Thành phố cổ thân thiện

“Tôi yêu Hội An”

ANTĐ - Nghe tiếng ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An đã lâu, đọc những bài báo viết về ông cũng nhiều nhưng khi gặp ông tôi vẫn có đôi chút ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng bởi sự giản dị đến mức không thể ngờ từ cách ăn vận, chuyện trò. Trong câu chuyện giữa tôi và ông, nhiều lúc tôi có cảm tưởng ông không phải là một quan chức, đang trả lời phỏng vấn mà là một nhà nghiên cứu về đô thị cổ Hội An và là người yêu Hội An đến mê đắm…

Hội An thanh bình

“Kiến trúc sư trưởng” thành phố

Ông có giọng nói đặc chất Quảng, dáng cao, gầy, da đậm nắng, gương mặt xương xương, tóc xòa xuống trán. Trong câu chuyện giữa tôi và ông, ông nói nhiều về quá khứ, hiện tại về gia đình và cả chuyện thế hệ hôm nay sẽ để lại những gì cho mai sau… nhưng rồi tất thảy những điều ấy rốt cuộc cũng vòng về… phố cổ Hội An. Ông thú nhận: “Tôi yêu Hội An!”. Những người dân phố Hội giờ quen với hình ảnh vị Bí thư Thành ủy của mình thong thả đạp xe trên khắp các con phố, thi thoảng tạt vào nhà dân trên phố hỏi han chuyện trò. Họ cũng chẳng lạ gì hình ảnh, ông Nguyễn Sự kê ghế ngồi ngoài vỉa hè phố cổ nhìn du khách qua lại, có khi ông cứ ngồi như thế cả buổi tối, đến khi nào những quán hàng trên phố lục tục dọn dẹp đóng cửa thì ông mới chịu về. Tôi hỏi, rằng ông nghĩ gì trong những lần đạp xe hay ngồi nhìn du khách tấp nập qua lại trên phố. Ông cười, nghĩ nhiều lắm, hầu hết những ý tưởng bảo tồn, những quyết sách quan trọng đều nảy ra trong đầu ông những lần ông dạo phố, chứ chả phải nó ra đời trên bàn giấy. Ông bảo, ông thuộc Hội An như thuộc những đường chỉ  trong lòng bàn tay của mình, chỉ cần một viên ngói xô, một nhà nào trên phố mới tỉa lại giàn hoa giấy ông cũng nhận ra. Hội An thân thuộc với ông như máu thịt. 

Quyết liệt đến cùng

Cái thời ông Nguyễn Sự còn làm Chủ tịch UBND thị xã, người dân Hội An làm đơn xin được sửa nhà. Ngặt nỗi, nếu là xây mới thì chỉ tốn một, nhưng nếu xây theo đúng kiến trúc nhà cổ, dân tốn gấp 5 lần tiền, mà thời điểm ấy, dân phố Hội còn nghèo lắm. Chính quyền không đồng ý, bắt phải sửa theo nguyên mẫu chứ không được xây mới với kiến trúc hiện đại. Dân cự nự, nếu ông Sự không cho tôi xây thì ông ký vào đây, nếu sập nhà, chết người thì ông chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ông Nguyễn Sự ký và ghi vào đơn xin sửa nhà: “Đồng ý cho sửa nhà nhưng sửa theo nguyên gốc”. Ông đặt bút viết dòng chữ đó rất nhanh, nhưng chính những dòng chữ ấy sau rồi ám ảnh ông. Ông kể: “Tưởng như đó là hành động có trách nhiệm, nhưng thực ra lại rất vô trách nhiệm. Như thế chẳng khác nào đánh đố dân”. 

Và từ đó, suốt một thời gian dài, ông loay hoay lo cân bằng giữa trùng tu và phát triển, làm sao vừa giữ được di tích, vừa tạo điều kiện cải thiện đời sống cho người dân. Thời điểm UBND thị xã Hội An đưa ra ý tưởng bảo tồn phố cổ đã bị phản ứng dữ dội từ nhiều phía. Chỉ có 30% ý kiến tán thành. Ban đầu, ông Nguyễn Sự cho tiến hành làm thí điểm, nếu được thì tiếp tục, còn thất bại thì thôi. 4 tháng sau, câu trả lời cho sự thành công là lượng khách đến đông tới mức không ngờ. Từ đó, ông tiếp tục áp dụng mô hình bảo tồn song song với phát triển du lịch. Nhà ngoài mặt phố, khi tu bổ được hỗ trợ 30% kinh phí, nhà trong ngõ không buôn bán gì được hỗ trợ 100% với điều kiện duy nhất: “Hãy giữ gìn tốt ngôi nhà của mình”. Nhà có mặt tiền không được kinh doanh trên vỉa hè, phải chừa một khoảng cho người trong ngõ có thể buôn thúng bán bưng, ngày kiếm chút ít. 

