Tối ưu hóa công nghệ làm phim

(ANTĐ) - Vừa qua, nhân dịp sang Việt Nam để giới thiệu cuốn sách “Từ đường làng tới Hollywood”, đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh thế giới và Hollywood - Phillip Noyce đã có buổi tọa đàm về “Điện ảnh thế giới ngày nay” với các nhà làm phim Việt Nam.
Ở đây, ngoài việc giới thiệu cuốn sách mà vị đạo diễn này coi như là bộ sưu tập nhỏ của ông về những thước phim đã làm; ông còn chia sẻ những kinh nghiệm quý báu và quan niệm về làm phim của mình. Trong câu chuyện của đạo diễn Phillip Noyce, tôi đặc biệt chú ý đến cụm từ “làm phim tiết kiệm” của ông. Từ chú ý, đến tò mò và phải đến phần diễn giải của vị đạo diễn “gạo cội” này - “Cả cuộc đời làm phim của tôi, nghệ thuật vừa phải mang tính nghệ thuật vừa phải chiều lòng khán giả. Ngày nay, làm phim phải thông minh và tiết kiệm hơn. Tôi ngồi trong bóng tối, quan sát gương mặt các diễn viên, cảnh quay và làm lại ánh sáng trong phần hậu kỳ”. Phillip Noyce nhấn mạnh: “Quay bằng máy ảnh có thể tiết kiệm chi phí và có thể làm phim độc lập. Quay series phim truyền hình dùng 3 máy: Một máy tĩnh, hai máy động, có thể quay tới 60-70 cảnh/ngày. Phim quay xong tuần này thì tuần sau đã trình chiếu”... - giúp cho sự liên tưởng của tôi tới công nghệ làm phim hiện đại thêm sáng tỏ. 
Tối ưu hóa công nghệ làm phim ảnh 1
Tại Mỹ không ít những bộ phim truyền hình đã được quay bằng máy ảnh. Gần đây nhất, chiếc máy ảnh Canon 5D Mark II đã thực hiện các cảnh quay trong bộ phim “The Last 3 Minutes” bởi Bandito Brothers và Shane Hurlbut (đạo diễn hình ảnh một số bộ phim lớn như Terminator Salvation, We Are Marshall và Into the Blue). Đây cũng là đoạn Video được Canon “đặt hàng” để giới thiệu về khả năng quay Video Full HD với tốc độ 24 khung hình/giây ở bản firmware mới của chiếc DSLR. Sau bộ phim “The Last 3 Minutes”, chiếc DSLR của Canon tiếp tục thể hiện “tài lẻ” của công nghệ khi thực hiện các cảnh quay trong bộ phim truyền hình “House” (đạo diễn Greg Yaitanes, có sự tham gia diễn xuất của diễn viên nổi tiếng Hugh Laurie). Các ống kính được đoàn làm phim thực hiện cùng với chiếc máy ảnh full frame của Canon là loại 24-70mm và 70-200mm cùng một thẻ nhớ CF dung lượng 18GB cho 22 phút của đoạn phim… Quay trở về Việt Nam, trong các diễn đàn chuyên môn, giới quay phim cũng luận bàn nhiều về việc làm phim bằng máy ảnh. Và điểm nhấn thực sự ấn tượng đó là sự chuyển hóa thành phim nhựa. Chất lượng hình ảnh, màu sắc, ánh sáng đẹp, chuyển động của hình ảnh được xử lý ở tốc độ cao, xử lý hậu kỳ dễ dàng… là những lợi thế rõ rệt khi quay phim bằng máy ảnh. Chưa hẳn trở thành một trào lưu nhưng phim được quay bằng máy ảnh đang âm thầm tấn công vào cả thế giới điện ảnh lẫn truyền hình, trong đó dễ nhận thấy là các video clip ca nhạc, TVC quảng cáo… Minh Đức (freelance), một photographer nhận định, quay phim bằng máy ảnh cho ra những hiệu ứng hình ảnh khá tốt, có thể thay đổi nhiều ống kính làm tăng sự cơ động và linh hoạt trong nhiều góc quay khó, trong phạm vi hẹp. Điều đặc biệt quan trọng đó là việc đầu tư cho toàn bộ thiết bị làm phim bằng máy ảnh bao gồm tất cả các thiết bị phụ trợ (gồm thân - body, ống tiêu cự các loại, bộ âm thanh ngoài, micro rời, pin sơ-cua, giá đỡ chuyên dụng, đèn, cẩu, ổ ghi…) với tổng chi phí không quá cao mà vẫn cho ra những sản phẩm ưng ý. Chương trình truyền hình “S - Việt Nam - Hương vị cuộc sống” hiện đang được phát trên sóng VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam) đã sản xuất một số tập phim quay hoàn toàn bằng máy ảnh với chất lượng cao, đẹp như mong muốn. Tuy nhiên, giới trong nghề quay phim cũng lưu ý với các film makers khi quay phim trên máy ảnh nên khống chế độ nét tốt, tận dụng thế mạnh của ống kính, nên để cảnh ngắn và quay khuôn hình tĩnh, chọn những góc máy độc đáo…  Có thể nói quay phim bằng máy ảnh đang khởi đầu cho một trào lưu mới; và theo xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ hiện nay, trong tương lai làm phim bằng máy ảnh sẽ không khác gì nhiều làm bằng máy quay chuyên nghiệp. Đón đầu, khai phá và tìm tòi là hướng đi căn bản mà các nhà làm phim chuyên lẫn không chuyên Việt Nam cần hướng đến về kỹ thuật nhằm tối ưu hóa công nghệ làm phim, tạo ra những thước phim hay, chất lượng làm mãn nhãn khán giả. Hay nói vui như cách mà đạo diễn Phillip Noyce từng chia sẻ: “Hollywood là con quái vật, mà tôi học được ở nó là làm sao khiến cho khán giả cảm thấy không xem phim thì đau đớn, chết dở”.