Tôi luyện trẻ trong rừng

ANTĐ - Những lớp học mầm non trong rừng bắt nguồn ở Đan Mạch từ những năm 1950 và hiện đã trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tại đây, trẻ em được tự do vui chơi, tìm hiểu, khám phá, hòa mình với thiên nhiên... Những bài học từ thiên nhiên giúp hiểu biết về thế giới xung quanh, giúp chúng tự tin, hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống. 

Những bài học hàng ngày của trẻ từ môi trường xung quanh

Đến lớp bất kể thời tiết

Một buổi sáng đầu tháng 12, trời lạnh, hơn chục đứa trẻ ngồi xếp thành vòng tròn cùng hát và bắt đầu buổi học. Hình ảnh quen thuộc này có thể bắt gặp ở hầu hết các trường mẫu giáo chuẩn mực trên khắp thế giới. Những đứa trẻ này không ngồi trong những căn phòng ấm áp mà chúng ngồi quây quanh một đống lửa giữa rừng,  đó chính là lớp học hàng ngày của chúng. Đây là một trong số những  “lớp học trong rừng” đang ngày càng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Những lớp học không có phòng học, sách truyện mà trẻ được học hỏi, tự do khám phá, hòa mình vào thiên nhiên trong những khu rừng, đồng cỏ, đầm lầy...

Đều đặn các buổi sáng, bất kể thời tiết, 21 trẻ em đến “lớp học trong rừng” Die Kleinen Pankgrafen, ở Karow, thị trấn phía bắc Berlin. Đây là một trong số hơn 1.500 lớp học trong rừng trên khắp nước Đức. Mô hình này đang được lan rộng ra nhiều nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Anh... Thorsten Reinecke, người phụ trách lớp học Die Kleinen Pankgrafen chỉ cười khi được hỏi về thời tiết có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bọn trẻ. “Không hề gì, chúng tôi vẫn ở ngoài trời ngay cả khi nhiệt độ xuống đến âm 28 độ C. Bọn trẻ không bao giờ bị lạnh, chúng và các bậc phụ huynh biết mặc đồ như thế nào”, Thorsten Reinecke nói. 

Nếu thời tiết cực lạnh, trẻ em, và cả giáo viên, có thể vào lều nghỉ ngơi, hay đốt một đống lửa nhỏ bằng gỗ, tuy nhiên Reinecke khẳng định phần lớn thời gian là bọn trẻ ở ngoài trời, ngay cả khi tuyết phủ dày tới gần 1 mét.

Để trẻ tự dạy bản thân

Mùa đông năm ngoái, tuyết rơi rất nhiều nên bài học chính của bọn trẻ là dựng một cái lều tuyết. Năm nay tuyết chưa rơi nên trong lúc chờ đợi, bọn trẻ tập trung mọi sự chú ý vào việc khám phá đống lửa. Không  nhất thiết lúc nào cũng cần có giáo viên giám sát, bọn trẻ được tự do tìm hiểu xung quanh đống lửa. Cậu bé Finn tự tay cho thêm những nhành củi vào đống lửa khi thấy lửa hơi  lụi đi, những đứa trẻ khác dùng cành cây chọc vào đám lửa để nó bốc cháy to hơn.

Nhìn thấy cảnh đó, các giáo viên không tỏ ra lo ngại, thậm chí còn để chúng tự do tìm hiểu. “Chúng tôi không cần phải lúc nào cũng ở cạnh bên giám sát bọn trẻ, nhưng luôn biết chúng đang làm gì, ở đâu. Cứ để bọn trẻ tự “rút kinh nghiệm” từ những hành động của mình. Ý tưởng là để bọn trẻ tự học, học lẫn nhau và học từ những lần chúng làm sai. Giáo viên chỉ can thiệp trong trường hợp cực kỳ cần thiết” - Reinecke chia sẻ. Một giáo viên khác, Nihal Oz kể, có lần một cậu bé dẫm giày vào ngọn lửa “để xem chuyện gì xảy ra”. Cậu bé này “khoe” với giáo viên rằng “chân của cháu không cháy”. Trong trường hợp này, giáo viên sẽ giảng giải cho bọn trẻ điều gì xảy ra nếu mọi thứ ở trong lửa, để bọn trẻ được tận mắt chứng kiến. 

Sau bữa ăn, bọn trẻ được tự do vui chơi, nhóm đi thăm những con cừu của trang trại gần đó, nhóm khác trèo cây. Bọn trẻ được phép trèo lên bất cứ chỗ nào chúng  muốn, ở bất kỳ độ cao nào. Quy  tắc duy nhất là giáo viên chỉ giúp đỡ bọn trẻ leo xuống, chứ không phải leo lên. “Điều đó làm cho bọn trẻ phải chú ý và cẩn thận hơn bởi vì chúng phải tự tin vào bản thân. Thông thường, trẻ chỉ bị ngã khi bố mẹ chúng có mặt ở đó và chúng nghĩ rằng đã có bố chúng đỡ ở dưới” - Reinecke nói.

Bà Ute Schulte-Ostermann, Chủ tịch liên đoàn trường mẫu giáo trong rừng và thiên nhiên Đức cho biết, chưa có trường hợp nào bị thương nghiêm trọng như gẫy tay, chân trong lịch sử hơn 20 năm của tổ chức này. “Những lớp học này còn ít tai nạn hơn các trường mẫu giáo thông thường bởi ở đây không có các bức tường và sàn nhà mềm hơn, chỉ là lá cây và bùn” - bà Ute nói và nhấn mạnh, cuộc sống ngoài trời đã tôi luyện cho lũ trẻ, giảm nguy cơ mắc các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm. 

Lợi ích tinh thần và vật chất

Schulte - Ostermann nói rằng, được học tập và vui chơi ngoài trời trong những lớp học trong rừng mang lại  lợi ích tinh thần và vật chất to lớn. Những trẻ em của lớp học trong rừng có sự hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh, chúng thường tự tin và cơi mở hơn nhiều khi chúng tới trường. Đó là bằng chứng cho thấy ngày càng có nhiều phụ huynh cho con theo học mô hình này.

Tại Mỹ, lớp học trong rừng đầu tiên, “Mẹ Trái đất” được mở ỏ Portland, Oregon từ năm 2007. Ở Anh có trường Secret Garden ngoài trời ở Fife, Scotland Secret Garden Outdoor Nursery hoạt động 49 tuần trong năm với 40 em tham gia.

Mô hình này đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản. Hiroe Kido, người bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nhật Bản về mô hình lớp học trong rừng cho biết, có hơn 100 lớp học trong rừng ở Nhật và con số dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm tới. “Chúng rất phổ biến ở Nhật. Nhiều phụ huynh lo lắng rằng cuộc sống hiện đại  và công nghệ cao phát triển khiến trẻ em không có thời gian giao tiếp với thiên nhiên, do đó, họ rất muốn cho con em mình học lớp học trong rừng” - Hiroe Kido nói.