Tôi phải làm gì để không phải là kẻ vong ân

ANTĐ - Đêm hôm đó, vào khoảng 22h, trên đường về nhà, đang đi xe đạp rất thong thả, bỗng rất đột ngột, một chiếc xe máy va vào khiến tôi ngã chổng kềnh. Kẻ điều khiển đã vọt đi. Trong lúc tôi đang rất đau đớn bên cạnh chiếc xe đạp bị hỏng nặng, không biết xoay xở ra sao thì thấy một chiếc ô-tô đi ngược chiều đỗ xịch. Người lái xe bước xuống, tiến lại, dìu tôi dứng dậy. 
Tôi phải làm gì để không phải là kẻ vong ân ảnh 1

 Ảnh minh họa 
Tôi cố gượng dậy nhưng rất đau đớn, miệng không quên cảm ơn người lái xe xa lạ tốt bụng. Anh ta hỏi tôi tới đâu. Tôi nói về nhà. Anh ta nói đưa tôi về rồi dìu tôi lên xe. Tôi quá đau, không thể bước. Anh ta đã lái xe vòng lại để đỗ sát chỗ tôi. Rồi anh ta quàng một tay tôi qua cổ mình để tôi có thể bước được lên xe. Lúc này tôi mới biết trên xe chỉ có một mình anh ta. Sau khi mở cốp ô-tô, nhấc chiếc xe đạp đã cong vành bỏ vào rồi đậy nắp, trở lên ghế ngồi, anh ta hỏi tôi có cần vào bệnh viện không. Tôi nói không cần, chỉ bị bong gân. Bố tôi có nghể nắn xương sẽ nắn lại dễ dàng.

Người lái xe bật đèn sáng. Có lẽ anh ta giữ sự tế nhị vì không muốn trong xe có phụ nữ lại cứ để tối om.Từ chỗ bị ngã về nhà tôi chỉ chừng một cây số nhưng vì phải rẽ qua nhiều ngõ ngách chật hẹp nên không thể đi nhanh. Thời gian ngồi trên xe cũng chừng mười phút. Người lái xe chỉ im lặng, tập trung điều khiển xe. Tôi đau đớn nên cũng không nói gì.

Khi xe về đến nhà, người ra mở cổng là bố tôi. Tôi chưa kịp giới thiệu, ông đã tiến ra, nhìn người lái xe với vẻ căm tức. Chỉ khi tôi nói rõ sự thể, ông mới thay đổi thái độ và mời người lái xe vào nhà để được trả ơn. Vì cổng nhà tôi ở ngay phía dưới chiếc đèn đường rất sáng nên tôi đã nhìn rõ anh (mà lúc trước do quá đau, lại nhá nhem tối nên không để ý). Đó là một người có lẽ chỉ ngang tuổi tôi, có gương mặt sáng sủa, dễ gây thiện cảm với người mới tiếp xúc, cách ăn mặc và cử chỉ lịch sự. Mặc dù bố tôi tha thiết mời vào nhà, nhưng anh ta cáo từ và nói phải vội đi ngay.

Người lái xe định dìu tôi vào nhà, nhưng cậu em trai của tôi đã ra làm việc này. Bố tôi vào nhà rồi trở ra, trao cho anh một chiếc phong bì với lời cảm tạ. Nhưng anh kiên quyết từ chối. Tôi thấy hai người cứ đùn đẩy chiếc phong bì, bố tôi phải nói:

- Anh làm thế này, gia đình tôi áy náy quá, biết lấy gì tạ ơn anh.

- Mong bác hiểu cho, cháu không phải là lái xe taxi.

- Nhưng chúng tôi biết đền đáp anh sao đây?

Người lái xe nói một câu khiến tôi không thể không suy nghĩ :

- Viêc nhỏ, không đáng gì. Và chẳng lẽ chỉ có tiền mới thể hiện được lòng biết ơn sao?

Nghe anh ta nói vậy, bố tôi chỉ còn biết vái tạ anh ta. Hình như ông cũng hơi ngượng với người lái xe hiếm có giữa thời buổi hiện nay.Rồi anh ta phóng xe đi.

Đêm hôm đó, tôi cứ nằm nghĩ miên man về người lái xe xa lạ hào hiệp và câu anh ta nói với bố tôi. Anh ta nói vô tư hay có hàm ý ? Nếu vậy, thực lòng anh ta muốn gì ở gia đình tôi? Hay là...? Nhưng tôi để ý thấy từ phút đầu đến cuối, quãng thời gian ngồi trên xe, anh ta không có bất cứ một biểu hiện gì khiến tôi phải “đề phòng”. Tất cả chỉ là sự tận tâm cứu giúp một nạn nhân - nhất lại là phụ nữ trong cơn hoạn nạn.

