Tokyo liên tiếp “ra đòn hiểm” nhằm vào Bắc Kinh

ANTĐ - Hãng tin Nhật Bản Kyodo News tiết lộ, ngày 16/03 vừa qua Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã tham dự hội nghị phát triển châu Phi (TICAD). Đây là hội nghị cấp Bộ trưởng được tổ chức tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Kyodo News cho biết: Tại hội nghị này, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã tuyên bố sẽ viện trợ cho châu Phi 550 triệu USD. Nguồn viện trợ này chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ an ninh và chống khủng bố. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng lên tiếng xác nhận về sự việc này.

Trong hội nghị phát triển châu Phi, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida nhấn mạnh: “xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định cho hoạt động xã hội và đầu tư kinh tế là một cơ sở phát triển quan trọng”. Ông cho rằng, cải thiện môi trường an ninh là vấn đề không thể thiếu đối với đầu tư và giao dịch thương mại.

Hơn nữa, hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp nước mình tiến quân vào thị trường châu Phi. Ngoài bảo đảm cung cấp nguồn vốn đầu tư và cải thiện các cơ sở hạ tầng quan trọng, việc Chính phủ Nhật Bản giúp đỡ các nước châu Phi bảo đảm an ninh và chống khủng bố cũng là một hướng ưu tiên xây dựng môi trường đầu tư hòa bình, ổn định cho các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm làm ăn

Nhật đã cung cấp máy bay tuần tiễu chống ngầm US-2 cho Ấn Độ

Thế nhưng, các nhà quan sát chính trị trên thế giới đều cho rằng, việc Chính phủ Nhật Bản xích lại gần hơn với châu Phi không chỉ đơn thuần mang mục đích kinh tế. Hiện Mỹ vẫn đang có ảnh hưởng lớn nhất ở châu lục này nhưng vị thế của họ đang bị lung lay dữ dội trước sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt của Trung Quốc.

Hiện nay, vấn đề quan trọng hàng đầu trong chiến lược an ninh năng lượng của Washington là đa dạng hóa các nguồn cung nhập khẩu dầu mỏ. Đại bộ phận nguồn cung cấp dầu mỏ của Mỹ đến từ Tây bán cầu, một phần đáng kể là của châu Phi và vịnh Ba Tư (còn gọi là vịnh Pecsic).

Các mỏ dầu ở tây Phi có vị trí rất quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là nó đem lại cho Washington sự lựa chọn thay thế nguồn dầu mỏ từ vịnh Ba Tư, khu vực hiện đang sôi sùng sục vì vấn đề Iran và có thể bị đứt nguồn cung bất cứ lúc nào. Hơn nữa, tây Phi cũng gần Mỹ, phí vận chuyển từ đây về thấp hơn rất nhiều so với nhập khẩu từ Vịnh Ba Tư.

Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida (phải) và Ngoại trưởng Albert del Rosario tại Manila (Philippines) ngày 10-1

Nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự, Mỹ đã giành được quyền xây dựng căn cứ quân sự tại Djibouti, Uganda, Mali, Senegal, Gabon và xây dựng các quân cảng ở Marốc và Tuynidi. Ngoài ra, Mỹ còn mượn danh nghĩa chống khủng bố ở khu vực luôn đầy rẫy bạo lực để duy trì các hoạt động tình báo bí mật tại khu vực này.

Bắc Kinh đã trở thành đối thủ đáng gờm của Washington trong cạnh tranh tầm ảnh hưởng, xu thế chính trị và nguồn cung ổn định dầu mỏ ở châu Phi. Giới chức lãnh đạo của Washington ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại và trong tương lai, sự hiện diện của Trung Quốc tại “Lục địa đen” chính là sự thách thức lợi ích an ninh của Mỹ.

Hiện nay, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc hàng năm đều trên 7,4%, để duy trì mức tăng trưởng cao như vậy, cần có lượng nhiên liệu khổng lồ dẫn đến kinh tế Trung Quốc phải phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, sự thèm khát nguồn dầu mỏ của châu Phi là điều tất yếu, kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ châu Phi của Trung Quốc nhanh chóng vượt qua Mỹ, trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Binh sĩ Mỹ được điều tới căn cứ quân sự Djibouti

Gần đây, Trung Quốc liên tục viện trợ tài chính không hoàn lại và không ngừng cung cấp các loại hàng hóa giá rẻ cho châu Phi (để đổi lấy các hợp đồng dầu mỏ) làm cho vị thế của người “bạn hàng thân thiết” Trung Quốc ngày càng quan trọng hơn so với Mỹ, tầm ảnh hưởng của “chú Sam” ngày càng co hẹp lại. Mỹ và Trung Quốc lại hình thành một cục diện đối đầu mới tại khu vực này.

Về phía mình, Nhật Bản đang sử dụng tất cả các biện pháp chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế để bao vây cô lập Trung Quốc. Nhật đã kết đồng minh với Australia và Ấn Độ, cung cấp công nghệ quân sự mũi nhọn cho 2 đối thủ nặng ký của Bắc Kinh (chia sẻ công nghệ tàu ngầm AIP với Australia, cung cấp máy bay săn ngầm US-2 cho Ấn Độ…).

Không dừng lại ở đó, Nhật còn giúp đỡ ASEAN phát triển kinh tế, ủng hộ các nước đang có tranh chấp trên biển với Trung Quốc, với các động thái hết sức cứng rắn và có định hướng rõ ràng như: Triệt thoái các cơ sở kinh tế ở Trung Quốc để đầu tư sang Myanmar nhằm đánh chiếm “sân sau”, làm bất ổn sườn phía tây Trung Quốc; cung cấp tàu chiến, viện trợ ODA và ủng hộ Manila kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế…

Nhật cũng chia sẻ công nghệ tàu ngầm AIP với Australia

Vì vậy, không có gì khó hiểu khi Nhật quyết định đẩy mạnh tốc độ tiến quân vào châu Phi với 2 mục đích: Vừa hạ thấp mức độ ảnh hưởng chính trị, giảm nguồn cung dầu mỏ để bóp nghẹt nền kinh tế đang phát triển quá nóng, luôn khát nhiên liệu của của Bắc Kinh, vừa trợ giúp đồng minh Mỹ đánh bật Trung Quốc khỏi “Lục địa đen”.

Gói viện trợ 550 triệu USD vừa qua chỉ là bước khởi đầu của chiến lược tranh giành ảnh hưởng của Nhật với Trung Quốc tại châu lục này. Cả Nhật và Mỹ đều không muốn nhìn thấy Trung Quốc ngày một lớn mạnh, đe dọa vị thế bá chủ của Mỹ và uy hiếp Nhật trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Có thể nói, đây là một mũi tên trúng nhiều đích, là con bài quan trọng trong tổng thế chiến lược bao vây, cô lập Bắc Kinh của Tokyo.