Giáo sư, họa sỹ người Mỹ, David Thomas:

“Tôi muốn hàn gắn vết thương chiến tranh”

ANTĐ - Từng là cựu binh Mỹ tại chiến trường Pleiku (Việt Nam), dù đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh vẫn chưa bao giờ phai nhạt đối với David Thomas. Nỗi ám ảnh đó đã theo họa sĩ trong hành trình trở lại Việt Nam. Với hàng loạt các hoạt động nghệ thuật giáo dục được thực hiện như hành động hàn gắn vết thương chiến tranh mà quân đội Mỹ đã gây ra cho người dân Việt Nam. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông.

- PV: Năm 1969, ông đến Việt Nam với tư cách là kẻ đi tham chiến. Nhưng hơn 30 năm sau, ông thường xuyên trở lại Việt Nam với tư cách là một người bạn của Việt Nam, một họa sỹ. Sự thay đổi này có thể được hiểu là gì, thưa ông?

- Họa sỹ David Thomas: Tôi muốn hàn gắn vết thương chiến tranh. Chúng tôi cảm thấy có lỗi. Từ năm 1965, người Mỹ đã sang Việt Nam và gây ra các cuộc thảm sát đẫm máu. Không chỉ có tôi mà còn rất nhiều cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam với mong muốn: trước kia, chúng ta là kẻ thù của nhau nhưng giờ là những người bạn. Về cá nhân tôi, tôi muốn trong tương lai, Việt Nam sẽ phát triển hơn bằng cách giúp đỡ các họa sỹ Việt Nam giao lưu và trao đổi nghệ thuật tại Mỹ, thành lập Quỹ Nghệ thuật Đông Dương để kêu gọi tài trợ cho Việt Nam. Và ngược lại, tôi cũng tổ chức các trại sáng tác cho các họa sỹ Mỹ tại đất nước các bạn. Ở Việt Nam, tôi có rất nhiều người bạn tốt. Tất cả những yếu tố này khiến tôi thường xuyên trở lại Việt Nam trong những dự án nghệ thuật ra mắt thường xuyên.

- Được biết, loạt tranh đồ họa của ông đang trưng bày tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền là loạt tranh cuối cùng ông vẽ về nỗi ám ảnh chiến tranh. Họa sỹ đang quên dần cuộc chiến tại Việt Nam? 

- Ám ảnh chiến tranh chưa bao giờ ngừng đeo đuổi tôi. Thế nhưng, đã đến lúc những hình ảnh tang tóc của chiến tranh phải dần được thay thế bằng hình ảnh mới của Việt Nam, hòa bình và phát triển, sau 20 năm tôi trở lại đất nước các bạn. Tôi luôn nhớ về Việt Nam với những ấn tượng rất khác biệt. Việt Nam đã thay đổi kỳ diệu. Tôi thấy mọi thứ đều trở nên tốt đẹp hơn. Năm 1987, lần trở lại Việt Nam đầu tiên, tôi thấy những người trẻ rất nghèo, các họa sỹ trẻ có rất ít cơ hội ra nước ngoài học tập, trau dồi kinh nghiệm, các gallery tư nhân hầu như không có. Thế nhưng, ngày nay, các họa sỹ trẻ có rất nhiều điều kiện tốt để phát triển và lập nghiệp, kinh tế Việt Nam cũng phát triển vượt bậc. 

- Các bức tranh ông vẽ về nỗi ám ảnh cuộc chiến tại Việt Nam có gây được cú sốc nào với công chúng Mỹ?

- Những bức tranh vẽ về chiến tranh Việt Nam được tôi treo tại nhà và những người bạn đến nhà chơi tỏ ra rất thích thú. Tuy nhiên, những bức tranh này chưa từng được trưng bày tại một triển lãm nào tại Mỹ nên không nhiều người biết tới. Tôi vẽ tranh không phải để bán mà tôi muốn làm những bức tranh khiến người ta phải nghĩ. 

- Là người đứng ra tổ chức triển lãm “Cái nhìn từ hai phía” năm 1990 trước khi Việt Nam-Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ. Ông chính là một trong những người tiên phong đặt nền móng cho mối quan hệ được mở ra giữa 2 đất nước? 

- Để tổ chức được cuộc triển lãm này, tôi đã mất 2 năm đi vòng quanh nước Mỹ thu thập tư liệu và cuộc triển lãm đã được diễn ra trên cả 3 thành phố lớn của Việt Nam: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Đây cũng là cuộc triển lãm Việt Nam-Mỹ đầu tiên kể từ khi chiến tranh kết thúc. Có thể nói, những nghệ sỹ như chúng tôi đã thay mặt chính phủ làm công việc bình thường hóa mối quan hệ giữa 2 đất nước trước khi Tổng thống Bill Clinton chính thức tuyên bố. 

Nỗi ám ảnh chiến tranh được ông thể hiện bằng hình ảnh những đứa trẻ trong tranh đồ họa

- Thế còn những cuốn sách nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sắp tới là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có lý do nào khiến ông, một người Mỹ lại say mê sưu tầm tư liệu về các lãnh tụ của Việt Nam đến vậy?

- Là một người Mỹ, tôi không hiểu tại sao người Việt Nam lại yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vậy. Đi đến nhà nào, tôi cũng thấy họ treo ảnh cụ Hồ. Đến khi tìm hiểu và tôi chắc chắn rằng: ông là một trong những người lãnh đạo tuyệt vời nhất ở thế kỷ 20. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng vậy, một lần may mắn được gặp ông, tôi thấy rất ấn tượng về sự thông minh của Đại tướng. Tôi hiểu tại sao người Việt Nam lại tôn thờ Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đến vậy. Tôi làm sách về các vị lãnh tụ của Việt Nam để quảng bá sâu rộng hơn những điều tôi  biết và tìm hiểu được về họ. Và không gì khác là một tình yêu dành cho Việt Nam và những nhà lãnh đạo. 

- Văn hóa Việt Nam, ông am hiểu nhiều rồi chứ? 

- Tôi biết đến văn hóa Việt Nam từ rất lâu nhưng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu. Việt Nam có hàng nghìn năm lịch sử nên có rất nhiều điều tôi chưa tường tận. 

- Xin cảm ơn ông!