Tôi và cả nhà đều rất hối hận vì không kịp hỏi tên và ghi số điện thoại của người lái xe hào hiệp. Thế là việc đó qua đi, như một kỷ niệm đẹp, giữa thời buổi con người ta dễ toan tính, vụ lợi trong các mối quan hệ.

Tôi là giáo viên một trường THCS ở Hà Nội. Về nhan sắc và mọi phương diện, không đến nỗi nào nhưng vì cao số nên năm nay đã 32 tuổi, tôi vẫn chưa cùng ai... Tai nạn giữa đường lần đó với kỷ niệm thật ngọt ngào về người lái xe vẫn còn ám ảnh trong tôi thì xảy ra một chuyện...

- Mong chị thông cảm. Với tư cách giáo viên chủ nhiệm, tôi đã hết lời thuyết phục hội đồng kỷ luật nhà trường nhưng vì lỗi của cháu không nhẹ, lại diễn ra nhiều lần nên không thể khác.

Người phụ nữ thất vọng, rời khỏi phòng khách nhà trường sau khi đến gặp tôi xin cho đứa con trai tên Tuấn được lên lớp. Đây là lần thứ hai bà ta đến gặp tôi. Lần trước, bà ta đã năn nỉ, và tôi cũng đã gặp Ban giám hiệu đề nghị chiếu cố trường hợp này vì thấy bà ta quá tội nghiệp, chỉ có một đứa con duy nhất (góa chồng từ lúc Tuấn còn rất nhỏ) nhưng không được chấp nhận. Lựa lời an ủi bà, thực lòng tôi cũng thấy ái ngại. Khi tôi tiễn bà ra tới cổng trường thì thấy một chiếc ô-tô đã đợi sẵn.

Bước lại gần, tôi giật mình nhận ra người đàn ông đã giúp tôi cái đêm tôi bị tai nạn, đang ôm tay lái, chuẩn bị chạy xe. Anh ta chính là em ruột của người đàn bà bất hạnh, có đứa con trai vừa bị nhà trường cho học đúp vì bị kỷ luật.

Chúng tôi nhanh chóng nhận ra nhau. Tất nhiên là sau đó tôi đã không khó khăn gì để biết rõ về anh bằng cách gặp Tuấn, hỏi về người cậu ruột. Tuấn cho tôi biết: Ông cậu tên Vinh, là kiến trúc sư, 35 tuổi, làm giám đốc một công ty TNHH chuyên về tư vấn, thiết kế xây dựng, chưa có vợ. Cậu đã giúp đỡ mẹ nhiều về kinh tế để nuôi Tuấn ăn học vì mẹ luôn đau yếu, đã nghỉ việc từ lâu, mở quán cóc không đủ sống.

Lúc gặp lại nhau ở cổng trường, Vinh không có biểu hiện gì đặc biệt khi biết tôi là cô giáo của Tuấn, trong khi bà chị tỏ ra rất mừng vì thấy chúng tôi quen biết nhau. Điều đó cho tôi ấn tượng anh ta là người rất điềm tĩnh, tế nhị và tự trọng. Tôi bộc lộ niềm vui khi được gặp lại ân nhân và trao danh thiếp cho Vinh. Sau đó, tôi thấy anh không liên lạc gì với tôi. Đáp lại ơn của Vinh, tôi thấy không thể bỏ qua việc này. Nhưng rất khó nghĩ. Việc Tuấn bị “đúp” đã được quyết định, không thể thay đổi. Tôi phải làm sao đây để Vinh không nghĩ tôi là kẻ vong ân? Tôi cắn rứt lương tâm, bất an về việc này.

Chia sẻ:
Đúng như bạn nói, việc của Tuấn không thể thay đổi. Chỉ còn mỗi một cách: Để thể hiện lòng biết ơn người đàn ông đã hào hiệp giúp mình, bạn hãy bỏ công sức quan tâm đến Tuấn khi em học lại, sao cho cậu học thật giỏi, trở thành một học sinh ngoan, khác hẳn trước. Bạn hãy coi Tuấn như con mình.

Tuy học đúp nhưng chưa chắc Tuấn đã khá, đã ngoan, nếu không có sự chăm sóc đặc biệt của những người có trách nhiệm. Chỉ có cách ấy, bạn mới không “cắn rứt lương tâm” và có thể điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bạn, biết đâu đấy? Nói vậy, chắc bạn hiểu.
TS Nguyễn Đình San