“Tôi luôn thấy tâm hồn thanh thản!”

Một  năm tổ chức tới 5 triển lãm ở các thành phố lớn trên thế giới, tất bật với công tác giảng dạy mỹ thuật tại Stockhom- Thuỵ Điển, dường như nữ hoạ sĩ Văn Dương Thành quá đắm đuối với nghệ thuật nên không đủ thời gian sống cho riêng mình. Nhưng dù ở bất cứ đâu, hay bất cứ hoàn cảnh nào chị đều có thể vẽ về Hà Nội và hoài niệm về Hà Nội bởi những ký ức về Hà Nội dường như  đã ăn vào máu thịt của chị....

Nữ họa sĩ Văn Dương Thành hoài niệm về Hà Nội

“Tôi luôn thấy tâm hồn thanh thản!”

Một  năm tổ chức tới 5 triển lãm ở các thành phố lớn trên thế giới, tất bật với công tác giảng dạy mỹ thuật tại Stockhom- Thuỵ Điển, dường như nữ hoạ sĩ Văn Dương Thành quá đắm đuối với nghệ thuật nên không đủ thời gian sống cho riêng mình. Nhưng dù ở bất cứ đâu, hay bất cứ hoàn cảnh nào chị đều có thể vẽ về Hà Nội và hoài niệm về Hà Nội bởi những ký ức về Hà Nội dường như  đã ăn vào máu thịt của chị....

Hoạ sĩ Văn Dương Thành

 Hoạ sĩ Văn Dương Thành

PV: Đều đặn mỗi năm một lần tổ chức triển lãm tại Hà Nội, xây cho mình biệt thự “Sen trắng”ở Nghi Tàm, có vẻ chị đang chuẩn bị  an cư tại Hà Nội?

Hoạ sĩ Văn Dương Thành: Là một hoạ sĩ nên tôi luôn phải đi, nếu không đi thì chẳng thể sáng tác hay giới thiệu nghệ thuật của mình được. Ở bất cứ nơi đâu tôi cũng sáng tác, mà ở đâu sáng tác được thì ở đó là nhà. Nhưng xưởng vẽ lớn nhất của tôi là ở Biệt thự Sen trắng này. Vì thế tôi sống ở đây nhiều hơn. Tôi luôn thấy tâm hồn thanh thản khi ở Việt Nam. 

PV: Người ta thường tổ chức triển lãm ở những nơi hoành tráng, sao chị lại quyết định tổ chức triển lãm “Ấn tượng Hà Nội” ngay tại nhà mình?

Hoạ sĩ Văn Dương Thành: “Ấn tượng Hà Nội” tôi tổ chức cùng nữ hoạ sĩ Soledad Fuentes-Một nhà ngoại giao Tây Ban Nha. Sở dĩ chúng tôi chọn xưởng vẽ làm nơi trưng bày triển lãm là bởi không gian nơi này ấm cúng, có nhiều cảm xúc. Triển lãm tại xưởng hoạ là mô hình mà thế giới hiện nay rất thích, bởi ở đó, người xem có thể chia sẻ cùng người hoạ sĩ, đó là nơi gặp gỡ bình dị. Ở đây, người xem có thể thấy được những bức tranh đang vẽ, những bức tranh còn ướt, những bức tranh đang còn thai nghén. Nét bút phác đầu tiên mang cả quá trình, sự vận động, và sự nảy nở trước khi trở thành một tác phẩm.

PV: Hầu hết các bức tranh của chị đều phảng phất hình ảnh về một Hà Nội cổ kính, dường như nơi này đã trở thành nguồn cảm xúc dồi dào của chị?

