Tội danh cho hành vi thông đồng chiếm đoạt tài sản được thuê quản lý

ANTD.VN - Qua đợt kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc khai thác cát trên sông, UBND xã X., đã tạm giữ phương tiện hút cát vi phạm gồm: 4 máy dầu bơm hút cát; 4 máy dầu dùng cho các phương tiện; dụng cụ bơm hút cát, trị giá khoảng 150 triệu đồng. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

UBND xã X. đã ký kết hợp đồng thuê Trần Quốc L. (SN 1973) giữ số tài sản này. Lý Quang T. (SN 1975) biết được L. đang giữ số tài sản này và con ông L. đang muốn đăng ký vào học tại trường nghề của huyện nhưng không được, T. liền đề nghị với ông L., nếu để cho T. lấy số tài sản do L. đang quản lý đi bán thì T. sẽ giúp cho con L. được vào học trường nghề. Trần Quốc L. đã đồng ý theo đề nghị của T. Sau đó, T. thuê một số người khác đến gặp L. và L. đã mở cửa kho, để T. và một số người được thuê mang các tài sản mà L. đang có trách nhiệm giữ lên xe chở đi. Sáng hôm sau, Trần Quốc L. báo với UBND xã X. là tài sản đã bị kẻ gian lấy trộm. 2 ngày sau đó khi Lý Quang T. mang số tài sản trên đi tiêu thụ thì bị công an huyện phát hiện, bắt giữ.

Vấn đề đặt ra là các đối tượng trong vụ việc trên đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Trộm cắp tài sản

Trong vụ việc này, Lý Quang T. đã phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173, Bộ luật Hình sự 2015; Trần Quốc L. đồng phạm với T. về tội trộm cắp tài sản với vai trò giúp sức. Có thể thấy, Lý Quang T. giữ vai trò chính, là người rủ rê, khởi xướng việc phạm tội. Cụ thể, T. đã lợi dụng việc Trần Quốc L. đang muốn cho con đi học trường nghề nên T. đã thỏa mãn được mong muốn này của L., trái lại L. phải giúp T. chiếm đoạt tài sản L. đang giữ của UBND xã X. Trong trường hợp này T. tuy không có hành vi lén lút nhưng đã có hành vi thông đồng với L. - người quản lý trực tiếp tài sản của UBND xã X. (xã X. đang tạm giữ hợp phát các tài sản vi phạm) để chiếm đoạt. Vì vậy đã có đủ căn cứ để xử lý Lý Quang T. và Trần Quốc L. về tội trộm cắp tài sản.

Lê Đình Tuấn (Hương Sơn - Hà Tĩnh)

Lạm dụng tín nhiệm

Trần Quốc L. và Lý Quang T. đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015. Trong vụ việc này, thực tế ban đầu T. là người rủ rê thực hiện hành vi phạm tội nhưng bản thân L. là người được giao quản lý hợp pháp tài sản của UBND xã X. Vì một lợi ích là T. hứa lo cho con của L. vào học trường nghề nên L. đã đồng thuận cho T. chiếm đoạt toàn bộ tài sản do chính L. có trách nhiệm quản lý. Như vậy chính L. đã chiếm đoạt tài sản mình được giao quản lý hợp pháp thông qua hợp đồng với UBND xã X. - đây là đặc trưng của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như vậy đã có căn cứ để xử lý Trần Quốc L. và Lý Quang T. về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trong đó L. giữ vai trò chính trong việc phạm tội này còn T. đồng phạm với L.

