Tội phạm có tổ chức "biến hình" trong đại dịch Covid-19

ANTD.VN - Ban đầu, đại dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa đã khiến tội phạm có tổ chức châu Âu mất phương hướng. Nhưng tội phạm có tổ chức không chỉ thích nghi với hiện tại, nó đang chuẩn bị cho một tương lai có nhiều hứa hẹn khi thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ.

Tội phạm có tổ chức "biến hình" trong đại dịch Covid-19 ảnh 1Cảnh sát ở Tuscany, Italia thu giữ 3 tấn cocaine giữa mùa dịch Covid-19 hôm 15-5-2020

“Giăng lưới” trong mùa dịch

Một tuần trước khi Anh công bố lệnh phong tỏa toàn quốc, thị trường buôn bán ma túy tại đây có chút xáo trộn, thậm chí là hoảng loạn tìm mua cocaine, heroin và cần sa vì khách hàng lo ngại sẽ có sự gián đoạn lớn với chuỗi cung ứng từ nước ngoài. Với thế giới tội phạm của Anh, ma túy là mặt hàng được săn lùng giống như giấy vệ sinh vậy.

Một nhà điều hành đường dây phân phối cocaine và heroin cho các thị trấn ở Hampshire ở quận phía Tây London, giải thích rằng, ngay khi chính phủ ra lệnh cho mọi người ở nhà, các mạng lưới ma túy này cũng phải đóng cửa vì quá rủi ro cho đại lý nếu phải đi lại.

Thời gian này, Cơ quan phòng chống Tội phạm Quốc gia (NCA) của Anh đã đạt được thành công đáng kể. Kể từ khi lệnh hạn chế được thực thi để phòng ngừa đại dịch, cơ quan này đã thu giữ 25 tấn ma túy (chủ yếu là cocaine) và 15 triệu bảng tiền mặt. Lệnh hạn chế trong đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh nhiều về tiền mặt đóng cửa, nên các nhóm tội phạm không có cơ hội rửa tiền hay che giấu số tiền phi pháp. Thống kê cho thấy, hoạt động của tội phạm có tổ chức ở Anh, Đức, Pháp giảm 20% trong đợt dịch Covid-19.

Không có gì đáng ngạc nhiên, dấu hiệu đầu tiên cho thấy tội phạm có tổ chức đang thích nghi với hoàn cảnh mới là qua… Internet. Tội phạm trực tuyến đã tăng lên đều đặn trong một số năm gần đây nhưng Covid-19 đang thúc đẩy xu hướng đó. Chỉ 2 tuần sau lệnh phong tỏa, cảnh sát Anh đã phát hiện thấy sự gia tăng lớn các trang web lừa đảo liên quan đến dịch Covid-19.

Khoảng 70.000 người đăng bán tất cả mọi thứ từ thiết bị bảo vệ cá nhân đến nước khử trùng cho đến thuốc trị bệnh bằng nọc rắn. Những hàng hóa này là đồ trộm cắp, giả mạo hoặc không tồn tại, tức là kiếm tiền từ những người đang cố tìm cách tự bảo vệ bản thân trước đại dịch. 

Ở Italia, nơi các quy định về phong tỏa được thi hành nghiêm ngặt đã góp phần tạo nên những chiến công ngoài mong đợi trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức. Vào ngày 12-3, cảnh sát phát hiện một chiếc ô tô đến một ngôi nhà bỏ hoang gần Locri trên bờ biển Calabrian. Tối hôm đó, họ phát hiện ra ánh sáng của một điếu thuốc và đột kích khu nhà. Kết quả, họ tìm thấy Cesare Antonio Cordi, 42 tuổi, một trùm tội phạm khét tiếng của băng đảng ‘Ndrangheta ở Calabria và là một trong những đối tượng bị truy nã gắt gao nhất châu Âu.

Tội phạm cũng chuyển hướng

Một đại dịch với tác động thảm khốc đối với nền kinh tế toàn cầu cũng có thể là cơ hội “vàng” cho tội phạm, từ việc kiếm lời tại chợ đen với các loạt hàng hóa và dịch bất hợp pháp tới tạo ra thị trường thứ cấp bằng hàng giả. Bên cạnh đó, do lực lượng cảnh sát khắp nơi bận rộn ngăn chặn người dân tụ tập đông người, họ sẽ có ít thời gian hơn để truy tìm tội phạm.

Chưa kể, tại những cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch mà nhà nước chưa lo xuể, tội phạm có tổ chức sẽ bước vào khoảng trống đó. Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy, điều này đang diễn ra trên khắp miền Nam nước Ý, khu ổ chuột ở Brazil hay các vùng lãnh thổ do các băng đảng ma túy Mexico kiểm soát.

Hoạt động chính khác mà các băng nhóm mafia lớn của Ý là “chiêu” cho vay tiền. Trao đổi với Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức vào tháng trước, thanh tra Nicola Gratteri chuyên theo dõi băng đảng ‘Ndrangheta ở Calabria giải thích rằng, băng mafia này tìm đến khách hàng đề nghị cho vay lãi suất thấp nhưng mục tiêu là tiếp quản doanh nghiệp và sử dụng nó để rửa tiền thu được bất hợp pháp.

Ủy ban Tư pháp về bảo vệ động vật hoang dã ở Hague, nơi có một mạng lưới tình báo theo dõi hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đã cảnh báo rằng lợi dụng lệnh hạn chế đi lại, những kẻ săn trộm ở vùng hạ Sahara ở châu Phi lại lộng hành. Đáng nói là các đại dịch Ebola, HIV, SARS, H1N1, MERS và nay là SARS-CoV-2 đều do virus từ động vật gây ra rồi qua quá trình gần gũi với con người, truyền sang người. Đến giờ, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng cần phải để ý đến một nhánh hoạt động tội phạm có tổ chức tương đối không quan trọng nhưng lại có khả năng khiến cả thế giới loài người lao đao.