Hoạ sĩ Văn Dương Thành: Tôi sinh ra ở miền Nam, nhưng cả tuổi thơ tôi gắn liền với mỗi con đường, mỗi góc phố Hà Nội. Ấn tượng tuổi thơ này đã theo tôi suốt cả cuộc đời. Dù tôi có ngồi ở Wasington DC hay Italia, Pháp... hay ở đâu đi nữa, tôi vẫn có thể vẽ được về Việt Nam, về làng quê Việt Nam, về những hình ảnh mưa rơi trên phố, hoàng hôn trên sông Hồng. Có những năm không về ăn Tết được, tôi tưởng nhớ ông bà, cha mẹ mình bằng cách vẽ những tĩnh vật Tết, vẽ bánh trưng, vẽ mâm ngũ quả.... Có một nhà sưu tầm đã nói rằng, nhìn tranh Văn Dương Thành vẽ bao nhiêu cái ấn tượng về Hà Nội đều nằm ở đó. Những hoài niệm về Hà Nội đã ăn vào máu thịt của tôi.

PV: Chị nghĩ sao về sự phát triển của các loại hình nghệ thuật đương đại như sắp đặt trình diễn hay video art?

Hoạ sĩ Văn Dương Thành: Nghệ thuật sắp đặt không mới, bởi ngay từ khi con người ở trong hang động, người ta đã làm nghệ thuật sắp đặt rồi. Tôi nghĩ trong nghệ thuật không có mới và cũ mà chỉ là sự phát triển theo nhu cầu của người thưởng thức. Trong một thế giới điện tử, nhiều người có nhu cầu kết hợp  mỹ thuật với kỹ thuật điện tử. Đó là sự phát triển tất yếu và bình thường. Đã là nghệ thuật thì muôn hình muôn vẻ, mỗi người có một ý thích riêng. Nghệ thuật càng nhiều hình nhiều vẻ càng vui, càng giàu có, thoả mãn nhiều lớp người khác nhau. Tôi luôn đánh giá cao các loại hình nghệ thuật này.

PV: Chị đánh giá thế nào về lớp hoạ sĩ trẻ hiện nay  ở Việt Nam?

Một tác phẩm của họa sĩ Văn Dương Thành

Một tác phẩm của họa sĩ Văn Dương Thành

Hoạ sĩ Văn Dương Thành: Có lẽ tôi không thể đánh giá sát được vấn đề này. Tôi thường đứng ngoài quan sát đời sống mỹ thuật ở trong nước và thấy được rằng, nhiều bạn trẻ đã qua đào tạo ở các trường mỹ thuật đều có kiến thức hàn lâm và có cái nhìn mới mẻ. Tranh của họ đẹp và thể hiện được thiên hướng riêng của mình. Hoạ sĩ Việt Nam không hề bỡ ngỡ đối với hội hoạ thế giới.

PV: Chị có ý định một ngày nào đó về giảng dạy tại Việt Nam?

Hoạ sĩ Văn Dương Thành: Thời gian về Việt Nam của tôi ngắn, cho nên cũng không tiếp xúc nhiều. Nếu nhận được lời mời, tôi sẽ sẵn sàng giảng dạy tại Việt Nam.

PV: Là một trong 17 người Việt Nam ở nước ngoài được nhận danh hiệu “Vinh danh nước Việt”, chị cảm nhận thế nào khi được nhận danh hiệu này?

Hoạ sĩ Văn Dương Thành: Từ trước tới nay, tôi chỉ chuyên tâm vào vẽ, cố gắng thể hiện tâm hồn mình qua những bức tranh. Tôi chỉ nghĩ rằng mình làm nghệ thuật đơn thuần, được chia sẻ và được nhiều người đến xem triển lãm thì đã là mừng lắm rồi. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nhận được danh hiệu này, so với 17 người nhận giải thưởng hôm đó, tôi là người có đóng góp ít nhất. Lần đầu tiên có một nữ hoạ sĩ như tôi được nhận giải thưởng này, điều đó cho thấy ở Việt Nam nghệ thuật đã được đánh giá cao. Mọi điều tôi làm bây giờ đều là để báo hiếu ông bà, cha mẹ mình.

Vân Quế

(thực hiện)