Tội phạm cướp “xe ôm” gây án manh động: Phải quản lý chặt

ANTĐ - Nhiều cán bộ có trách nhiệm, nhất là ở cấp cơ sở, khi chúng tôi đề cập đến việc quản lý hoạt động của những người hành nghề “xe ôm” tại địa bàn, đã lắc đầu và cho rằng đây là việc “nhạy cảm”. Quản lý “xe ôm” chỉ cần nắm bắt số lượng, và thường xuyên tuyên truyền cho họ biện pháp phòng ngừa, tránh trở thành nạn nhân của những vụ cướp.
Tội phạm cướp “xe ôm” gây án manh động: Phải quản lý chặt ảnh 1
“Xe ôm” xếp hàng chờ khách ở bến xe phía Nam

“Bỏ bẵng” hoạt động “xe ôm”

Qua khảo sát của PV ở một số địa bàn nội thành, cán bộ có trách nhiệm của cơ sở nắm được những vị trí có những người “xe ôm” đứng chờ đón khách. Nhưng số lượng bao nhiêu, và hỏi đã làm gì để tuyên truyền họ phòng ngừa tội phạm, thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Một dạo, cơ quan chức năng của Hà Nội từng xới lên vấn đề quản lý hoạt động “xe ôm”. Nhưng có lẽ do không dễ “quản” như taxi, nên vấn đề này im dần, rồi bị bỏ bẵng.

“Xe ôm” ở Hà Nội có mấy dạng hoạt động. Chuyên nghiệp và đông nhất là “xe ôm” ở các bến xe, nhà ga. Dạng thứ hai hoạt động đón trả ở các khu dân cư. Và thứ ba là người hành nghề ở các nút giao thông, nhà chờ xe buýt, hay quanh các bến xe, nhà ga. Tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại nhiều nhất chính là những người “xe ôm” lưu động quanh các bến xe, nhà ga, các nút giao thông. Đặc điểm của họ là hoạt động tự phát, tự do. Họ chở khách đi đâu, hay hôm làm hôm nghỉ, không ai quản lý, nắm bắt. Thông tin giữa những người đồng nghiệp cũng mờ nhạt. Những vụ cướp “xe ôm” từng xảy ra cho thấy, bị hại đều là những người hoạt động độc lập. Những người “xe ôm” này không phải là đối tượng chính của những cuộc tuyên truyền phòng ngừa tội phạm. Trung tá Nguyễn Văn Thái – Phó trưởng CAP Giáp Bát, quận Hoàng Mai cho biết, CAP từng rà soát, lên danh sách những người hoạt động “xe ôm” trên địa bàn. Nhưng có người khi được cơ quan Công an xác minh đã lập tức… chuyển địa bàn hoạt động. “Họ ngại, và có thể không thích được đưa vào hồ sơ quản lý, dù mục đích lập hồ sơ là tốt đối với họ, cũng như chính quyền cơ sở”, Trung tá Thái nhìn nhận.

Trao đổi về công tác quản lý hoạt động “xe ôm”, đồng chí Phó trưởng CAP Giáp Bát thẳng thắn: “Rất cần thiết, nhưng không dễ làm, bởi tương đối nhạy cảm. Nếu đã quản lý sẽ phải bố trí cho họ vị trí đón trả khách, rồi phân công trách nhiệm tự quản lẫn nhau. Hơn nữa, cơ quan nào chịu trách nhiệm và cơ chế ra sao trong quá trình quản lý “xe ôm”, cũng như giải quyết mâu thuẫn phát sinh, không hề đơn giản”. Điều làm được duy nhất đến thời điểm này của CAP Giáp Bát (nhiều địa bàn khác chưa thực hiện được), là thường xuyên phát tờ rơi, cảnh báo phòng ngừa tội phạm đối với những người chạy “xe ôm” trên địa bàn. Tuy nhiên, chưa thể 100% lái “xe ôm” đã được tuyên truyền. Minh chứng cho điều này là vụ án giết, cướp “xe ôm” ở huyện Thường Tín mới đây; hung thủ thuê “xe ôm” tự do ở khu vực cổng bến xe phía Nam, thuộc… địa giới phường Giáp Bát.

“Vốn quý” không được khai thác

“Nếu biết và phát huy tốt, mỗi lái “xe ôm” sẽ là kênh thông tin tốt với cơ quan chức năng, trong phát hiện, tố giác, thậm chí bắt giữ tội phạm”, Trung tá Hoàng Đăng Phong - Trưởng trạm CS bến xe phía Nam nhận định. Trước năm 2007, hoạt động của “xe ôm” từng được đánh giá là vấn đề tiêu cực ở trong và ngoài bến xe phía Nam. “Xe ôm” trong bến không được quản lý chặt, thường xuyên lộn xộn, chèo kéo, thậm chí tranh thủ… móc túi của khách. “Xe ôm” bên ngoài cũng trang thủ gửi xe vào bến đón khách, cạnh tranh bằng vũ lực với những người được vào bến hoạt động. Trước thực trạng đó, đơn vị quản lý bến cùng quận Hoàng Mai và Trạm CS bến xe phía Nam đã họp bàn, xây dựng phương án xã hội hóa mô hình quản lý hoạt động “xe ôm”. Một doanh nghiệp tư nhân đã được mời vào cuộc, với sự xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi. Họ được bố trí địa điểm đón khách, được phép tuyển dụng người lao động làm nghề “xe ôm”, trên cơ sở lý lịch trong sạch… Bên cạnh đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm không được để xảy ra hiện tượng chèo kéo, thu tiền cước quá cao; phải trang bị đồng phục cho nhân viên. Những vi phạm xảy ra mà bị phát hiện, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý bến. 7 năm, mô hình xã hội hóa quản lý “xe ôm” ở bến xe phía Nam vẫn được duy trì tốt. Đại úy Đinh Văn Thanh - Phó trưởng Trạm CS bến xe phía Nam khẳng định: “Trong từng ấy thời gian, chưa xảy ra vụ cướp, xâm hại nào đối với “xe ôm” xuất phát từ bến phía Nam”. Không chỉ phòng ngừa được nguy cơ cướp đối với đội ngũ “xe ôm” trong bến, đơn vị quản lý bến và Trạm CS tại đây đã xây dựng được cơ chế thông tin, tố giác tội phạm, từ đội ngũ xe máy chở khách, thông qua công việc hàng ngày. “Vụ phát hiện, bắt đối tượng vận chuyển 40 bánh heroin và lượng lớn ma túy tổng hợp hồi đầu tháng 11-2013 tại bến xe, có đóng góp thông tin quan trọng của anh em “xe ôm”, Trung tá - Trưởng trạm CS bến xe phía Nam Hoàng Đăng Phong thông tin.