Tôi tự tay tắt đi "ánh sáng" của đời mình

ANTĐ - Tôi biết nước mắt, sự gột rửa vốn dĩ bình thường này đã quá muộn. Ngay tối hôm đó, tôi bị bắt với tất cả mọi tủi hờn. Người đàn bà vô tình, người phụ nữ tôi hết lòng yêu thương đã cướp mất ánh sáng trong tôi về cuộc đời, về hạnh phúc. Và giờ cũng vì em, tôi còn mất đi cả sự tự do và lòng tự trọng.

Tôi ngâm mình trong làn nước của ảo ảnh. Chẳng mấy khi tôi có được khoảnh khắc trần tình lại quãng thời gian kinh khủng vừa phải trải qua. Tôi biết nước mắt, sự gột rửa vốn dĩ bình thường này đã quá muộn. Ngay tối hôm đó, tôi bị bắt với tất cả mọi tủi hờn. Người đàn bà vô tình, người phụ nữ tôi hết lòng yêu thương đã cướp mất ánh sáng trong tôi về cuộc đời, về hạnh phúc. Và giờ cũng vì em, tôi còn mất đi cả sự tự do và lòng tự trọng.

Những ngón tay rớm máu của mẹ

Sinh ra và lớn lên không thiếu những hoài bão, tuổi trẻ của một thằng sinh viên khoa học kỹ thuật như tôi luôn nung nấu ước mơ vươn lên. Chọn ngành kỹ nghệ điện máy với chỉ mong muốn đơn giản là có thể sửa máy may cho mẹ mà không phải đưa ra phố cách nhà tới 20 cây số. Nhưng thực ra, nó là cả một hành trình mơ ước từ lâu của tôi để có thể tự làm chủ cuộc đời của mình, tự tạo dựng tương lai.

Mẹ tôi là thợ may có tiếng trong vùng. Nhưng bà ốm. Bà bị bệnh từ nhiều năm với những cơn động kinh không dứt. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ: không biết lúc nào đó, mẹ có rời xa tôi, có biến mất khỏi cái không gian u tối, tĩnh mịch nơi xóm nghèo sát vách núi mà ở đó, con trai bà vẫn đang ngẩn ngơ nghĩ về tương lai. Vậy là tôi lại cố gắng, lại làm hết sức mình để vừa học, vừa giúp mẹ những thứ nhỏ nhặt trong nhà. Rồi tôi tìm cách mày mò chiếc máy may cũ kỹ mà mẹ vẫn thường thở dài ngao ngán mỗi lần nó hỏng. Đơn giản là tôi cần, bằng cách nào đó, chiếc máy may vẫn phải tiếp tục duy trì cho dù nó đã rất già cỗi. Vì mẹ phải dựa vào nó để kiếm tiền cho bọn tôi sống và tiếp tục đi học.

Mẹ chẳng bao giờ nhắc đến bố. Nhưng nhiều người nhắc đến. Trong đó có bà ngoại. Trong nhiều lần, hồi chúng tôi còn bé, bà và mẹ lớn tiếng. Rồi mẹ khóc. Bà cũng vậy. Rồi bà ôm lấy tôi, thằng cháu trai đầu tiên và nói: "Cháu lớn nhanh để giúp đỡ mẹ, giúp đỡ các em nhé". Mãi sau, lớn dần, tôi mới hiểu: bố đã bỏ mẹ con chúng tôi đi theo một người phụ nữ khác. Ông là công nhân xuất khẩu lao động nước ngoài và chọn việc định cư, có gia đình mới như một cách trốn chạy cái nghèo. Nghe người thân kể, mẹ đã khóc ngất cái tuần đầu tiên nhận được tin đó. Nhưng rồi bà vẫn đứng vững, vẫn ghì chặt những ngón tay rớm máu vào chiếc máy khâu. Vì nếu bà ngừng, chúng tôi cũng sẽ dừng lại...

...bà vẫn đứng vững, vẫn ghì chặt những ngón tay vào chiếc máy khâu (ảnh minh họa)

Ở xứ sở tuyết tan

Tôi đỗ đại học. Mẹ chuẩn bị mọi thứ, cập rập cho đến tận ngày tôi bắt xe ra Hà Nội, một nơi xa lạ cách xóm nghèo tận 300 cây số. Tối hôm đó, mẹ vẫn mải mê may nốt chiếc áo sơ mi cho con trai. Nhìn me, tôi biết mẹ vui đến nhường nào. Nhưng nhìn mẹ, tôi cũng hiểu bà đang lo lắng rất nhiều. Tiền học, rồi sinh hoạt phí, rồi mọi thứ mà gánh nặng từ lâu vốn đã đè lên đôi vai nhỏ bé của người đàn bà hết mình vì con cái lại một nhân mười. Cũng may là các em gái tôi đã lớn và cũng đủ sức để giúp đỡ mẹ nhiều việc. Đi học xa, tôi chỉ nhớ mãi cái ngôi nhà nhỏ bé đôi khi lại trông như một xưởng may nhỏ cùng 5 người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời tôi đang cặm cụi may vá. Hình ảnh tuyệt vời đó là ký ức cuối cùng tôi nhớ mãi nơi xóm nghèo, vì trước mắt tôi là một tương lai mới, rực rỡ hơn nhiều.

