Tội phạm có tổ chức đang lũng đoạn thị trường “nô lệ thời hiện đại”

ANTĐ - Tờ DailyMail dẫn thông tin từ chính quyền Anh cho hay, hiện các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang điều hành hơn 13.000 “nô lệ” ở nước này dưới hình thức lao động cưỡng bức với tiền công rẻ mạt trong điều kiện làm việc hết sức khắc nghiệt, tồi tệ.

Tội phạm có tổ chức đang lũng đoạn thị trường “nô lệ thời hiện đại” ảnh 1Tại địa điểm đãi vàng, những người nô lệ khác phải lội bì bõm suốt ngày trong nước bị nhiễm độc thủy ngân để khai thác vàng

Xuất khẩu lao động làm… nô lệ

Ông Paul Broadbent, Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý của chính quyền Anh (Gangmasters Licensing Authority-GLA) khẳng định: “Buôn bán người để bóc lột lao động mang lại khoản lợi nhuận cao trong khi nguy cơ bị truy tố là khá thấp. Hiện 300 người đứng đầu các băng đảng bị nghi ngờ buôn bán, bóc lột lao động nước ngoài bị xem xét, điều tra, nhưng chúng tôi e ngại rằng, con số thực tế có thể cao hơn nhiều”. Theo ông Paul Broadbent, bất cứ ai bị phát hiện sử dụng lao động bất hợp pháp có thể  sẽ bị phạt tù đến 10 năm cùng một khoản tiền nộp phạt. Trong khi đó, băng đảng sử dụng lao động bất hợp pháp không có giấy phép có thể bị phạt tiền và bị phạt tù 1 năm.

Các báo cáo của Trung tâm Tư pháp xã hội Anh cũng cho thấy, việc thực thi pháp luật đã tạo ra “kẽ hở” cho tội phạm có tổ chức. Điều này dẫn tới nhiều nhóm tội phạm sử dụng các trường đại học “ma”, kết hôn giả, tài liệu giả cùng mạng lưới các luật sư và tài khoản bất hợp pháp để buôn người và sử dụng lao động bất hợp pháp. Ở Anh, không ít các nạn nhân đến từ Liên minh châu Âu đã bị “mắc kẹt” với các băng nhóm tội phạm và phải bán sức lao động để “gán nợ”. Các băng nhóm tội phạm tuyên bố rằng, các nạn nhân đã nợ chúng chi phí đi lại, ăn ở, tài liệu nên nạn nhân phải làm việc để trừ vào tiền mua thực phẩm và chỗ ở.

Cũng đề cập đến vấn nạn “nô lệ thời hiện đại” ở Anh, trong một bài phóng sự điều tra được đăng trên tờ Reuters vào cuối tháng 2 vừa qua có nhấn mạnh thông tin: Năm 2013, Bộ Nội vụ Anh ước tính có tới 13.000 nạn nhân đang sống trong tình cảnh bị áp bức ở Anh, hầu hết đến từ Việt Nam, Albania, Nigeria và Romania. Hiện có hàng nghìn người Việt Nam bị lừa sang Anh làm việc trong các nông trại trồng cần sa với điều kiện sống và làm việc vô cùng khổ sở và khắc nghiệt. Họ bị áp bức, hãm hiếp và đánh đập. Những người này chủ yếu xuất thân từ những gia đình nghèo khó và họ thường nghĩ rằng phương Tây là một cơ hội để thoát khỏi cảnh cơ cực. Những nạn nhân này, trong đó có nhiều trẻ em, bị vận chuyển qua Nga, Đức, Pháp. Một số phải đi bộ qua rừng nhiều ngày trời. Họ phải ngủ trong các lán trại và trốn trong những thùng xe tải bẩn thỉu. Ở trong đó, họ phải giữ im lặng, không được cử động và thở ngột ngạt. Thậm chí, họ phải đi vệ sinh ngay tại đó”. Khi đến Anh, họ bị những kẻ buôn người giam giữ như tù nhân và bị ép trồng cần sa để trả cho số nợ lên đến 46.000 USD (chi phí được đưa sang Anh). Nơi trồng cần sa là những ngôi nhà có hệ thống làm nóng phức tạp, những chiếc bóng điện cao áp bỏng rát…

Ngăn chặn tình trạng “nô lệ thời hiện đại”

Quốc hội Anh mới đây đã thông qua Luật chống nô lệ thời hiện đại yêu cầu minh bạch trong chuỗi cung ứng lao động, đòi hỏi các nhà sản xuất và nhà bán lẻ, có doanh thu ít nhất 100 triệu USD phải liệt kê những nỗ lực nhằm ngăn chặn nạn “nô lệ thời hiện đại” và buôn bán người. Anh là nước đầu tiên tại châu Âu ban hành Luật này. Theo Luật mới, bản án tối đa cho dành cho tội phạm sử dụng lao động bất hợp pháp là từ 14 năm đến tù chung thân. Bên cạnh đó, các nạn nhân sẽ được cung cấp các dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ. Nhưng trên thực tế rất ít doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện chính sách này, vì sợ gây khó chịu cho khách hàng hoặc nhân viên. Bà Theresa May, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh cho hay, sự hiện diện của chế độ nô lệ hiện đại trong xã hội ngày nay là một sự sỉ nhục đối với nhân phẩm và nhân tính của mỗi con người. “Luật chống nô lệ thời hiện đại 2015 là một cột mốc lịch sử, mang tính bước ngoặt, là lời cảnh tỉnh đối với bọn tội phạm và cam kết hỗ trợ các nạn nhân”, bà Theresa May nói.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thế giới hiện có khoảng 21 triệu “nô lệ”, trong đó 5 triệu người trong ngành công nghiệp tình dục và 9 triệu người di cư kiếm việc làm. Khoảng một nửa trong số này từ Ấn Độ, phải làm việc trong các lò gạch, mỏ đá hoặc gia công dệt may. Tình trạng này cũng phổ biến ở Trung Quốc, Pakistan, Nga, Uzbekistan và lan tràn trong ngành thủy sản của Thái Lan. Hiện nay, nhiều hoạt động trên khắp thế giới được đồng loạt thực hiện nhằm ngăn chặn nạn “nô lệ thời hiện đại” và nhận được sự ủng hộ. ILO đưa ra dự thảo luật nhằm thắt chặt các quy định đối với công ty tuyển dụng tư nhân. ILO khuyến cáo mạnh mẽ rằng, dự thảo luật này cần phải được mở rộng độ bao phủ sang cả những công ty cho thuê lại lao động và hy vọng sẽ được các nước sớm phê chuẩn. Một dự án thí điểm sẽ sớm bắt đầu trong ngành công nghiệp may mặc của Jordan.

Hai quỹ từ thiện mới cũng đang được thành lập gồm Quỹ Chống chế độ nô lệ và Quỹ Tự do, do tỷ phú Úc - Andrew Forrest tài trợ chính, nhận được sự ủng hộ của Pierre Omidyar (người sáng lập eBay) và Legatum Foundation (một tỷ phú New Zealand), nhằm thực hiện các nghiên cứu về giải pháp giảm lao động cưỡng bức. Chương trình đầu tiên của Quỹ Tự do đánh giá về những nỗ lực để giải phóng lao động trong các ngành công nghiệp hải sản Thái Lan, ngành công nghiệp dệt may và sản xuất gạch ở Ấn Độ.