Tội phạm vùng ven: Hung hăng do cơ sở yếu kém

ANTĐ - Cách thức tốt nhất để kiềm chế, kiểm soát và làm giảm phạm pháp hình sự ở các địa bàn vùng ven, là dám nhìn thẳng vào những tồn tại. Chỉ khi nắm chắc tình hình đối tượng thật tốt, phát huy tốt hiệu quả, thực chất phong trào người dân tham gia bảo vệ ANTQ, bằng sự triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh… tội phạm hình sự mới hết đất hoạt động.

“Yếu” trong nhiều khâu

Nhiều tuyến đê ngoại thành Hà Nội gần như “trống” công tác tuần tra, phòng ngừa 

Công an cơ sở trước hết phải làm tốt, chủ động trong công tác nắm địa bàn, nắm tình hình và điều tra cơ bản. Đây là một trong những yêu cầu thường xuyên được Giám đốc CATP Hà Nội nhắc nhở, quán triệt đến chỉ huy các đơn vị, địa bàn trong các buổi giao ban hay kiểm tra trực tiếp đơn vị. Đảm đương tốt nhiệm vụ nắm tình hình và điều tra cơ bản không chỉ phục vụ hữu hiệu công tác điều tra khi xảy ra án, mà quan trọng hơn, đây là nền tảng của biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm.

Thực tế cho thấy, hiện nay, ở nhiều địa bàn, công tác nắm tình hình, rà đối tượng chưa thực sự hiệu quả. Trở lại vụ dàn trận đánh nhau trên đê sông Đáy đêm 1-4, khi tìm về thôn Đồng Nhân, xã Đông La, gần như người dân nào khi tiếp xúc với chúng tôi cũng hết sức e dè khi đề cập đến “ông trùm” Tạ Công Hạnh. Thậm chí khi sang những xã gần đó, hỏi chuyện mấy cậu thanh niên choai choai, cậu nào cũng e dè một điều “chú Hạnh”, hai điều “chú Hạnh”. Hoạt động của tay “anh chị” này không gói gọn ở địa bàn xã Đông La. Nghe đồn, Hạnh có trong tay không ít sới bạc và từng liên quan đến nhiều vụ đòi nợ thuê, gây rối trật tự công cộng. Thế nhưng khi tìm hiểu về Tạ Công Hạnh tại xã và huyện, thông tin thu lượm được lại rất ít. Thậm chí, lực lượng chức năng cũng chẳng buồn tìm hiểu, ở cái xã ven đê sông Đáy, Tạ Công Hạnh kinh doanh gì, đề phòng ai mà phải lắp đặt xung quanh nhà vô số camera? Có lẽ chính sự “thờ ơ” ấy khiến Tạ Công Hạnh dám thực hiện - công khai và bí mật - nhiều hành vi vi phạm pháp luật, mà đỉnh điểm là kế hoạch lập bẫy, dàn trận trên đê sông Đuống.

Bên cạnh những thiếu sót trong công tác rà soát, nắm đối tượng “nổi”, việc bị động triển khai những giải pháp để kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết tình hình cũng là tồn tại ở nhiều cấp cơ sở ngoại thành. Tháng 2 và tháng 3-2012, tại xã Tự Lập, huyện Mê Linh, liên tiếp xảy ra các vụ gây rối trật tự công cộng với số lượng đối tượng tham gia đến hàng chục người. Sự việc bắt nguồn từ mâu thuẫn nhỏ, là chuyện hiểu nhầm, trêu chọc nhau giữa một số thanh niên xã Tự Lập với mấy xã giáp ranh. Thế nhưng do không được phát hiện, giải quyết sớm, ẩu đả đã tiếp diễn ở nơi công cộng, rồi đến nhà riêng của cán bộ thôn, xã, trụ sở ủy ban xã đã bị biến thành nơi “trút giận” của những đối tượng quá khích. Điều đáng nói là, ngay ở đất Thủ đô mà thôn, xã phải thiết lập hệ thống kẻng để… báo động mỗi khi xảy ra đánh nhau. Mãi đến khi lực lượng chức năng thành phố vào cuộc, tình hình mới yên trở lại.

Chính quyền cơ sở phải quyết liệt hơn

Tuần tra kiểm soát là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa tội phạm

Đây là điều từng được lãnh đạo Trung ương, thành phố nhấn mạnh, yêu cầu đối với công tác đảm bảo ANTT nói riêng, thông qua các văn bản, chỉ thị và qua các cuộc họp giao ban với địa phương, cơ sở. Trung tuần tháng 4 vừa qua, CATP Hà Nội triển khai quyết định thành lập BCĐ thực hiện công tác chỉ đạo điểm về chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT. Mười phường, xã của Hà Nội được áp dụng thí điểm mô hình này và yêu cầu quan trọng được xác định đối với công an 10 phường, xã là “triển khai kế hoạch tới toàn thể cán bộ chủ chốt, các ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, từ đó phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh, chuyển hóa địa bàn”.

Chủ trương rõ ràng là thế, nhưng khi đi vào thực tế lại trở nên “hình thức”, thiếu quyết liệt, không có chiều sâu. Đơn cử như việc tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn sau 20h. Đây là biện pháp phòng ngừa được xem có tác dụng nhất đối với các địa bàn ngoại thành, bởi đặc thù nhiều tuyến đê, đường vắng, lại thiếu ánh sáng. Chỉ cần chính quyền cơ sở tổ chức tuần tra, ứng trực đều đặn, trên diện rộng, đối tượng hình sự sẽ e dè hơn khi gây án. Trên lý thuyết, tại các thôn, xã có thể huy động đoàn viên thanh niên hay cựu chiến binh tham gia cùng công an viên để ứng trực hay tuần tra kiểm soát. Tuy nhiên, một cán bộ CAH Phú Xuyên cho biết, hiện nay, gần như các tuyến đường liên xã, liên huyện, công tác tuần tra trông cả vào các đội nghiệp vụ của công an huyện. Điều này lý giải vì sao, Phú Xuyên là một trong những địa bàn tương đối “nóng” bởi hoạt động cướp tài sản của các đôi nam nữ, công nhân đi làm về khuya. Nhìn nhận về sự thiếu nhiệt tình của cán bộ cơ sở, thậm chí, kể cả đội ngũ công an viên trong công tác tuần tra kiểm soát, đại diện lãnh đạo xã Văn Đức, huyện Gia Lâm chia sẻ: “Nguyên nhân chính là do không có kinh phí để duy trì hoạt động tuần tra. Xã không thể “vận động suông” mãi để cứ đêm đêm, cán bộ cơ sở lại xuống đường”(?!) 

Sẽ rất khó đảm bảo tuyệt đối ANTT, khi mà trách nhiệm dồn hết vào lực lượng công an. “Huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị đảm bảo ANTT” phải được cụ thể hóa, thông qua những biện pháp, giải pháp và sự quan tâm cụ thể của lãnh đạo các cấp từ thành phố đến quận, huyện, thị xã. ANTT đảm bảo là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội; ý nghĩa ấy, từng cấp cơ sở hơn ai hết phải nhận thức được, và có hành động cụ thể.