Nguyễn Thúy Hà (Đoan Hùng  - Phú Thọ)

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trong vụ việc này Trần Quốc L. và Lý Quang T. đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự. Có thể thấy L. đã thống nhất cùng T. về việc để cho T. chiếm đoạt số tài sản của xã X. thu được trong khi bắt cát lậu hiện do L. đang quản lý để đổi lại việc T. sẽ giúp cho con của L. được vào học trường nghề. Hành vi này được L. thực hiện bằng việc sử dụng thủ đoạn gian dối bằng cách báo với UBND xã X. là tài sản đã bị kẻ gian lấy trộm. Nếu như không có tình huống Lý Quang T. trong khi mang số tài sản trên đi tiêu thụ bị công an huyện phát hiện bắt giữ thì L. đã thành công với trò lừa đảo của mình. Do đó cần phải xử lý các đối tượng này về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đoàn Xuân Thái (Phù Cừ - Hưng Yên)

Bình luận của luật sư

Đối với ý kiến cho rằng Lý Quang T. phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173, Bộ luật Hình sự 2015, Trần Quốc L. đồng phạm với T. trong vai trò giúp sức, theo chúng tôi, T. và L. không phạm tội trộm cắp tài sản. Bởi lẽ, trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản.

Thông thường người phạm tội lợi dụng sự mất cảnh giác của người quản lý tài sản để lấy tài sản mà người quản lý tài sản không hề biết. Tức là, tài sản vẫn còn nằm trong sự quản lý của người bị hại, do sơ hở trong quản lý mà bị lấy trộm. Ở tình huống này, tài sản bị mất trộm không còn nằm trong sự quản lý của UBND xã X. mà đã chuyển giao cho Trần Quốc L. trông coi quản lý. Nói cách khác thì L. là người quản lý tài sản hợp pháp thông qua hợp đồng với UBND xã X. Do đó, không thể nói Lý Quang T. đã phạm tội trộm cắp tài sản vì không có sự lén lút trước người quản lý tài sản. 

Trong vụ việc này, chúng tôi cho rằng Trần Quốc L. và Lý Quang T. cũng không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự. Bởi theo quy định của pháp luật, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách gian dối.

Đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Hai dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Trong đó: gian dối là điều kiện và thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt; còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi gian dối.

Như vậy, về thời gian thực hiện tội phạm thì hành vi gian dối diễn ra trước thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đối chiếu vào vụ việc, có thể thấy Trần Quốc L. và Lý Quang T. đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trước sau đó mới diễn ra hành vi gian dối. Và hành vi gian dối ở đây không phải là điều kiện và thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt. Do đó L. và T. không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Căn cứ vào nội dung vụ việc, có cơ sở để khẳng định Trần Quốc L. và Lý Quang T. đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của pháp luật, mặt khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thể hiện bởi 2 nhóm hành vi. 

- Một là, vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đã đến thời hạn trả lại tài sản và mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. 

- Hai là, vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 

Về mặt chủ quan của tội phạm, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật và nguy hiểm cho xã hội. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái phép và mong muốn cho hậu quả xảy ra. Mục đích của tội phạm là chiếm đoạt tài sản của người khác.

Trở lại vụ việc này có thể thấy, UBND xã X. đã thu giữ số tài sản qua quá trình xử lý vi phạm gồm 4 máy dầu bơm hút cát; 4 máy dầu dùng cho các phương tiện; dụng cụ bơm hút cát, trị giá khoảng 150 triệu đồng. UBND xã X. đã ký kết hợp đồng thuê Trần Quốc L. giữ số tài sản này. Như vậy, trong trường hợp này L. là người quản lý tài sản. Mặt khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi bội tín. L. mặc dù đã được UBND xã X. tin tưởng giao quản lý tài sản nhưng đã thông đồng với T. chiếm đoạt tài sản được giao quản lý.

Nếu L. không bội tín và thông đồng với T. thì T. khó có thể chiếm đoạt được tài sản. Mặc dù lợi ích mà L. hướng tới không phải là tài sản mình đang trông giữ mà là việc làm của con mình, tuy nhiên L. vẫn là người có hưởng lợi từ sự thông đồng với T. Như vậy, với vai trò là người quản lý tài sản hợp pháp thông qua hợp đồng dân sự, đã có cơ sở để cho rằng Trần Quốc L. phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Còn đối với Lý Quang T., T. là người khởi xướng việc chiếm đoạt tài sản và được L. đồng ý, đồng thời T, cũng là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên giữ vai trò đồng phạm với L. về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng
(Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)