thự, khu đô thị mới dở dang, bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Thị trường bất động sản Hà Nội đã xuất hiện “cơn lốc” đại hạ giá căn hộ thấp tới 12 triệu đồng/m2, thấp hơn cả nhà thu nhập thấp. Hiện tượng người dân đổ xô đi mua cho thấy nhu cầu của đa số vẫn ở mức dưới 1 tỷ đồng/căn hộ. Tuy nhiên, chính những người trong ngành bất động sản cũng thừa nhận, giá dù có giảm nhưng vẫn cao so với các nước khu vực, nhất là so với mức thu nhập thấp của người dân. Bản thân một “đại gia” bất động sản “bật mí”, giá có giảm 50% vẫn còn lời vì “không ai điên mà đi bán lỗ”.

 Câu hỏi đặt ra là, nếu Nhà nước đứng ra mua của chủ đầu tư để bán lại cho người thu nhập thấp mà họ vẫn không thể mua nổi thì điều gì sẽ xảy ra? Tồn kho bất động sản chỉ chuyển dịch sang “kho” của Nhà nước. Như vậy bản chất chỉ là cứu ngân hàng, cứu doanh nghiệp bất động sản, chứ đâu phải cứu nền kinh tế, phá tan “cục máu đông” nợ xấu. Tồn kho bất động sản chính là tồn kho của nhiều mặt hàng sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, nơi “chôn giấu” cả chục tỷ USD.