Ông Sự bảo, sự thành công của Hội An bắt nguồn từ việc chăm lo lợi ích cho người dân từ tinh thần đến vật chất. Nếu bảo tồn mà chỉ khư khư không cho xây dựng, rồi bán vé tham quan, không nghĩ tới lợi ích của một vạn dân, chưa kể người nhập cư thì chắc chắn, không được như ngày hôm nay. Câu chuyện ở Hội An ngắn gọn chỉ là: “Giải bài toán lợi ích”. Lợi ích về giá trị văn hóa cũng phải phát triển tỷ lệ thuận với lợi ích kinh tế. Nếu không giải quyết hai vấn đề này hài hòa thì người dân sẽ giàu lên rất nhanh về vật chất trong khi đời sống tinh thần, trong cái nghĩa là bản sắc văn hóa Hội An, sẽ nghèo đi. Cái thời điểm ông ra quyết sách cấm ô tô xe máy đi trong phố cổ cũng vấp phải phản ứng của người dân. Nhưng rồi, sau thời gian thí điểm tuần 1 ngày, tuần 2 ngày, giờ người Hội An vui vẻ chấp nhận đi bộ trong phố cổ cả 7 ngày trong tuần, cuối giờ chiều, đầu giờ sáng xe có động cơ mới được phép lưu thông. 

Chuyện thật như… giai thoại

Tôi hỏi ông, quyết liệt trong chỉ đạo như vậy, có ai ghét ông không? Ông cười lớn: “Ghét à? Không! Người ta không ghét mà là… oán tôi”. Người ta từng oán khi ông nhất quyết lập lại trật tự vệ sinh trong việc giết mổ gia súc gia cầm, buộc các hoạt động này phải thực hiện tại lò mổ, theo đúng quy trình quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm ấy, có người từng dọa đốt nhà ông. Người ta từng oán ông, khi đúng giao thừa, ông xách xe, một mình dạo phố cổ, bỗng có bọc lá bánh chưng ném ra ngay đầu xe. Ông dựng xe, vào nhà chúc Tết chính ngôi nhà vừa có “vật thể lạ” bay ra đường, rồi yêu cầu chủ nhà ra nhặt đống lá mang vào, đúng thời khắc giao thừa thiêng liêng nhất trong năm. Cũng có khi người ta oán ông vì ông không đồng ý với việc mang vàng mã ra ngoài vỉa hè đốt, tro bụi gặp gió bay tứ tung. Riêng vấn đề vệ sinh ông rất quyết liệt, nếu địa bàn nào để xảy ra tình trạng trên, thì lãnh đạo phường, xã, dù đang vận comple, nếu không chỉ đạo được lực lượng thu dọn vệ sinh phải tự đến mà dọn. Tôi lại hỏi, nếu Nguyễn Sự được đến một nơi khác liệu có thành công như ở Hội An không. Ông lắc đầu khẳng định: “Không, người làm tốt ở chỗ này, chưa hẳn đã tốt ở chỗ khác. Nguyễn Sự ở Hội An có thể được khen, nhưng nếu đi nơi khác có khi lại khiến nơi đó trì trệ. Nơi nào mình yêu và nơi đó yêu mình thì mình hãy làm”.

Rồi bỗng chốc giọng ông trầm xuống, cái được dư luận đã nói nhiều nhưng cái ông chưa làm được thì chưa thấy ai nói. Trong suốt mấy chục năm trên cương vị lãnh đạo, ông cũng có nhiều sai lầm, thậm chí không sửa được. Nếu cho làm lại, ông sẽ không làm như thế. Rồi ông kể cho tôi nghe một vài ví dụ về những sai lầm của ông, như chuyện ông nghe bài hát về Hà Nội, thấy hoa sữa ngọt ngào, ông quyết định cho trồng dọc một con phố. 5 năm sau cây lớn, đơm hoa, mùi hoa sữa ở Hội An hóa ra không nồng nàn mà lại khó chịu. Dân bức xúc, ông  cho chặt cây rồi thân chinh xuống xin lỗi... 

Giờ thì Hội An đã trở thành một di sản kiểu mẫu. Đã có cả trăm hội thảo, hội nghị được tổ chức để học tập kinh nghiệm, áp dụng bảo tồn từ đô thị cổ này. Hội An mùa tấp nập du khách, tối rảnh rang, ông vẫn ngồi một mình bên góc phố ngắm người qua lại. Những âm thanh của đường phố vọng vào mang cho ông cảm giác bất an. Đông khách tới với Hội An là điều tốt, nhưng cái ông muốn là đông trong yên tĩnh, chứ không phải đông ồn ào, náo loạn. Xét cho cùng thì Hội An giàu lên như ngày hôm nay là nhờ bán sự yên tĩnh mà sống.