Tôi học hành chăm chỉ và tối đến lại đi làm thêm trong suốt những năm đại học. Tôi bắt đầu hành trình công việc bằng một suất học bổng sau đại học ở một nơi lạnh lẽo và lạ lẫm - nước Nga. Ngày tôi đi xa một lần nữa, mẹ và các em cũng khóc. Bà ngoại mất trong những ngày tôi làm đề án tốt nghiệp nhưng nếu còn sống, chắc chắn bà sẽ vui lắm. Hy vọng quyết định này của tôi sẽ an ủi linh hồn bà nơi chín suối. Mẹ con tôi, gia đình tôi phải cảm ơn bà quá nhiều.

Vậy mà tôi lại quen em. Em cũng như bao bạn gái cùng trang lứa khác xúng xính, nụ cười tươi sáng xuất hiện nơi cổng trường đại học, bỏ lại đằng sau những ngày tháng học sinh yêu dấu để đến gần hơn với cánh cửa cuộc đời. Em đi cùng bạn. Nhưng em ngồi cạnh tôi. Nhìn em khác hẳn tôi bởi kiểu ăn mặc, cách nói năng hoạt bát. Em nhìn tôi và bắt chuyện. Còn tôi thì chì "ừ", "đúng rồi"... và im lặng. Tôi nghĩ là người thành phố chắc chắn sẽ chán ngay với việc phải trò chuyện với cậu trai làng ấm ớ, khù khờ; đặc biệt là lại xinh đẹp như em. Vậy mà em vẫn kiên trì hướng đôi mắt đen nhánh cùng nụ cười rang rỡ về phía tôi với những câu chuyện đầu đời sinh viên một cách thoải mái. Có lẽ em nghĩ tôi sẽ bắt kịp - và đúng là tôi đã cố làm được điều đó.

Tình yêu lạc đường

Chúng tôi yêu nhau nhiều năm, kể cả quãng thời gian dài tôi đi học xa, tình yêu giữa hai người trẻ vẫn duy trì qua từng dòng thư và những nỗi niềm chân tình. Đôi lúc, tôi cũng cảm thấy đắn đo cho tình yêu xa cách nhưng rồi cả em và tôi đều vượt qua. Và rồi cái ngày cả hai đứa chung đôi trên lễ đường để làm hôn lễ, chúng tôi thực sự mãn nguyện và hạnh phúc cùng nhau. Ấy vậy người tính không bằng trời tính, chỉ tròn 10 năm sau ngày cưới, một kịch bản kinh khủng đã xảy ra để rồi tôi và em cùng ước mớ về một cuộc sống hoàn hảo giữa hai đứa đã tan tành mây khói.

Em yêu người khác. Sau chuyến công tác xa nhà gần 3 tháng để tập huấn công việc, tôi trở về với niềm vui đoàn tụ gia đình cùng hai đứa con bé bỏng, nhưng quan trọng nhất vẫn là em. Vậy mà tôi bắt gặp những thứ mà tôi không thể tin nổi đang xảy đến trong cuộc đời mình. Em ngoại tình và quan hệ với người đàn ông khác ngay trong căn nhà hạnh phúc của tổ ấm mà hai đứa xây dựng suốt bao nhiêu năm trời. Ở phòng bên, hai đứa con nhỏ bé của chúng tôi vẫn nằm ngủ ngây thơ. Rơi vào hoàn cảnh đó, tôi như muốn vỡ tan trái tim làm trăm mảnh - những mảnh vụn vỡ của tình yêu, của trách nhiệm và cả sự cầu toàn suốt một cuộc đời, suốt một cuộc hành trình đầy vun vén.

 

Em ngoại tình và quan hệ với người đàn ông khác ngay
trong căn nhà hạnh phúc

(ảnh minh họa)

Tôi khuyên em hết lời. Tôi muốn em trở lại với ngày xưa. Tôi muốn em nghĩ tới kỷ niệm, nghĩ tới ký ức và nghĩ tới hiện tại. Chúng tôi đủ tôn trọng để bỏ qua mọi lỗi lầm và quay lại bên nhau, cùng các con. Nhưng em bỏ mặc. Em đến một cơ hội để nghĩ lại cũng khước từ. Vì sao? Câu hỏi đó như không có lời đáp, mãi mãi không có lời đáp khi chỉ vài tuần sau, em tiếp tục lặp lại cái điều kinh khủng đó. Tiếp tục trong căn phòng cưới của hai đứa. Tôi cùng quẫn. Tôi mất trí. Tôi đã xuống tay tấn công hai kẻ độc ác đó trong cơn ác mộng tệ hại. Giờ phút đó, tôi không còn nghĩ được gì, không còn chút gì hy vọng cho hạnh phúc, cho sự cố gắng với cuộc đời. Và khi bừng tỉnh, trong vòng tay tôi là khuôn mặt đã tắt lịm của em, tôi mới vỡ òa. Tôi đã tự tay mình đánh mất mọi thứ. Tôi đã hại em, hại con của chúng tôi và tôi đã bán đứng chính cuộc đời tôi hằng ao ước.

Biết tin, mẹ chỉ ngất lịm. Rồi bà gắng gượng ngồi bên hai đứa cháu nhỏ ngày tôi ra tòa với sự im lặng cùng đôi mắt như trĩu xuống vì thương đau. Cuối cùng, tôi và cuộc đời mình lại trở về trong vòng tay bà, trở về trong sự yêu thương đùm bọc không có gì thay thế. Chỉ khác rằng, mẹ không đủ sức để khóc cho tôi nữa rồi. Mẹ đã quá già để giúp tôi, giúp đứa con trai bất hạnh mà bà từng hy sinh tất cả để nó được sống, được trưởng thành. Và giờ những gì bà có được chỉ là hai sinh linh bé nhỏ và một đứa hài tử bất hiếu giữa vành móng ngựa của lương tri và pháp luật.